Suýt chết vì huyết khối
Chị Cao Thị Th. Hoàn Kiếm, Hà Nội đến bệnh viện Việt Đức khám vì hay bị đau chân, cảm giác tức từ gối xuống mắt cá chân. Chị Th. đã đi khám ở một bệnh viện khác nhưng bác sĩ cho biết không sao có thể do va đập vào đâu gây đau. Chị Th. sống chung với chứng bệnh này gần 1 năm nay.
Khi vào khám, bác sĩ cho biết chị Th. bị suy tĩnh mạch chi dưới độ C3. Với trường hợp của chị Th. bác sĩ cho sử dụng thuốc kèm theo đi tất y khoa để cải thiện theo dõi nếu tình trạng không đỡ có thể tính đến các bước can thiệp khác.
Trường hợp của chị Nguyễn Lan A. 24 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội bị suy giãn tĩnh mạch nặng. Chị Lan A. đã giãn tĩnh mạch mạng nhện sau khi sinh xong bé đầu với biểu hiện các tĩnh mạch như giun ở dưới da. Khi sinh nở lần thứ 2, tình trạng suy giãn nặng hơn. Chỉ sau khi sinh xong em bé một tháng, chị Lan A. bị huyết khối tĩnh mạch.
|
Hình ảnh suy tĩnh mạch chi dưới. |
Thạc sĩ Bình cho biết với trường hợp của chị Lan A. bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây là hiện tượng hình thành cục máu đông bên trong lòng tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là huyết khối tĩnh mạch chi dưới.
Trường hợp này nếu không được can thiệp thì huyết khối có thể gây tắc động mạch phổi gây tử vong nhanh chóng hoặc gây hoại tử chi. Thạc sĩ Bình cho biết có trường hợp phải cắt cụt chi vì tắc huyết khối gây hoại tử chi dưới.
Theo thạc sĩ Bình ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, trung bình một ngày có 20 bệnh nhân đến khám vì bệnh lý tĩnh mạch, tăng dần theo các năm và trẻ hoá dần.
Tỷ lệ bệnh nhân đến khám ở các chuyên khoa nội thần kinh hay thần kinh cột sống vì tê chân hoặc khám chuyên khoa da liễu xong mới chuyển sang khám tĩnh mạch khá cao, khoảng 20-30%.
Thói quen ăn mặc, làm việc
Thạc sĩ Bình cho biết suy tĩnh mạch là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân. Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm nhưng trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc hằng ngày.
Bệnh gây ra hiện tượng suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới (chân), dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại, gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng khó chữa như: chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...
|
Bác sĩ Bình khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Linh |
Trên thế giới, suy tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên tổng số dân, trong đó có 70% là nữ. Nữ giới thường có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên..., do khối lượng cơ thấp so với nam giới hoặc dùng giày không thích hợp. Đặc biệt phụ nữ có thói quen đi giày cao gót, mặc quần quá bó sát nhất là vùng chậu càng làm cho bệnh suy tĩnh mạch chi dưới phát triển hơn.
Bệnh chia thành 6 cấp độ:
C0: Không thấy hoặc sờ thấy tĩnh mạch giãn.
C1: Có mao mạch giãn hoặc lưới tĩnh mạch giãn, kích thước <3mm.
C2: Giãn tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé, có kích thước >3mm.
C3: Phù nhưng chưa biến đổi trên da.
C4: Loạn dưỡng da gây rối loạn sắc tố da, chàm tĩnh mạch, xơ mỡ da,...
C5: Loạn dưỡng da và có sẹo loét đã lành.
C6: Loạn dưỡng da và loét tiến triển
Để phòng bệnh, Thạc sĩ Bình khuyến cáo chị em nên thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt: tránh đứng lâu hoặc ngồi bất động kéo dài. Khi đi ô tô, máy bay đường dài cần phải gấp duỗi chân thường xuyên cho máu lưu thông.
Uống nhiều nước, mang tất dài hỗ trợ, giảm cân khi dư thừa, ăn nhiều rau xanh để chống táo bón. Những phụ nữ bị táo bón có nguy cơ suy tĩnh mạch nhiều hơn. Hạn chế đi giày cao gót, mặc quần áo quá chật nhất là vùng hông chậu. Khi có dấu hiệu chân xuất hiện các mạch máu dạng màng nhện, tĩnh mạch gân xanh, cảm giác tức ở chân, tê chân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tĩnh mạch khám và điều trị.