Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho hay rau dền có tên gọi khác là cây sai, dền đỏ, mạy sản săn (Tày). Tên khoa học của rau dền là Xylopia vielana Pierre, thuộc Họ Na - Annonaceae.
Rau dền canh
Rau dền canh hay còn gọi là rau dền tía, rau dền đỏ. Tên khoa học: Amaranthus tricolor L., thuộc Họ Rau dền - Amaranthaceae.
Nhà khoa học, Lương Y Bùi Đắc Sáng cho biết: "Rau dền canh cây thảo mọc đứng, cao 1m hay hơn, xẻ rãnh. Lá hình thoi hay ngọn giáo, thon hẹp ở gốc, nhọn tù, dài 3,5-12cm, rộng 2,5-10mm.
Hoa thành ngù ở nách lá, hình cầu, các hoa ở phía trên sít nhau hơn và tận cùng thân hay cành bằng một bông gần như liên tục, không có lá mà có những lá bắc và lá dài lởm chởm.
Quả hình tíu, nhẵn, hình trứng nón, dài 2mm, có các vòi nhụy ở phía trên dài 1mm, quả mở bằng một khe ngang, Hạt hình lăng kính 1mm, màu đen.
Rau dền canh có nguồn gốc ở Ấn độ đã được thuần hóa ở nhiều nước. Ở nước ta, rau dền canh cũng được trồng ở nhiều nơi. Do trồng trọt mà tạo ra nhiều loại khác nhau tùy theo dạng cây và màu sắc của lá.
Người ta trồng rau dền canh để luộc, xào, nấu canh ăn, vì thân của chúng lúc non khá mềm và mọng nước. Rau dền canh cũng được sử dụng làm thuốc".
Theo Nhà khoa học, Lương Y Bùi Đắc Sáng, rau dền canh có vị ngọt, tính mát; tác dụng sát trùng, lợi đại tiểu tiện; chủ trị côn trùng đốt, dị ứng mẩn ngứa
Hạt dền có vị ngọt, tính lạnh; tác dụng sát trùng, mát gan, trừ phong nhiệt, thoái uế, sáng mắt, thông đại tiểu tiện; chủ trị các bệnh về gan, mắt.
Hạt rau dền có giá trị dinh dưỡng cao, nó chứa tới 62% tinh bột và 6% chất béo. Ở Cuba có loại rau dền đỏ có hạt mà vị như hạt Hồ đào, dùng để làm bánh.
Lá của rau dền canh chứa nhiều Vitamin A, C, B2. Lá và hạt chứa hàm lượng Protid rất cao, tới 16-8%, trong đó axit amin quan trọng là Lysin.
Lương Bùi Đắc Sáng chia sẻ thêm y học hiện đại đã chứng minh được rau dền có nhiều lợi ích cho sức khoẻ như giảm cholesterol; ngăn ngừa huyết áp cao; ngăn ngừa ung thư; tốt cho bệnh nhân tiểu đường; cải thiện hệ tiêu hóa; tốt cho người thiếu máu.
"Với những giá trị dinh dưỡng, chữa bệnh, bổ dưỡng cho cơ thể, nói rau dền là món ăn để trường thọ cũng không hề quá", Lương Y nói.
Rau dền cơm
Lương Y Bùi Đắc Sáng cho hay, rau dền cơm cũng là loại cây thảo cao 60cm hoặc hơn, phân nhiều nhánh từ gốc, thân có khía màu xanh nhạt. Lá hình thoi hoặc hình trứng có cuống dài bằng phiến. Hoa màu xanh họp thành cụm hoa dạng đầu ở nách lá và dạng bông dài ở đầu cành. Quả nang nhỏ, chứa nhiều hạt đen bóng.
Rau dền cơm gặp phổ biến ở Ấn độ, miền nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia. Ở nước ta, rau dền cơm mọc hoang và được trồng tại vườn nhà ở các gia đình nông thôn, có thể dùng luộc, xào, nấu canh ăn và sử dụng làm thuốc như rau dền canh.
100g Rau dền cơm có nước 84,6g; protein 3,4g; glucid 1,4g; cellulose 1,6g; vitamin C 63mg; caroten 10,6mg; vitamin B1 0,36mg; vitamin PP 1,3mg.
