Thời gian gần đây, các vụ ngộ độc tập thể liên tiếp được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các vụ ngộ độc tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực phía Nam như Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM với số lượng lên tới hàng trăm người.
Điều này khiến nhiều người không khỏi hoang mang trước nguy cơ về những món ăn đường phố, vốn là nét đặc trưng và cũng là thói quen ăn uống phổ biến của đa số trẻ nhỏ, người lao động và giới trẻ.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và thực phẩm đưa ra một số nguyên nhân ban đầu có thể là yếu tố gây ra liên tiếp vụ ngộ độc tập thể trong thời gian qua.
Nguyên nhân gây ngộ độc số một
Đa số trong các vụ ngộ độc, món ăn có liên quan thường được bày bán tại các hàng rong trước cổng trường hoặc quán ăn bình dân, vốn khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong các vụ học sinh ngộ độc tại Nha Trang (Khánh Hòa) và TP.HCM, món ăn nghi ngờ gây ngộ độc là sushi, cơm gà... được bán trước cổng trường.
Còn trong vụ ngộ độc khiến gần 500 người phải nhập viện tại Đồng Nai, món ăn gây bệnh là bánh mì được bán tại cửa hàng không có giấy phép kinh doanh và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
|
Các vụ ngộ độc thời gian gần đây đều xuất phát từ các xe bán hàng rong. Ảnh: Unsplash.
|
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận định rằng tần suất xảy ra vụ ngộ độc tập thể nhiều như vừa qua là tình trạng đáng báo động.
Theo ông, mùa hè là thời điểm hay xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhiều hơn dịp cuối năm, do thời tiết nắng nóng, thực phẩm nhanh bị ôi thiu làm vi sinh vật gây ngộ độc phát triển mạnh.
"Những nơi ăn uống đông người thường dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, do số lượng thực phẩm chuẩn bị lớn, thời gian lưu trữ dài hơn để chuẩn bị bữa ăn, số người tham gia chế biến đông, bát đũa, nồi niêu xoong chảo cũng nhiều hơn. Tất cả điều đó có nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây ra ngộ độc", PGS Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, trẻ em rất nhạy cảm với thực phẩm nhiễm khuẩn. Trong khi các quán hàng rong bán bên ngoài trường còn nhiều, họ không bị kiểm soát bởi tổ chức an toàn thực phẩm địa phương. Các điểm buôn bán tự phát, lúc bán lúc nghỉ, rất khó kiểm soát cũng là nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm ở học sinh ngày càng nhiều.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, ngộ độc thực phẩm là vấn đề kinh điển, thường xuyên xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc tập thể xảy ra nhiều trong thời gian gần đây một phần do nắng nóng khiến vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, lý do gây ngộ độc có thể nằm ở việc các hàng rong bán đồ ăn chưa đảm bảo vệ sinh trong việc chế biến, không tách biệt dụng cụ bảo quản thịt sống - thịt chín, từ đó khiến vi khuẩn lây lan.
Người bán cũng cần cẩn trọng
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn trong bếp ăn tập thể ở trong và ngoài trường học vẫn còn, dù thời gian qua cơ quan chức năng có nhiều hoạt động đi giám sát, kiểm tra. Nếu chúng ta lơ là cảnh giác, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ở những hàng quán bán rong, phương tiện bảo quản không nhiều, chén bát rửa cũng khó, đi lại nhiều, nguy cơ bụi bặm, côn trùng xâm nhập cũng rất nhiều, gây ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Học sinh thuộc nhóm nguy cơ cao, các em rất mong manh, nhạy cảm nhưng thường xuyên sử dụng thực phẩm ở quán hàng rong. Do đó, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ sử dụng đồ ăn trước cổng trường.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, để hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tương tự, trẻ em cần được gia đình giáo dục về an toàn thực phẩm, hạn chế ăn uống tại các hàng rong, hàng quán không đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, chính người bán cũng cần có ý thức bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như thương hiệu của mình. Người bán cần ý thức được rằng chỉ cần xảy ra sai sót, họ có thể mất cả thương hiệu, phải đền bù, thậm chí đi chịu trách nhiệm trước pháp luật.
|
Chính chủ các xe hàng rong, xe bán hàng dạo cũng cần có ý thức tốt bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Liêu Lãm. |
"Chỉ cần có suy nghĩ vậy, họ ắt sẽ có ý thức trong việc nhập nguyên liệu chế biến có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh trong công tác chế biến để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng", bác sĩ Khanh phân tích.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương từ lớn đến nhỏ cần tăng cường kiểm soát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm để phát hiện và xử lý sớm các hàng quán không đảm bảo, tránh các sự việc tương tự xảy ra.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để hạn chế xảy ra ngộ độc tập thể, cơ quan chức năng nên đưa tài liệu về an toàn thực phẩm đến các chủ cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm và hướng dẫn họ làm theo, đồng thời có quy định xử phạt nghiêm với cơ sở không đảm bảo đúng quy định.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh cơ quan chức năng nên có biện pháp kiểm soát, xử phạt nặng tay nếu phát hiện vi phạm đối với hàng quán rong trên vỉa hè, đặc biệt gần trường học.
Bên cạnh đó, trường học cần giáo dục học sinh cần thận trọng khi chọn ăn tại những gánh hàng rong ven trường. Nhà trường có trách nhiệm đề xuất với chính quyền địa phương không cho tồn tại những hàng quán bán gần trường không đảm bảo, cùng giám sát và báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện những hàng quán rong có dấu hiệu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong những ngày nắng nóng, vi khuẩn sẽ phát triển rất nhanh, người dân không nên chủ quan. Đôi khi người có sức khoẻ tốt cũng bị ngộ độc và tử vong. Vì vậy, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm ở những cơ sở có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng.
Khi bảo quản, người dân phải tách biệt bảo quản đồ sống và đồ chín, không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, không bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh; mua thực phẩm ở những cơ sở hợp pháp, không mua hàng trôi nổi trên thị trường.