Hạnh mới làm vợ, làm dâu nửa năm, còn chưa sinh con, mà cô đã tưởng mình sắp đứt hơi tới nơi. Ai bảo cô có người mẹ chồng "hai mặt" cơ chứ!
Mẹ chồng Hạnh hễ có mặt chồng cô ở nhà thì bà sắm vai yêu thương cô nhất mực, coi con dâu như con gái. Nói năng nhẹ nhàng, tình cảm, luôn tranh giúp đỡ Hạnh việc nhà. Song, khi chồng cô đi làm, bà liền lắc mình thay đổi hoàn toàn. Bà nói thẳng với cô: "Tôi vì con trai mới chấp nhận cô, chứ cô còn khướt để đạt tới tiêu chuẩn con dâu của tôi".
|
Ảnh minh họa. |
Hạnh vừa ra trường chưa xin được việc đã đám cưới, cưới xong có bầu ngay, vì vậy ngày ngày cô ở nhà với mẹ chồng. Cả ngày cô làm mọi việc trong tầm mắt săm soi, xét nét và sự chỉ đạo khắt khe, cộng với cái miệng cay độc của mẹ chồng. Cả ngày cô chỉ mong tới lúc chồng về, và hối hận vì quyết định lấy chồng sớm khi chưa có công việc ổn định của mình. Nếu cô đi làm ra khỏi nhà, kể cả mẹ chồng không ưa, chí ít bà sẽ chẳng có nhiều thời gian mà làm khó cô thế này.
Chồng Hạnh thấy mẹ đối xử với vợ quá tuyệt vời chả chê được điểm nào, nên càng nể phục mẹ. Anh càng răm rắp nghe mẹ hơn, từ công to tới việc nhỏ. Đơn cử như, buổi tối Hạnh thèm sinh tố bơ, cô bèn bảo chồng đưa đi ăn. Song mẹ chồng chỉ cần nói một câu: "Trời sắp mưa đấy, hai đứa đừng đi kẻo bị ướt, lại khổ cháu mẹ". Chồng Hạnh lập tức ở nhà, dù mọi người thừa biết trời sẽ chẳng mưa được. Bởi anh cho rằng, mẹ lo cho cháu, với bà ở nhà 1 mình buồn, nên bà không muốn vợ chồng cô đi. Bà thương con thương cháu thế, vợ chồng anh có chiều bà mấy việc nhỏ này cũng là bình thường, người già mà.
Chủ yếu bà không muốn Hạnh được như ý trong bất cứ chuyện gì, không muốn con trai chiều chuộng con dâu, không muốn Hạnh được nhàn tản, sung sướng. Sắp tới sinh con, Hạnh muốn về nhà ngoại ở cữ, vì cô quá hiểu nếu ở cữ nhà chồng sẽ là tình cảnh gì. Nhưng 1 câu nói của mẹ chồng đã khiến chồng cô bảo cô ở lại. Nếu cô còn găng đòi về ngoại bằng được, không khí trong nhà lập tức sẽ căng thẳng.
Hạnh như lâm vào ngõ cụt. Ban ngày bị mẹ chồng nạt nộ, buổi tối hưởng thụ những lời tốt đẹp dối trá của bà, chồng thì nghe mẹ răm rắp mỗi khi cô có ý muốn trái ngược với bà. Hạnh nghĩ mình tâm lí vẫn vững chán, nếu không cộng với mang bầu mệt mỏi, không stress mới là lạ! Mẹ chồng chỉ có chồng Hạnh là con trai, việc ra ở riêng là không thể nào. Chả lẽ cô cứ phải chịu cảnh này trọn đời? Không, cô cần nghĩ ra cách để lật ngược tình thế…
Bẵng đi một thời gian sau, mẹ chồng Hạnh đột nhiên nhận ra, con trai dạo này không còn nghe lời mình như trước nữa. Vợ nó muốn đi dạo phố, mình uyển chuyển ngăn cản nhưng nó vẫn chở vợ đi. Nó về nhà thấy nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp quá, nó trước mặt bà lại bảo vợ "giờ bụng to rồi việc nhà làm được gì thì làm, bẩn một tí chả chết được, còn hơn là ảnh hưởng tới con hoặc ngã một cái thì hối không kịp". Bữa cơm bà nhăn mặt chê thịt kho mặn, nó lại cười cười "con thấy vừa mà". Bênh vợ thế có tức không cơ chứ!
Ghét nhất là, nó đồng ý cho vợ về nhà ngoại ở cữ hẳn mấy tháng ròng. Nó nói sợ bà mệt, nhưng bà thừa biết nó nghe lời vợ nó. Thời gian ấy ai dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho bà! Nhà có 2 mẹ con, con trai đi làm rồi người xắn tay lên làm chả bà thì ai! Bà càng nghĩ càng thấy ức không ngủ nổi. Mọi việc không theo ý mình là 1, con trai cũng như có gì đó không hài lòng với bà, song nó không nói thẳng ra mà thôi.
Có lẽ mẹ chồng Hạnh sẽ chẳng bao giờ biết được, con dâu mình đã nghĩ ra cách lén ghi âm lại tất cả lời lẽ khó nghe bà dành cho cô vào ban ngày, đợi tối chồng về vừa khóc vừa mở cho anh nghe. Từ ấy, anh đã biết mẹ mình thật ra không hề ưa Hạnh, dùng cách "hai mặt" để chèn ép cô. Còn Hạnh bấy lâu nay luôn chịu tủi thân, có khổ mà không sao nói được. Là mẹ mình, anh không tiện trách móc bà nhiều. Chỉ là, sau đó anh lập tức thay đổi lập trường, vẫn chăm sóc và báo hiếu mẹ, nhưng vợ cũng phải được yêu thương và chiều chuộng.