Ngoài ra còn có dền đuôi chồn, dền gai cũng được sử dụng làm thức ăn và thuốc như các loại dền khác.
Lương y Bùi Đắc Sáng lưu ý rau dền chứa nhiều acid oxalic ảnh hưởng tới sự hấp thu canxi và kẽm. Trong rau dền có hàm lượng histamin có thể gây dị ứng nhẹ.
Một số món ngon từ rau dền:
Canh rau dền nấu tôm
Nguyên liệu:
- 200g tôm tươi
- 1 mớ rau dền, bạn có thể chọn dền đỏ, dền trắng hoặc lẫn cả 2 loại tùy thích
- Hành khô, gia vị
Cách làm:
Rau dền nhặt sạch, rửa rồi để ra rổ cho ráo nước.
Tôm bóc vỏ, bỏ đầu, rút chỉ đen, con to thì chẻ làm đôi, con nhỏ để nguyên con, ướp cùng với chút muối.
Rang đầu và vỏ tôm trên chảo cùng chút nước. Cho vỏ tôm ra cối giã nhuyễn.
Thêm vào cối vỏ tôm giã 1 bát tô nước lọc, lọc qua rây lấy nước tôm.
Đun nóng chút dầu ăn, cho hành khô thái mỏng vào phi thơm rồi trút phần thịt tôm vào xào săn.
Phần nước tôm hòa cùng 2 bát tô nước lã, đun sôi. Nước sôi, hớt bọt cho trong, nêm gia vị cho vừa ăn.
Cho rau dền vào, đun cho rau chín tới, bấm ngón tay vào cọng rau thấy mềm thì trút thịt tôm xào vào, đảo đều rồi tắt bếp, múc canh rau dền nấu tôm ra bát, dùng trong bữa cơm cùng với các món ăn mặn khác.
Canh cua rau dền
Nguyên liệu:
- Cua đồng: 200- 250 gr
- Rau dền: 1 bó
- Hành khô, gia vị, hạt nêm
Cách làm:
Bước 1: Cua mua về thả vào chậu nước có pha chút muối ngâm khoảng 10-15 phút. Sau đó cho vào rổ vừa sóc vừa lắc qua lắc lại mạnh rồi sả với nước cho đến khi nước không còn đục nữa.
Bước 2: Rau dền nhặt bỏ rễ và lá úa, rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng khoảng 15-20 phút.
Bước 3: Tách bỏ mai và yếm cua. Khêu lấy phần gạch cua để riêng.
Bước 4: Giã (hoặc xay) nhuyễn cua với 1 thìa nhỏ muối.
Bước 5: Cho lượng nước đủ ăn vào cua đã giã nhuyễn, khoắng đều rồi lọc bỏ bã qua 1 cái rây.
Bước 6: Cho nước lọc cua vào nồi, vừa đun vừa quấy đều để thịt cua không bị lắng xuống đáy nồi. Khi thịt cua nổi lăn tăn kín trên mặt nước thì không cần phải quấy nữa.
Bước 7: Phi thơm chút hành khô băm nhỏ, cho phần gạch cua vào xào qua trong khoảng 1 phút.
Bước 8: Khi thịt cua đóng thành tảng thì hớt phần thịt cua ra 1 chiếc đĩa (hoặc gạt sang 1 bên nồi), rồi thả rau vào. Tiếp đó là cho phần gạch cua đũa xào thơm vào nồi canh, đun đến khi rau chín. Nêm nếm thêm chút gia vị, hạt nêm cho vừa miệng rồi tắt bếp.
Canh rau dền nấu khoai
Nguyên liệu:
200g rau dền, 150g khoai sọ,100g tôm đất
Dầu ăn, nước mắm, muối, đường, hành tím băm, hạt nêm
Cách làm:
- Tôm lột vỏ, đập dập, băm sơ, ướp 1/2m, 1/3m đường, 1m hành băm.
- Rau dền cắt nho. Khoai sọ cắt hạt lựu 1cm.
- Phi thơm hành băm với dầu trong nồi, cho tôm vào xào săn, cho 1L nước vào nấu sôi, cho khoai vào nấu khoảng 10’, nêm 1M và 1/2m đường.
- Phi phần hành băm còn lại, khi khoai chín, cho rau dền vào nồi, nêm thêm 1m nước mắm và hành phi còn lại vào. Ăn nóng với cơm.