Nếu chỉ có hai vợ chồng, cử chỉ thân mật của chồng mang lại cho Yến sự quan tâm. Nhưng khi các con ở nhà hay có người thân bạn bè tới chơi, anh vẫn “kè kè” khiến cho cô “muối mặt”. Dù sao, đó cũng là chuyện tế nhị, yêu thương cần gì phải thể hiện mọi lúc, mọi nơi.
|
Được chồng yêu quá cũng khổ. Ảnh minh họa |
Bạn bè vẫn thường khen vợ chồng Yến U50 mà hơn cả vợ chồng son. Tình yêu của họ đã đi một quãng đường dài hơn hai mươi năm. Đi đâu anh chị cũng có nhau, tay trong tay và ánh mắt của chồng thì nhìn chị không rời. Anh vẫn thường gọi chị bằng tên như thể họ còn trẻ lắm.
Được yêu thương, được che chở là vậy, nhưng lắm lúc chị thấy mình như là thú cưng, búp bê trong tủ kính hơn là một bà vợ được sống với trọn các cung bậc hỉ nộ. Trời nắng, anh sợ chị cảm nắng, trời mưa, anh sợ chị cảm lạnh, vì thế, hễ chị ra khỏi nhà là đã có anh tháp tùng. Chăm chút quá, lại đâm ra phiền. Bạn chị toàn nữ, lâu lâu bù khú để nói chuyện chồng con, muốn được thoải mái chút lại có anh ngồi cách đó mấy dãy bàn. Vì thế, chị dần ít bạn, nhác đi chơi, ngoài giờ đi làm về, chị - anh và hai thằng con trai lại chạm mặt vào ra. “Nhà là nơi để về” có lẽ không đúng lắm với hoàn cảnh của chị.
Chị ngại những lúc các con vắng nhà. Đọc sách, viết lách với chị là đam mê nhưng có anh ở nhà thì dự định ấy bị phá sản. Anh cứ đứng cạnh một bên hít hà, vuốt những thớ da thịt trên tay và sống lưng khiến chị vừa nhột nhạt vừa bực mình. Khéo léo nhắc nhở chồng “lát nữa” thì anh lại sấn vào như thể “không muốn trì hoãn sự sung sướng” bản năng. Chị bước tới mở toang cửa phòng để chút nắng chút gió ùa vô thì cánh tay anh đã ghì lại chúng. Thăng hoa là gì, chị cũng không biết nữa, chỉ biết rằng “nhắm mắt cho qua”.
Chưa dừng lại ở đó, vợ vào bếp nấu ăn, chồng chị đã lấp ló sau lưng, lúc thì thù lù trước mặt. Khi thì béo vào mông chị một cái, lúc thì sờ nhanh vào ngực, chị không thích nhưng chẳng biết “đỡ đạn” thế nào. Chị nổi cáu thì anh chống chế “anh thương em, anh thích thế”. Ngẫm thấy thiên hạ đánh chưởi nhau, chồng bê tha nhậu nhẹt, chồng chị thì không thế, hàng tháng đưa lương đều rí cho vợ. Anh chỉ có mỗi tật duy nhất: mê vợ đến phát cuồng.
Nhưng con cái ngày một lớn, chị không muốn anh biểu hiện tình cảm quá lỗ liễu đến thái quá. Nói ra, anh chỉ cười, ậm ừ rồi vẫn chứng nào tật nấy. Có lần, thằng cu út thấy ba ôm mẹ vội chạy lại giành. Nó cũng hít hà, sờ soạng và nói trong ngọng nghịu “em cũng làm như ba”. Chị ôm lấy con, nhìn anh vừa giận vừa trách.
Đáng xấu hổ nhất là lần bà nội lên chơi.Trong lúc mẹ con mải mê đọc sách, chị không biết rằng, có một bàn tay đã lần vào trong chiếc váy ngủ của mình. Đúng lúc đó, mẹ anh bước vào, ánh mắt bà chăm chăm nhìn vào tay anh rồi quay mặt đi. Chị hất mạnh những ngón tay xấu xí ấy ra thì thằng con quay lại và reo lên “ba xấu, lêu lêu”. Chị muốn độn thổ thật nhanh để khói bắt gặp sự ngại ngùng của mẹ chồng, sự hồn nhiên của con và bộ mặt như thộn ra của anh.
Điều băn khoăn của mẹ chồng cũng chính là tâm tư của chị. Chị không chê trách anh bất cứ điều gì, chỉ mong chồng đừng quá lố. Vì yêu thương chân thành đâu cần phải cứ bao bọc hay hôn hít thật nhiều. Chị cần sự tự do để có nhiều năng lượng tích cực hơn chăm lo cho gia đình. Chị trân trọng tình cảm của anh giành cho chị bao năm qua vẫn không thay đổi nhưng sẽ quý hơn nếu được thể hiện một cách tinh tế. Chị sẽ hạnh phúc hơn khi tự nguyện gần gũi chồng hơn cứ phải đối phó cho qua. Chị sẽ bình tâm hơn khi không phải giật mình đọc tin nhắn “em ở nhà không, lát nữa anh về”. Chị muốn được thoải mái chơi đùa cùng con mà không phải nơm nớp “né đòn”, chống chế.
Mấy ngày ấy trôi qua trong sự “muối mặt” của chị. Bữa ăn nào chị cũng “rút” thật nhanh và tránh đứng lâu trong bếp để anh khỏi lại gần. Chở mẹ chồng ra bến xe, chị nhận được lời nhắn nhủ từ mẹ anh: “Con ạ, mẹ là đàn bà nên mẹ hiểu suy nghĩ của con. Mẹ cũng đã nói với thằng Phong tối qua, các con sắp trở thành ông nội bà nội tương lai. Cái gì cũng nên có giới hạn của nó. Mẹ vui vì thấy tụi bay thương nhau, nhưng nó kỳ kỳ thế nào ấy con ạ. Liệu có nên không".
Vẫn biết rằng, tình yêu luôn song hành cùng dục vọng, nhưng càng tế nhị thì phải càng văn minh. Chị đã từng mê đắm cách hành xử ga lăng của chồng ngày anh còn là du học sinh bên trời tây. Nhưng ngày ấy đã xa và môi trường họ đang sống là quê nhà chứ không còn ở xứ sở phù tang. Phạm vi tiếp xúc, quan hệ không chỉ bó buộc hai cá thể chồng và vợ. Điều chỉ mong muốn ở anh một sự tiết chế, vì tình yêu chị luôn cần, nhưng yêu thôi đừng nói lời yêu quá.