ThS.BS Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Chi hội Nam y Da liễu Việt Nam, Giám đốc Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Đông y Nguyễn Phượng cho biết, thời gian gần đây có nhiều bệnh nhân đến thăm khám với tình trạng ngứa, phồng rộp da, rát đỏ, có mụn nhỏ li ti.
Những dấu hiệu này thường trùng hợp với bệnh zona, giời leo nên rất nhiều người chủ quan, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, khiến vết thương loét rộng hơn, sâu hơn và để lại vết thâm, rất khó điều trị.
Đặc biệt, trong đó có 1 bệnh nhân bị tổn thương nặng ở vùng mắt, vì tay vừa giết kiến rồi cho lên gãi vùng mí mắt, khiến mí mắt sưng, rát đỏ và ngứa ngáy.
|
Mắt bệnh nhân sưng đỏ, ngứa rát vì dính dịch của kiến ba khoang |
Tình trạng sẽ lan sang các vùng da khác nếu người bị dính dịch kiến ba khoang gãi và quệt ra các vùng da khác. Một số trường hợp còn bị sốt nhẹ và nổi hạch.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, số ca nhập viện do kiến ba khoang đốt cũng tăng mạnh khiến nhiều người lo lắng.
Kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm và độc tố trong kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ, khi bị kiến ba khoang đốt nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng.
Vị trí kiến ba khoang đốt thường ở vùng hở như: cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân vùng kín do kiến bám vào quần áo, khi mặc chúng tiếp xúc trực tiếp vào da.
Tùy vào vị trí tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, bị đối xứng, bị nhiều nơi khác nhau trên cơ thể.
|
Dịch của kiến ba khoang có thể gây ra những tổn thương nặng, bội nhiễm và nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa |
Nguy hiểm hơn là đa phần các trường hợp bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt chỉ đến viện khi có tổn thương nặng, bội nhiễm và nhiều biến chứng.
Đã có không ít trường hợp bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt ở mặt tự đắp thuốc tại nhà điều trị, sau đó, bệnh nhân bị tổn thương loét thành sẹo thâm và xấu trên mặt.
Để tránh những biến chứng nguy hiểm do kiến ba khoang gây ra, bác sĩ Phượng khuyến cáo, mọi người tuyệt đối không được tự dùng tay trực tiếp giết kiến bởi trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Nên sử dụng đồ bảo hộ và bắt kiến vất đi, nơi kiến chết có dịch tiết cần lau sạch. Vì kiến ba khoang được thu hút bởi ánh sáng nên mọi người hạn chế mở cửa, kéo rèm cửa khi thắp đèn. Giũ quần áo và khăn mặt trước khi sử dụng.
Khi bị dính dịch kiến ba khoang, rửa sạch bằng nước sạch rồi đến các phòng khám da liễu, tránh biến chứng.