Khoảng cuối tháng 12 hàng năm, mẹ chồng thường vào miền Nam thăm vợ chồng tôi và ở chơi khoảng nửa tháng. Bà vào dịp này để mua sắm Tết, tránh rét và du lịch cùng con cháu.
Hai năm gần đây, tôi rất sợ khoảng thời gian mẹ chồng ở nhà mình. Bà dễ tính nhưng rất thích nhà đông con nhiều cháu.
Ngày nào, bà cũng ra rả điệp khúc, vợ chồng tôi phải sinh thêm con, cho đủ nếp đủ tẻ. Bà còn bảo, nhà tôi chỉ có một đứa con, chẳng may bé gặp nạn thì hối hận cũng đã muộn.
Tôi rất sợ những câu nói kém duyên như thế của mẹ chồng. Bà khiến tôi ám ảnh, sợ hãi. Đôi lúc, tôi muốn sinh thêm con cho xong chuyện.
Thực lòng, vợ chồng tôi cũng muốn sinh thêm em bé. Tuy nhiên, xét về điều kiện sức khỏe và tài chính, chúng tôi chưa ổn định để cùng lúc chăm sóc chu đáo cho 2 con.
Vợ chồng tôi nhiều lần giãi bày nỗi niềm với mẹ chồng. Thế nhưng, tôi có cảm giác bà không chịu hiểu cho chúng tôi.
|
Ám ảnh chuyện con gái mắc bệnh hen suyễn, vợ chồng tôi không muốn sinh thêm. Ảnh minh họa: Pixabay
|
Thứ Bảy vừa rồi, mẹ chồng khăn gói vào TP.HCM ở chơi với gia đình tôi như mọi năm. Lần này, bà mang chuyện con bác cả vừa sinh thêm con trai để nhắc vợ chồng tôi đẻ thêm.
Chiều hôm đó, khi tôi nấu cơm trong bếp, mẹ chồng tiếp tục tỉ tê chuyện sinh thêm con. Thế nên, vợ chồng tôi quyết định nói rõ quan điểm, mong mẹ hiểu cho.
“Chuyện mang thai, sinh con với người khác có thể thuận lợi, nhưng với con thì đó là thử thách cam go.
Sức khỏe sinh sản của con không tốt. Nếu mang thai, con nhất định phải nghỉ làm, dành toàn thời gian dưỡng thai.
Lần sinh đầu, con đã bị dọa sảy và sinh non. Vợ chồng con lao đao trong suốt thời gian đó, chắc mẹ vẫn nhớ.
Sau sinh, con phải nghỉ việc tầm 3 năm để chăm bé. Bởi, nội ngoại đều ở xa, không có ai hỗ trợ.
Việc con nghỉ làm khiến tài chính gia đình bấp bênh, một mình chồng con không thể gánh vác nổi. Chưa kể, khi đi làm trở lại, con phải tìm việc mới, bắt đầu từ con số 0, mức lương thấp…
Những khó khăn về kinh tế và sức khỏe khiến con dễ mắc trầm cảm sau sinh. Đó là mối lo ngại lớn nhất mà con phải cân nhắc khi muốn sinh thêm”, tôi nói mà nước mắt ứa ra.
Dù đó là những lời từ tận đáy lòng nhưng mẹ chồng lại ném về tôi ánh mắt hoài nghi. Bà giận dỗi: “Nuôi có một đứa con mà than lắm thế, toàn lý do ngại khó ngại khổ. Ngày trước, tôi nuôi tận 5 đứa, cho ăn học đàng hoàng, chẳng thấy khổ gì cả”.
Đến lúc này, tôi thấy cần phải đưa cho mẹ chồng xem sổ khám bệnh của con gái tôi.
Con tôi mắc bệnh hen suyễn từ năm 2 tuổi. Hầu như tháng nào, bé cũng phải vào bệnh viện thăm khám chục lần. Đặc biệt là mùa lạnh, con tôi vào bệnh viện thăm khám thường xuyên.
Việc con cái bị bệnh, tốn kém tiền bạc, vợ chồng tôi không nói cho bố mẹ hai bên biết. Thế nên, ai cũng nghĩ với mức lương của chúng tôi thì nuôi thêm 1, 2 đứa con vẫn ổn.
Chưa kể, vợ chồng tôi đều có bệnh nền, hàng tháng phải tốn không dưới 5 triệu đồng tiền thuốc.
Xem sổ khám bệnh của cháu nội và đơn thuốc của vợ chồng tôi, mẹ chồng rưng rưng nước mắt hối hận. Bà xin lỗi khi không hỏi rõ hoàn cảnh của con cái, chỉ biết hối thúc để có cháu trai.
Bà không nghĩ hiện nay, trẻ em và người lớn đều mắc nhiều chứng bệnh khó chữa, mãn tính... đến như vậy. Ngày trước, bà nuôi con dễ như câu "trời sinh voi sinh cỏ", đứa lớn chăm đứa bé, lăn lóc mưa nắng nhưng chẳng bao giờ bệnh vặt.
Sau khi hiểu rõ, mẹ chồng hứa không bao giờ xen vào chuyện gia đình của chúng tôi, nhất là về con cái. Nếu vợ chồng tôi sinh thêm con thì nhà nội nhất định hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần.
Vợ chồng tôi nhìn nhau mà thở phào nhẹ nhõm, xem như Tết này bớt một nỗi lo.