Ngày đưa Quân về giới thiệu, gia đình Trâm không ai đồng ý, bởi người yêu cô nhìn quá trẻ, kém cô 3 tuổi. Trâm lại có chỗ đứng nhất định trong nghề nghiệp, còn Quân chỉ là một chàng sinh viên mới ra trường, đi làm được vài tháng. Bố mẹ Trâm sợ rằng, con gái mình sau khi sinh con đẻ cái sẽ già đi nhanh chóng, còn cậu con trai ít tuổi hơn vợ thì vẫn phơi phới thanh xuân. Cha mẹ cô còn lo rằng, lấy một người ít tuổi lại kinh tế không vững vàng thì gánh nặng gia đình sẽ đặt lên vai người phụ nữ. Tuy vậy, đôi trẻ vẫn bất chấp yêu và cuối cùng một đám cưới được tổ chức.
|
Trâm căng thẳng khi việc gì cũng dồn lên đôi vai mình. |
Vì tuổi Trâm không còn trẻ nên hai vợ chồng quyết định có con ngay. Chưa có thời gian riêng tư thì đôi trẻ đã chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, chính vì thế mà cuộc sống ban đầu có chút khó khăn. Thời điểm này, Trâm mới thấm thía câu nói và những lời khuyên của mọi người rằng nên lấy chồng hơn tuổi mình. Quân rất yêu Trâm, nhưng lấy nhau về yêu thôi vẫn chưa đủ, Trâm cần một người đàn ông thực sự của gia đình. Nhưng Quân thì không vậy, anh vẫn giữ lối sống của một thanh niên chưa vợ. Cứ về đến nhà là lại ôm cái điện thoại, lên facebook và tám chuyện với bạn bè, rồi những lần đi nhậu bù khú với bạn bè quên vợ ở nhà chờ cơm.
Lúc mang bầu đã vậy, sinh con ra còn cực nhọc hơn. Quân không hề có ý thức chăm sóc gia đình, nhờ anh nấu nồi cháo cho con thì anh vẫn dán mắt vào điện thoại chơi game, chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Chồng Trâm còn một nhược điểm khác là không có chí tiến thủ, anh bằng lòng với thực tại và công việc lương ba cọc ba đồng của mình, không chịu chuyển việc, vợ có giục thì anh lại kêu ca thời buổi khó khăn. Không đủ kinh tế gia đình, Trâm không đành lòng để gia đình thiếu thốn, cô lại tăng ca, làm đêm. Ấy thế mà Quân không bao giờ chịu hiểu, cô nói chuyện thẳng thắn với chồng bữa một bữa hai, anh thề thốt rồi lại quên béng ngay sau đó. Cả ngày đi làm mệt mỏi, nhưng việc gì cũng đến tay Trâm.
Cả nhà sống nhờ vào đồng lương của vợ, vì thế các khoản chi tiêu cô phải căn ke đong đếm từng li từng tí. Quân không hề biết đến điều đó, hình như trong đầu anh bao giờ cũng hiện hữu ý nghĩ vợ anh làm được rất nhiều tiền mình không phải lo lắng. Mỗi dịp cần chi tiền, Trâm đắn đo suy nghĩ thì anh lại tỏ ra không vui vẻ và nhìn cô với ánh mắt như Trâm là người ki bo kẹt xỉ. Anh cũng không hề biết rằng cô phải chắt bóp thế nào mỗi lần anh đưa bạn bè về nhà không thèm hỏi ý kiến vợ, bữa cơm gia đình không được tươm tất thì Quân lại thể hiện ra mặt không vui vẻ. Quân chưa bao giờ thử gánh gánh nặng kinh tế cả gia đình trên vai mà đồng lương làm ra thì có hạn, vì thế anh cứ vô tư vui cười. Còn vợ anh lại phải gò lưng ra gánh trọng trách của một người chồng.
Đỉnh điểm của sự chịu đựng lên cao khi một lần con ốm. Trong nhà không còn tiền để đưa bé Dâu đi khám. Trâm quay sang chồng hỏi anh có thể xoay tiền ở đâu nhưng anh cũng không lo lắng được. Cô lại tất tả cầu khấn tất cả bạn bè. Một tay lo chạy tiền, rồi lại đưa con đến bệnh viện, thức đêm chăm con. Sau đợt ấy, Trâm không còn sức lực để làm gì nữa.
Thân phụ nữ phải gánh vác gia đình Trâm cảm thấy rất căng thẳng với những nỗi lo kinh tế bao quanh cuộc sống gia đình khi mà chồng cứ vô tư lự không biết đến lo toan của vợ. Là phụ nữ ai cũng mong muốn mình được chia sẻ công việc gia đình. Trâm tự hỏi mình sống có ý nghĩa gì nếu cứ phải bươn chải như thế nữa, cô luôn trong tình trạng chán nản, bế tắc trong cuộc hôn nhân này nhưng không muốn con cái phải xa bố hoặc mẹ. Cô không biết phải làm sao? có nên tiếp tục hay dừng lại?