Lời thú nhận dũng cảm của người đàn ông bị ung thư vú

Google News

Phóng viên tự do Noguchi ở Nhật Bản đã bị sốc khi nghe tin mình bị ung thư vú, thậm chí anh không hề biết đàn ông có thể bị ung thư vú. 

Cách đây 4 năm, phóng viên tự do Koichiro Noguchi phát hiện núm vú của anh bị lõm xuống và trông giống như một ốc vít. Vợ của Noguchi khi đó nói đùa rằng vùng ngực của anh sẽ trở lại bình thường nếu anh chịu giảm cân. Tới mùa hè năm 2016, Noguchi bắt đầu cảm thấy đau phía dưới vùng núm vú trái. Anh cũng cảm nhận một khối u bắt đầu hình thành.
Từng phỏng vấn nhiều bác sĩ và viết các bài báo trong nhiều năm để nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại bệnh khác nhau, bao gồm cả ung thư, Noguchi đã tới phỏng vấn một bác sĩ chuyên ung thư vú tại Bệnh viện Đại học Gifu ở Nhật Bản.
Loi thu nhan dung cam cua nguoi dan ong bi ung thu vu
 
Sau cuộc phỏng vấn, Noguchi có nói với bác sĩ về các triệu chứng đau nhói ở núm vú và một khối u bên dưới núm vú trái. Bác sĩ khi ấy đã trấn an anh rằng triệu chứng đó có thể là do ma sát với áo sơ mi và Noguchi không nên lo lắng quá nhiều vì ung thư vú ở nam rất hiếm gặp, nhất là ở những người trẻ tuổi.
Mùa đông năm đó, Noguchi trở lại thăm vị bác sĩ để cảm ơn về bài báo thì nhận được cái nhíu mày từ người đối diện. Bác sĩ sau đó đã kiểm tra lại cho Noguchi và cho anh biết, anh đang mắc ung thư vú giai đoạn 1.
Trong lần khám đầu tiên, Noguchi đã chụp quang tuyến vú, siêu âm và sinh thiết, kết quả của các bác sĩ cho biết anh đang có một khối u ác tính. Hình ảnh phần vú của Noguchi có một đốm trắng to bằng một quả trứng cá. Bác sĩ Futamura tại Bệnh viện Đại học Gifu giải thích rằng phẫu thuật cắt bỏ vú thường là lựa chọn đầu tiên ở nam giới vì điều này không ảnh hưởng tới thẩm mỹ của nam giới so với phụ nữ.
Vào đầu năm 2017, sau một thời gian nghỉ ngơi, Noguchi nhập viện để xét nghiệm PET-CT và tiến hành phẫu thuật ngay lập tức mà không cần chờ kết quả sinh thiết. Kết quả PET-CT của Noguchi đã trở lại âm tính. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ vú và bóc tách hạch nách cho anh.
Mọi thứ diễn ra rất nhanh đối với Noguchi sau cuộc thăm khám đầu tiên với bác sĩ Futamura. Cùng với mô vú, núm vú và hai hạch bạch huyết của anh cũng bị cắt bỏ. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã căn cứ vào kết quả xét nghiệm và loại bỏ tất cả các hạch bạch huyết dưới nách của Noguchi. Vì điều này, căn bệnh ung thư của Noguchi được xếp vào giai đoạn 2a.
Xuất viện sau 11 ngày, Noguchi vẫn không tin được là mình vừa mắc căn bệnh ung thư phổ biến thứ hai tại Nhật Bản. Người vợ Miho của anh đã rất sốc nhưng sau đó chị bình tĩnh đồng hành cùng chồng mình.
“Cô ấy kể lại cuộc phẫu thuật của tôi bị kéo dài thêm 1 giờ đồng hồ. Tôi nhớ đôi mắt đẫm lệ của cô ấy khi tôi trở lại phòng bệnh. Tôi hiểu cảm giác của cô ấy, bố Miho trước kia đã cũng qua đời vì bệnh ung thư” - Noguchi nhớ lại.
Thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ, sau ung thư phổi, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở cả phụ nữ và nam giới. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã có hơn 2 triệu trường hợp được chuẩn đoán mắc ung thư vú (chiếm 12,3% các loại ung thư), theo số liệu của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới.
Hiệp hội Ung thư Mỹ cho rằng đàn ông có 96% cơ hội sống sót sau 5 năm hoặc nhiều hơn nếu được chẩn đoán sớm. Cơ hội sống sót sẽ giảm xuống còn 83% khi nó ảnh hưởng đến các khu vực lân cận và 23% khi mầm bệnh di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thừa nhận không ít trường hợp các ca ung thư vú ở nam giới đã bị phớt lờ. Chỉ tính riêng tại nước Mỹ trong năm 2019, hiện đã có tới 2.670 bệnh nhân nam được chuẩn đoán mắc bệnh và khoảng 500 người đã qua đời.
Trước vấn đề này, FDA đã đưa ra một dự thảo hướng dẫn mới kiến nghị các công ty dược phẩm và bệnh viện nên tập trung thử nghiệm các loại thuốc điều trị ung thư vú cho cả nam giới.
Loi thu nhan dung cam cua nguoi dan ong bi ung thu vu-Hinh-2
 
