Đó là trường hợp của ông Đ.V.R. (63 tuổi, ngụ tỉnh Long An), nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch.
Theo lời kể của gia đình, trước khi nhập viện hai ngày, ông R. có lội bùn. Sau đó, vùng cẳng chân phải bệnh nhân đau nhức, sưng đỏ, hoại tử. Nghiêm trọng hơn, khu vực da tổn thương của ông nhanh chóng lan rộng lên tới đùi và vùng bụng dưới chỉ trong một ngày.
|
Chân người đàn ông bị hoại tử nặng, một ngày sau khi lội bùn (Ảnh: BV). |
Nhận thấy tình trạng nhiễm trùng quá nhanh, người nhà đã khẩn trương đưa ông đi cấp cứu.
Khi đến bệnh viện, qua thăm khám và tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Tuấn Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình nhận định, bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, nghi ngờ viêm cân mạc hoại tử đang diễn tiến nhanh, do một loại vi khuẩn lạ gây ra.
Nếu chậm trễ xử lý, người đàn ông có thể tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết. Do đó, bệnh nhân lập tức chuyển đến khoa Hồi sức tích cực để theo dõi và chăm sóc liên tục.
Sau hai ngày điều trị tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, huyết động ổn định. Lúc này, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình tiến hành phẫu thuật cắt lọc, rửa dẫn lưu và tháo mủ cho ông.
"Khả năng ông R. bị vi khuẩn hiếm gặp tấn công là do đã lội nước bẩn. Môi trường nước bẩn có nhiều vi khuẩn cư ngụ, chỉ một vết thương nhỏ là điều kiện để vi khuẩn tấn công, gây ra viêm cân mạc hoại tử", bác sĩ Khanh nói.
Sau khoảng thời gian điều trị, dưới sự chăm sóc tích cực của bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, tình trạng bệnh được cải thiện, tốt lên về sức khỏe lẫn tinh thần. Hiện tại, ông đã được xuất viện về với gia đình.
|
Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy hiểm (Ảnh: BV). |
Bác sĩ cho biết, viêm cân cơ hoại tử là tình trạng nhiễm trùng ở các lớp sâu của da, tổ chức dưới da và lan tỏa xuống lớp cân cơ. Bệnh tiến triển rất nhanh, có nguy cơ gây biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong, nhất là ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc ung thư.
Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn từ các vết thương, mọi người nên đến cơ sở y tế để được đánh giá và xử lý vết thương đúng cách, đặc biệt đối với những bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền. Kế đến, hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi ô nhiễm nặng.
Người dân cần trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay khi thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn. Nếu xuất hiện tình trạng nhiễm trùng (thông qua dấu hiệu như vết thương không lành, sưng đỏ và viêm), cần đến ngay cơ sở y tế để tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời.