Bệnh lóc tách động mạch chủ hay còn gọi là vỡ động mạch chủ không hoàn toàn, được coi là một thảm cảnh trong cấp cứu tim mạch, với 40 – 60% bệnh nhân qua đời trước khi đến kịp bệnh viện. Trong số 100.000 bệnh nhân tim mạch, trung bình có khoảng 4 – 5 người mắc bệnh này.
Vừa qua, một bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh lóc tách động mạch chủ bán cấp tính đã được phẫu thuật thành công bằng kỹ thuật Hybrid – phẫu thuật phối hợp với can thiệp mạch máu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Theo chia sẻ của bệnh nhân: “Tôi đã phải trải qua những cơn đau dữ dội, tưởng chừng như xé toang lồng ngực. Lúc đó tôi và gia đình nghĩ mình bị nhồi máu cơ tim, hay bị sốc. Thế rồi tôi đi khám, sau 10 ngày, kết quả nhận được là căn bệnh lóc tách động mạch chủ type B. Qua các bác sỹ tại bệnh viện cơ sở, tôi được giới thiệu tới Bệnh viện Vinmec”.
|
Phẫu thuật lóc tách động mạch. |
Được biết, khi nhập viện, bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp tính nên tình trạng toàn thân đã tạm thời ổn định, và chỉ còn hiện tượng đau nhẹ.
Bác sỹ Nguyễn Hoàng Hà – Chủ nhiệm khoa phẫu thuật tim mạch lồng ngực Bệnh viện Vinmec cho biết: “Lóc tách động mạch chủ có hai thể: type A (động mạch chủ lên) và type B (động mạch chủ xuống). Lóc tách động mạch chủ thường gặp ở những bệnh nhân nam lớn tuổi, có các tiền sử bệnh lý về mạch máu và cao huyết áp. Bệnh nguy hiểm do khó chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Tuy chưa nguy kịch như type A, với tỷ lệ sống sót là gần như không có, nhưng những bệnh nhân type B (như bệnh nhân của Vinmec), nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng rất dễ xuất hiện nhiều biến chứng như vỡ động mạch chủ, tắc mạch máu hay tạo nên các túi phình ở động mạch chủ… rất nguy hiểm đến tính mạng”.
Sau chẩn đoán và nghiên cứu pháp đồ điều trị, do vị trí rách động mạch chủ quá gần động mạch dưới đòn nên các bác sỹ Vinmec đã phải làm phẫu thuật bắc cầu động mạch cảnh sang động mạch dưới đòn trước, sau đó mới tiến hành đặt đoạn mạch máu nhân tạo (stentgraft – kỹ thuật đòi hỏi phương tiện cực kỳ hiện đại cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sỹ trong kíp mổ) bằng kỹ thuật can thiệp qua đường mạch máu vào động mạch chủ.
Nếu như ở các bệnh viện khác, 2 bước trên được thực hiện bởi 2 kíp bác sỹ ở 2 khoa khác nhau, thì tại Vinmec, chỉ cần 1 kíp phẫu thuật viên tim mạch vừa phẫu thuật vừa can thiệp đồng thời, kỹ thuật này gọi là phẫu thuật Hybrid. Đồng thời, phòng phẫu thuật Cathlab với các trang thiết bị tiên tiến, được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép tiến hành các ca mổ nhi cần thiết cũng là yếu tố trọng yếu góp phần vào sự thành công của trường hợp này.
Nhờ ca phẫu thuật nội mạch (endovascular repair) loại bỏ chỗ rách lớp trên thành động mạch chủ, tạo điều kiện hình thành huyết khối trong phần “lòng giả” của động mạch chủ, thành mạch máu của bệnh nhân đã được làm vững, tạo thuận lợi cho sự tái cấu trúc của động mạch chủ, cũng qua đó hạn chế các biến chứng lâu dài của bệnh. Đến nay, sau 2 tuần sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Sau nhiều ca bệnh đặc biệt, phức tạp, đòi hỏi cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, cùng đội ngũ y bác sỹ tận tâm, chuyên nghiệp, phối hợp nhịp nhàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang nỗ lực hết sức mình trong việc khám và điều trị cho người bệnh, dần trở thành một địa chỉ y tế và chăm sóc sức khỏe quen thuộc, tin cậy về hàng đầu cho người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Kỹ thuật Hybrid - phẫu thuật kết hợp can thiệp tim mạch với ưu điểm vượt trội cả về kết quả điều trị cũng như lợi ích kinh tế cho người bệnh và đã được ứng dụng trong ngành tim mạch trên thế giới từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, kỹ thuật phức tạp này mới thực hiện ở Việt Nam từ năm 2011 và đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở nước ta.
Việc thực hiện kỹ thuật Hybrid trong điều trị điều trị lóc tách động mạch type B, một lần nữa khẳng định trình độ chuyên môn cao cùng trang thiết bị y tế, công nghệ tiên tiến thế giới của Vinmec, mang lại dịch vụ khám, tư vấn, điều trị uy tín, chất lượng cho người bệnh, đặc biệt là bệnh về tim mạch.
|