“Nếu được thông qua, các khuyến nghị trong dự thảo hướng dẫn sẽ làm rõ về cách bổ sung dữ liệu để hỗ trợ hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân nam bị ung thư vú” -Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về ung thư của FDA - ông Richard Pazdur nói.
Ông Pazdur hy vọng các khuyến nghị mới này sẽ khuyến khích việc phát triển thuốc trong điều trị ung thư vú nam và cung cấp thêm các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị được FDA phê chuẩn cho bệnh ung thư vú đều được áp dụng trên cả nam và nữ bệnh nhân. Nhưng nhiều liệu pháp hiện nay lại chỉ dành cho phụ nữ. Hầu hết các bệnh nhân nam khi nhận được chẩn đoán ung thư vú, họ thường được cho dùng các loại thuốc ban đầu được thử nghiệm ở phụ nữ.
Hiếm nhưng hết sức nguy hiểm
Không phủ nhận rằng, bệnh ung thư vú ở nam là rất hiếm, chưa tới 1% số ca được chuẩn đoán mắc bệnh là nam giới. Bệnh thường xuất hiện ở những người đàn ông trung tuổi và thường đang ở giai đoạn phát triển khi được chẩn đoán. Do đó, dữ liệu về ung thư vú nam rất thấp. Đàn ông cũng gần như bị loại trừ hoàn toàn khỏi các thử nghiệm lâm sàng về thuốc trị ung thư vú và điều này đã dẫn đến các lựa chọn điều trị hạn chế cho nam giới bị ung thư vú.
Hiệp hội Ung thư Mỹ cho rằng tỷ lệ đàn ông có nguy cơ mắc ung thư vú là 1/833 người. Tuy nhiên, nếu được chuẩn đoán sớm thì cơ hội sống sót của bệnh nhân khá cao. Nhưng thật không may, do thiếu nhận thức, ung thư vú ở nam thường được phát hiện muộn. Tổng cộng 40% số ca nam giới được chuẩn đoán mắc bệnh khi tế bào ung thư đang ở giai đoạn 3 hoặc 4, việc chữa trị hầu như là không thể và do đó tỷ lệ sống sót của nam giới mắc bệnh thường thấp hơn nữ giới.
Có ba loại ung thư vú mà đàn ông có thể mắc phải, đó là ung thư biểu mô ống (loại ung thư bắt nguồn từ ống dẫn sữa), ung thư biểu mô tiểu thùy, ung thư bắt nguồn từ các tuyến sản xuất sữa. Hầu hết ung thư vú nam là ung thư biểu mô ống. Ung thư biểu mô tiểu thùy rất hiếm gặp ở nam giới vì họ có ít tiểu thùy trong mô vú. Ngoài ra còn có những trường hợp hiếm gặp hơn khi được chuẩn đoán mắc bệnh Paget vú và ung thư vú viêm.
Các đồng nghiệp của Noguchi đã bị sốc khi nghe tin, thậm chí họ không biết đàn ông có thể bị ung thư vú.
“Tôi vẫn nhớ cảm giác xấu hổ khi là người đàn ông duy nhất trong phòng chờ tại bệnh viện, tôi không muốn nói cho ai biết bệnh tình của mình, nhưng một trong những người bạn của tôi đã đăng trên Facebook vào ngày trước khi tôi phẫu thuật rằng anh ấy đang chiến đấu với bệnh ung thư lưỡi. Tôi đã được truyền cảm hứng từ lời thú nhận dũng cảm của anh ấy và quyết định công bố tình trạng để khuyến cáo tới mọi người. Sau đó tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi thăm và động viên”, Noguchi kể lại.
Triệu chứng của ung thư vú nam
Những người bệnh thường có các biểu hiện như có khối u không đau ở một bên vú, co rút núm vú, loét và tiết dịch, móp hoặc lõm da trên vú và cũng có thể đỏ hoặc đóng vảy da trên vú hoặc núm vú. Nếu tế bào ung thư lan rộng, người bệnh có biểu hiện sưng ở các tuyến bạch huyết trong hoặc gần vùng dưới cánh tay. Ngoài ra còn có thể cảm thấy đau ở ngực và xương.
