Ngày 10/6/2019, Cục Quản lý Dược đã ra công văn số 8877/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành trên toàn quốc lô sản phẩm Mặt nạ Collagen Anna Beauty; ngày sản xuất: 010319; hạn dùng: 010322; số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 001883/15/CBMP-HCM; do Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phong Lê (Địa chỉ: số 167A Lê Văn Lương, Ấp 5, xã Phước Kiến, huyện Nhà Bè, TP HCM) sản xuất.
Quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi lô sản phẩm Mặt nạ Collagen Anna Beauty này căn cứ công văn số 83/TTKN-TCHC của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Vĩnh Phúc gửi kèm Phiếu Kiểm nghiệm số 31 ngày 22/5/2019 về kết quả kiểm nghiệm mẫu lô sản phẩm Mặt nạ Collagen Anna Beauty.
|
Lô sản phẩm Mặt nạ Collagen Anna Beauty bị thu hồi vì kém chất lượng |
Mẫu sản phẩm Mặt nạ Collagen Anna Beauty bị thu hồi nêu trên do Trung tâm Kiếm nghiệm tỉnh Vĩnh Phúc lấy tại Công ty TNHH MTV Coopmart Vĩnh Phúc (Địa chỉ: Trung tâm thương mại Soiva Plaza, đường Mê Linh, p. Khai Quang, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) để kiểm tra chất lượng.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu thử không đạt yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phong Lê phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm nêu trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; gửi báo cáo thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định về Cục Quản lý Dược trước ngày 10/7/2019.
Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế TP HCM kiểm tra Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phong Lê trong việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định; Giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 31/7/2019.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi lô sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện; và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Lý giải về việc có sự xuất hiện vi sinh vật ở hàm lượng vượt ngưỡng qui định trong sản phẩm mỹ phẩm, bà Đỗ Anh Thư, Giám đốc Đào tạo, Trung tâm Nghiên cứu mỹ phẩm Grandpa’s Garden, cho biết lỗi không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm có thể do bất cứ khâu nào trong quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm.
Ngay từ nguyên liệu đầu vào cho đến quá trình sản xuất, phối trộn nguyên liệu, chiết rót, đóng gói,... sản phẩm đều có thể bị nhiễm vi sinh vật nếu nhà sản xuất không kiểm soát tốt. Ngoài ra, nhà sản xuất cần lường trước và có biện pháp kiểm soát tạp chất, vi khuẩn, vi sinh vật từ quá trình sinh sôi nảy nở của vi sinh vật từ môi trường sản xuất, mức độ tiệt trùng của vật chứa, điều kiện bảo quản,...