“Các biến chứng nguy hiểm nhất của lóc động mạch chủ là vỡ vào khoang màng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, suy đa tạng. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, hoàn toàn có thể phòng và điều trị tốt loại bệnh đặc biệt phức tạp này.” – PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Việt Đức nói.
Dễ gây đột tử
Bệnh nhân nam 22 tuổi (Hà Nội) đang khỏe mạnh bỗng xuất hiện các cơn đau đột ngột vùng ngực, vã mồ hôi và choáng ngất nên gia đình vội đưa tới Bệnh viện E. Tại bệnh viện, bệnh nhân phải mổ cấp cứu khẩn cấp vì lóc tách động mạch chủ type A từ trên xuống dưới, hẹp tắc 3 động mạch vành rất nhỏ kèm viêm phổi, suy gan thận...
Bệnh viện phải huy động tối đa các nguồn lực, tổng hợp các phương pháp từ cổ truyền tới hiện đại (tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ thân nhiệt, tưới máu não chọn lọc, ngừng tuần hoàn tạm thời, FET-Hybrid - phẫu thuật đồng thời với can thiệp nội mạch...) sau hơn 13 giờ mới xử lý xong các thương tổn của bệnh nhân.
|
Hình ảnh lóc tách động mạch chủ sau can thiệp. |
TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, lóc động mạch chủ cấp tính là bệnh lý ngoại khoa nguy hiểm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra đột tử ở người khoẻ mạnh nhưng ít người biết. Mỗi tháng bệnh viện phải mổ cấp cứu cho hơn 10 ca với độ tuổi trung bình chưa đến 50.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội), có tuần các bác sĩ tiếp nhận và điều trị 10 ca động mạch chủ, trong đó có 3 ca lóc động mạch chủ type A cấp tính, 2 ca chấn thương eo động mạch chủ, 2 ca vỡ phình động chủ bụng dưới thận, 3 ca lóc động mạch chủ type B cấp tính.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chỉ tính riêng bệnh nhân lóc tách động mạch type A, trong năm 2022, Trung tâm đã phẫu thuật cho 101 bệnh nhân.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam phân tích, động mạch chủ là động mạch lớn nhất của cơ thể, đưa máu từ tim tới các cơ quan trong toàn cơ thể. Bình thường, động mạch chủ có 3 lớp: Nội mạc, xơ chun (lớp áo giữa) và áo ngoài. Phình lóc tách xảy ra khi có tình trạng tách xé rách lớp áo trong và áo giữa tại một vị trí yếu nhất. Giữa lớp áo giữa và lớp áo ngoài sẽ có một dòng máu dưới áp lực gây lóc tách lan rộng trên toàn bộ động mạch chủ. Phần máu lưu thông giữa lớp áo giữa và áo ngoài bị lóc tách gọi là lòng giả, phần này rất mỏng và dễ vỡ gây chảy máu ồ ạt.
Lóc tách động mạch chủ còn gây nguy cơ thiếu máu các tạng do lóc tách lan vào gốc các động mạch nuôi các tạng (ruột, gan, thận). Bệnh xuất phát từ động mạch chủ lên (là phần đầu động mạch chủ đi từ tim cho tới các động mạch đi lên não và 2 tay), được gọi là lóc tách động mạch chủ type A. Lóc tách động mạch chủ xuất phát từ động mạch chủ xuống được gọi là lóc tách type B.
Bệnh nhân lóc tách động mạch chủ type A gần như chắc chắn sẽ tử vong nếu như không được phẫu thuật kịp thời. Nguyên nhân tử vong chính là vỡ động mạch chủ vào màng tim gây ép làm ngừng tim, lóc tách vào lỗ các động mạch vành làm tắc động mạch vành, hở van động mạch chủ gây suy tim cấp hoặc tắc các mạch máu não gây đột quỵ.
|
Phẫu thuật cho bệnh nhân lóc tách động mạch chủ tại Bệnh viện E. |
Lóc tách động mạch chủ type A cấp tính cần phải được phẫu thuật cấp cứu, nếu tăng thêm 1 giờ chờ đợi, bệnh nhân sẽ tăng thêm 1% nguy cơ tử vong. Khoảng 50% bệnh nhân tử vong trong 48 giờ đầu, 75% trong tuần đầu và tới 90% trong tháng đầu. Lóc tách động mạch chủ Type A vỡ vào màng tim gây ép tim cấp tử vong gần như 100%. Với type B tỷ lệ tử vong ít hơn nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong từ 80- 90% do vỡ khối động mạch bị tắc.
Phẫu thuật điều trị lóc tách động mạch chủ type A có liên quan đến quai động mạch chủ là phẫu thuật nặng, dù ở các trung tâm phẫu thuật tim có trình độ cao trên thế giới, tỷ lệ tử vong vẫn rất cao, từ 10-20%.
Phát hiện sớm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể phòng và điều trị tốt
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nhấn mạnh, lóc tách động mạch chủ hết sức nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng do vỡ vào khoang màng tim hay suy tim cấp. Bệnh khi phát hiện thường phải phẫu thuật hoặc can thiệp. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, hoàn toàn có thể phòng và điều trị tốt loại bệnh đặc biệt phức tạp này.
Bệnh liên quan chủ yếu tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, hút thuốc lá, thuốc lào, rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol máu, hội chứng Marfan (rối loạn cấu tạo thành động mạch chủ), do gen di truyền, nhiễm trùng (thường là giang mai) và chấn thương.
Khi đường kính động mạch chủ lớn hơn 150% đường kính bình thường thì được gọi là phình động mạch chủ. Nếu không chú ý và điều trị, bệnh có thể tiến triển thành phình bóc tách động mạch chủ. Triệu chứng khởi phát thường là đau ngực dữ dội, lan ra sau lưng hoặc lên cổ. Một số ít biểu hiện đau bụng. Có những bệnh nhân biểu hiện như bị đột quỵ do tai biến mạch não hoặc nhồi máu cơ tim.
Các biến chứng nguy hiểm nhất của lóc tách động mạch chủ là vỡ vào khoang màng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, suy đa tạng. Biểu hiện của các bệnh nhân khi có các biến chứng này là khó thở dữ dội, lơ mơ, mất ý thức, nhịp tim và huyết áp không đo được và cuối cùng là tử vong nhanh chóng.
Tại Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Viện Tim mạch Việt Nam... triển khai mổ cấp cứu cho các bệnh nhân lóc động mạch chủ type A cấp tính được thực hiện thường quy 24/24h ngay khi bệnh nhân được nhập viện, không cần phải chờ đợi.
"Không chỉ điều trị bệnh nhân ở giai đoạn cấp mà chúng tôi đã tổ chức theo dõi bệnh nhân sát sao sau phẫu thuật nhằm giải quyết kịp thời các tiến triển của phần động mạch chủ ngực và bụng chưa được can thiệp. Việc tiếp cận giải quyết các phần động mạch chủ còn lại bằng can thiệp nội mạch, phẫu thuật, hybrid tùy thuộc theo thương tổn, cá thể hóa từng bệnh nhân đã mang lại lợi ích tối đa cho người bệnh và tránh được những biến chứng không mong muốn.", PGS Ước cho biết thêm.
Cách phòng bệnh:
– Loại bỏ các thói quen sinh hoạt có hại: Hút thuốc lá, thuốc lào.
– Kiểm soát tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao.
– Hạn chế bia, rượu.
– Tất cả các bệnh nhân lóc động mạch chủ, dù chưa được can thiệp, phẫu thuật hoặc đã can thiệp, phẫu thuật đều phải đi khám kiểm tra định kỳ theo hẹn.
– Khám sàng lọc cho người thân của những người bệnh đã được bác sĩ kết luận là bệnh động mạch chủ di truyền.
- Khi được cơ sở tuyến dưới chẩn đoán lóc tách động mạch chủ cần được chuyển đến bệnh viện có khả năng điều trị thực sự, tránh chuyển qua nhiều tuyến sẽ mất cơ hội của bệnh nhân.
BOX: Để tránh tình trạng lóc tách động mạch chủ, những người có yếu tố nguy cơ cao như: Tuổi trên 60, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người phình động mạch chủ, cảm giác mạch đập gần rốn, đau ở vùng bụng hoặc ngực, đau lưng… thì nên thường xuyên thăm khám để phát hiện bệnh kịp thời tránh để động mạch chủ phình bị lóc tách hoặc vỡ gây nguy hiểm.