Bởi vì đàn ông có ít mô vú hơn phụ nữ, nên thường dễ phát hiện các khối u nhỏ. điều này có thể dẫn đến phát hiện sớm. Nhưng ít mô vú cũng có nghĩa là ung thư có thể lan nhanh hơn đến các mô lân cận. Hơn nữa, vì hầu hết đàn ông không có ý niệm rằng họ có thể mắc bệnh ung thư vú, nên không để tâm vào các triệu chứng như phụ nữ.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể chụp quang tuyến vú, siêu âm, xét nghiệm dịch tiết núm vú hoặc sinh thiết để xác nhận bệnh.
Do thiếu dữ liệu và nghiên cứu, hầu hết nam bệnh nhân đều được điều trị giống hoặc tương tự pháp đồ của nữ giới. Nếu bác sĩ xác nhận sự hiện diện của tế bào ung thư, bệnh nhân thường được thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ vú và một số mô xung quanh. Hoặc có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật bảo tồn vú, khi chỉ cần cắt bỏ một phần của vú. Một lựa chọn khác có thể là cắt bỏ bạch huyết bằng cách loại bỏ những phần bị ảnh hưởng.
Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, xạ trị và hóa trị có thể được áp dụng. Một số bệnh nhân cũng có thể cần một trong hai liệu pháp này sau phẫu thuật để loại bỏ bất kỳ dấu hiệu tái phát bệnh. Sử dụng hai phương pháp này khiến bệnh nhân rụng tóc, lở mồm, buồn nôn, thay đổi khẩu vị, tăng nguy cơ nhiễm trùng và mệt mỏi.
Trong giai đoạn đầu, liệu pháp hormone có thể ngăn chặn tác dụng của estrogen. Điều này sẽ làm chậm sự phát triển của ung thư. Nhưng liệu pháp này có thể có tác dụng phụ như bốc hỏa (nóng và đổ mồ hôi đột ngột), ảnh hưởng tới đời sống tình dục, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng và tăng nguy cơ đông máu. Nó cũng có thể làm cho xương mỏng hơn và gây đau ở cơ và khớp.
Cách phòng ngừa ung thư vú ở nam giới
Phát hiện ung thư vú sớm là điều hết sức cần thiết. Nó có thể làm tăng cơ hội sống sót cho các bệnh nhân. Cả nam giới và nữ giới đều phải cảnh giác với bất kỳ thay đổi đối với cơ thể của mình. Các nguyên nhân khác gây ung thư vú có thể là yếu tố di truyền, chứng xơ gan tiếp xúc với bức xạ, thừa estrogen và chấn thương tinh hoàn.
Ngoài ra, một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng và tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú ở nam giới. Tránh xa rượu và các chất gây nghiện và duy trì cân nặng sẽ giúp cơ thể bám trụ trước các mầm bệnh.
“Đó thực sự là một trải nghiệm thực sự biến đổi cuộc sống của tôi, khi cho tôi cảm giác cận kề cái chết tới mức nào”, Noguchi cho biết. “Cuộc sống của chúng ta có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Và bây giờ khi trở lại cuộc sống bình thường, cách tôi nhìn nhận mọi thứ đã khác và khởi đầu cuộc sống ở một góc nhìn hoàn toàn mới. Tôi nghĩ rằng tôi từ bi và kiên nhẫn hơn trước”.
“Tôi muốn mọi người biết rằng đàn ông cũng có thể bị ung thư vú. Tại Nhật Bản, có 600 bệnh nhân nam mới mỗi năm. Tôi khuyên những người đàn ông khác có mẹ được chẩn đoán mắc ung thư vú nên đi kiểm tra. Bất cứ ai cảm thấy đau ngực, chảy dịch núm vú hoặc có khối u hãy đến bác sĩ. Sự ủng hộ từ mọi người xung quanh đã cho tôi can đảm để vượt qua nỗi sợ hãi và chiến đấu với căn bệnh này. Khi tôi tỉnh dậy sau khi gây mê và ông ấy nói với tôi là: ‘Ca phẫu thuật đã thành công’, tôi đã không thể tin rằng tôi vẫn còn sống sau tất cả mọi chuyện!”, Noguchi kể lại.
Theo Huy Vũ/Ngaynay

>> xem thêm

Bình luận(0)