Nhiều người nhập viện sau khi ăn cá chình
Mới đây, 8 người có biểu hiện ngộ độc như tê lưỡi, cứng hàm, yếu cơ, phải nhập viện cấp cứu sau bữa ăn với nhiều món được chế biến từ cá chình.
Báo Người Lao Động đưa tin, vào trưa 14/7, gia đình bà Đ.T.L. (49 tuổi) ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội, tiếp khách đến chơi. Gia đình có đặt cỗ ở nhà hàng. Mâm cỗ có duy nhất là cá chình làm nhiều món như nướng, om chuối đậu. Đến chiều, bà nhận được điện thoại thông báo khách về nhà ở tỉnh Phú Thọ thì có biểu hiện ngộ độc.
Tối cùng ngày, 8 người tham gia bữa tiệc phải nhập viện, trường hợp còn lại chỉ có dấu hiệu tê bì thoáng qua nên ở nhà theo dõi.
|
Bệnh nhân ngộ độc cá chình được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Báo Người Lao Động. |
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh viện đã tiếp nhận 3 bệnh nhân ngộ độc cá chình biển vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác như lúc nóng, lúc lạnh, đau mỏi, tê bì, yếu cơ hoặc liệt cơ...
Trước đó, nhiều trường hợp ngộ độc, phải nhập viện sau khi ăn cá chình cũng đã được ghi nhận.
Vào tháng 3/2023, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp nhận và điều trị 5 ca ngộ độc thực phẩm nghi do ăn cá chình biển.
Báo Bình Thuận đưa tin, 4 người quê ở huyện đảo Phú Quý được tặng cá chình biển, mang vào Phan Thiết, làm món um sả ớt để ăn cơm trưa vào ngày 7/3. Trong bữa cơm trưa, có thêm 1 người ở phường Đức Thắng (Phan Thiết) ăn cơm cùng 4 người này. Sau khi ăn khoảng 2 - 3 tiếng, những người này đều có dấu hiệu buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chi lạnh, mệt… được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh lúc 15h30 chiều cùng ngày.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, nghi ngộ độc cá chình. Đến sáng 9/3, tình trạng sức khỏe của 5 người đều có chuyển biến tích cực.
Tháng 11/2022, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, điều trị thành công cho nam bệnh nhân 65 tuổi bị ngộ độc do ăn cá chình.
Theo thông tin trên Báo Tin Tức, khi đang đi du lịch tại Côn Đảo, ông T.T.Y (65 tuổi, Bắc Ninh) bị đau bụng, tiêu chảy, mất nước nặng, chân tay run sau 3 giờ ăn món cá chình.
Sau khi được kê đơn thuốc và Ozesol, ông Y. cùng người thân cấp tốc từ Côn Đảo về nhà. Những ngày sau đó, tình trạng tiêu chảy có giảm, song chân tay ông vẫn bủn rủn, xuất hiện đau khớp, cơ, mẩn ngứa, bí tiểu, tê bì. Sau một tuần điều trị ở Bắc Ninh không hết triệu chứng, ngày 24/11, ông Y vào nhập viện tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Sau nhiều ngày điều trị, sức khoẻ của ông Y. cơ bản ổn định, các triệu chứng ngộ độc giảm dần.
Vì sao ăn cá chình bị ngộ độc?
Theo bác sĩ, cá chình biển thường ăn tảo đỏ benthic dinoflagelltes hoặc rong biển ở tầng đáy và các rạn san hô. Giống tảo này có chứa chất ciguatera - một độc tố không mùi, không vị, không bị phá hủy khi đun nấu, bền vững trong môi trường a xít, muối.
Thông thường, các loài cá biển đều an toàn khi ăn nhưng tùy điều kiện môi trường sống, một số loài cá có thể sẽ tích lũy độc tố ngẫu nhiên từ nguồn thức ăn, ăn vào có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, triệu chứng ngộ độc ciguatera thường là tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng, phần lớn từ 2-6 giò sau ăn, hầu như tất cả trong 24 giờ, thường tự khỏi sau 1-4 ngày.
Tuy nhiên, nhiều người có triệu chứng loạn nhịp tim, yếu, mệt, tụt huyết áp; sau vài ngày triệu chứng đường tiêu hóa là tê, ngứa ran ở tứ chi và vùng miệng, viêm ngứa toàn thân, đau cơ, đau khớp, có thể bị liệt. Nặng hơn có người còn lo lắng, trầm cảm, mất trí nhớ.
Tử vong do ngộ độc ciguatera ít gặp, song có thể xảy ra do suy hô hấp, liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.
Cách phòng bệnh là không nên ăn quá nhiều cá chình và các loại cá sống ở rặng san hô, đặc biệt tránh ăn nội tạng cá.
Ngoài ra, sau khi bị ngộ độc nên tránh uống rượu và ăn cá vì có thể làm tăng hoặc tái phát các triệu chứng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm