Loại cây hoang dại là vị thuốc quý nhưng có độc tố mạnh

Google News

Đây là loại cây mọc phổ biến ở các vùng núi nước ta. Đây cũng là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh nhưng lại có độc tố cực mạnh.

Loại cây khiến nhiều người ngộ độc
Đây là loại cây được xác định gây ngộ độc cho 5 người tại Đắk Lắk vừa qua. Cụ thể, ngày 22/8 vừa qua, theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho 5 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi cà độc dược.
Các bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt nhiều, đau đầu, nôn ói, sốt, co giật. Trước đó, các bệnh nhân đã cùng nhau ăn cơm có món cà độc dược. Rất may các bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời và hồi phục.
Ngộ độc cà độc dược không hiếm gặp ở Việt Nam. Rất nhiều người đã ngộ độc sau khi uống rượu ngâm quả cà độc dược hoặc dùng loại cây này ăn... chữa bệnh...
Trước đó, tháng 11/2022, Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã cấp cứu cho 2 bệnh nhân bị mê sảng, ảo giác, mất ý thức, mất phương hướng. Hai bệnh nhân này đã uống rượu ngâm từ quả một loại cà có gai. Các bác sĩ nghi bệnh nhân ngộ độc cà độc dược.
Loai cay hoang dai la vi thuoc quy nhung co doc to manh
Ngộ độc cà độc dược không hiếm gặp ở Việt Nam. Rất nhiều người đã ngộ độc sau khi uống rượu ngâm quả cà độc dược hoặc dùng loại cây này ăn... chữa bệnh... Ảnh BYT
Tháng 7/2020, trên địa bàn xã Võ Lao, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) xảy ra vụ ngộ độc cà độc dược. Gia đình tổ chức bữa ăn cơm gia đình gồm 11 người. Tuy nhiên, trong bữa ăn chỉ có 3 người ăn món ngọn cà độc dược luộc vì cho rằng đây là loại thuốc có thể chữa được một số bệnh.
Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 3 người này xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tê bì chân tay, tê lưỡi, không làm chủ vận động, nói nhảm và được đưa đi viện điều trị
Tháng 10/2017, tại 1 đám cưới ở Thái Bình, 7 người đã gục ngay tại bàn sau khi uống rượu ngâm cà độc dược. Sau khi uống từ 1-3 chén rượu (khoảng 10-15 phút tính từ lúc bắt đầu bữa ăn) những người uống đều có biểu hiện ngộ độc: Bứt rứt, mặt nóng bừng, lơ mơ, có lúc co giật, ảo giác, vật vã.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xác định, 7 người ở Thái Bình bị ngộ độc sau khi uống rượu trong bữa tiệc tân gia là loại ngộ độc do nhóm Alcaloid gây ra, loại độc tính này có trong quả cà độc dược (dân gian còn gọi là cà gai).
Độc tính này tác động lên hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ. Nếu không được xử trí, điều trị kịp thời thì nguy cơ bị tử vong cao.
Cà độc dược là loại cây gì mà gây ngộ độc?
Cà độc dược còn có tên gọi là mạn đà la (hoa trắng); cà điên, cà lục dược (tiếng Tày); sùa tũa (tiếng Mông); hìa kia piếu (tiếng Dao). Tên khoa học: Datura metel, thuộc họ Cà (Solanaceae).
Là loại cây thân thảo, sống hằng năm với phần gốc của thân cây hóa thân gỗ. Cây cao khoảng 1 – 2 m. Thân và cành non có màu tím hay xanh lục, có sẹo lá và nhiều lông mịn. Lá cây mọc so le với phiến lá nguyên có hình trứng nhọn.
Cả hai mặt lá đều có lông. Hoa có hình giống hoa loa kèn, mọc đứng và mọc đơn ở kẽ lá. Cánh hoa có màu trắng, đài hoa có màu xanh và phía trên có 5 răng. Quả có hình cầu, màu xanh và có gai. Khi chín, quả nở thành 4 mảnh. Hạt có màu nâu vàng và nhăn nheo.
Loai cay hoang dai la vi thuoc quy nhung co doc to manh-Hinh-2
Loại cây này ở nước ta chia thành 3 loại chính (Ảnh BYT)
Loại cây này ở nước ta chia thành 3 loại chính như: Cà độc dược hoa trắng, thân và cành xanh; Cà độc dược hoa đốm tím, thân và cành xanh; Loại thứ ba là lai giữa hai loại trên.
Trong loại cây này (ở lá và hạt có hàm lượng cao nhất) có chứa nhiều alcanoid (hàm lượng toàn phần từ 0,2-0,5%), chủ yếu là scopolamin, còn có hyoscyamin, atropin và các saponin, flavonoit, tanin... với số lượng không đáng kể.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), trong Đông y, cà độc dược có tác dụng giảm ho, ngừa suyễn, chống co giật, chống đau và trị phong thấp đau nhức. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng hỗ trợ điều trị đau bụng, say xe, Parkinson, ho gà, hen phế quản và đổ mồ hôi quá nhiều.
Về mặt lâm sàng, cà độc dược còn dùng như vị thuốc chống trĩ và giúp điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như chữa đau khớp hoặc đau dây thần kinh tọa. Bên cạnh đó, chúng còn được dùng trong thạch cao để điều trị chứng rối loạn hành vị và rối loạn tâm thần.
Trong dân gian, cà độc dược thường được dùng để điều trị đau nhức xương khớp; Trị đau thần kinh tọa; Chữa hen suyễn và ho; Trị mụn nhọt gây sưng đau; Điều trị nôn mửa; Chữa viêm xoang.
Hình thức sử dụng có thể là ngâm rượu để xoa bóp hoặc đắp lên vùng bị thương, đun nước xông hơi..., phơi khô quấn lá rồi hút...
Chính vì hiểu lầm cà độc dược là thuốc chữa bệnh nên nhiều người đã ngâm quả cà độc dược làm rượu uống và bị ngộ độc.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cà độc dược có chất độc mạnh. Các triệu chứng ngộ độc bao gồm: Khô miệng; Sốt; Bí tiểu; Đổ mồ hôi; Co thắt; Da khô đỏ; Nhịp tim nhanh; Ảo giác; Co giật; Hôn mê; Đổ mồ hôi; Thị lực mờ...
Các bác sĩ khuyến cáo, cà độc dược có tác dụng chữa bệnh nhưng vị thuốc này cũng chứa chất độc nên rất nguy hiểm nếu người bệnh không biết cách sử dụng. Do đó, trước khi sử dụng thuốc điều trị, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc.
Theo Hải Yến / Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)