Để "vỏ bọc thêm hoàn hảo", cô gái 24 tuổi quyết định chỉ theo dõi các tài khoản có liên quan đến bóng đá.
"Bất cứ khi nào tôi truy cập tài khoản giả, tất cả đều là hình ảnh của các cầu thủ. Đó hoàn toàn không phải là tôi", Alice vui vẻ kể.
Cô cảm thấy thoải mái vì hầu hết bạn bè cũng làm những điều như vậy. "Cả hai người bạn cùng phòng của tôi đều có tài khoản giả để theo dõi người yêu cũ".
Việc lập thêm tài khoản giả không gây khó khăn với người dùng trong thời đại công nghệ. Instagram không công bố số liệu thống kê về số lượng tài khoản tối đa một người được sở hữu. Nhưng hiện những người như Alice có thể lập được 5 tài khoản trên mỗi thiết bị. Twitter, Facebook cũng cho phép người dùng thêm và quản lý tối đa 5 tài khoản.
Nhà trị liệu tâm lý Anna Jackson nói rằng ngày càng nhiều khách hàng 18-30 tuổi thú nhận tự tạo tài khoản giả để theo dõi bạn trai/ bạn gái cũ.
Jackson nói rằng việc kiểm tra người yêu cũ vì tò mò là điều hoàn toàn bình thường. "Hành động này được ví như làm điều gì đó sai trái nhưng không hẳn là phạm tội, chẳng hạn như cố tình đi trên cỏ dù nhìn thấy biển cấm bởi đó là bản chất của con người", nhà tâm lý giải thích.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo việc không ngừng lén lút theo dõi người yêu cũ có thể tạo thói quan không lành mạnh. Dấu hiệu của việc còn vương vấn mối quan hệ cũ và khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều người không thể bắt đầu mối quan hệ mới.
Nhà trị liệu tâm lý Lisa Lawless nói rằng "giám sát trực tuyến" đã trở nên phổ biến trong giới trẻ.
"Việc theo dõi người yêu cũ có thể rất hấp dẫn với nhiều người. Một số người làm điều đó như một cách để khép lại sau khi chia tay, trong khi những người khác nuôi dưỡng mong muốn níu kéo mối quan hệ", nhà trị liệu giải thích.
Bà Lawless cho rằng đôi khi ai đó có thể đang tìm kiếm câu trả lời cho những tiếc nuối hoặc chuyện không ổn trong quá khứ.
Tuy nhiên, giống như nhà trị liệu Jackson, bà không nghĩ rằng hành vi này là cách tốt nhất để kết thúc mối quan hệ. Chuyên gia cảnh báo rằng việc đeo bám người yêu cũ trên mạng xã hội có thể dẫn đến cảm giác "ám ảnh", "ghen tị" hoặc thậm chí là "trầm cảm" kéo dài.
"Tốt hơn hết là mỗi cá nhân cần tập trung vào việc chữa lành và phát triển chính bản thân", bà Lawless đưa ra lời khuyên.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, không theo dõi người yêu cũ trên mạng xã hội sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn sau khi chia tay. Thực tế, việc thấy cuộc sống của người đó hạnh phúc hơn khi không có bạn sẽ làm bạn cảm thấy mặc cảm và tự ti. Ngược lại, nếu người đó có chuyện không vui, bạn cũng sẽ cảm thấy tiêu cực theo. Điều này sẽ gây khó khăn trong công cuộc thoát khỏi ám ảnh của tình cũ và càng khó yêu bản thân mình.
Sau khi chia tay, mọi người đều sẽ phải trải qua khoảng thời gian khó khăn để điều chỉnh lại cuộc sống của mình. Mối quan hệ cũ càng sâu đậm và kéo dài thì sau khi chia tay sẽ càng cần phải cố gắng nhiều hơn để vượt qua ám ảnh. Không gặp, không liên lạc và đặc biệt không theo dõi người yêu cũ trên mạng xã hội sẽ giúp bạn vượt qua thời gian này nhanh hơn.
Alice nhận thức được rằng hành vi của mình có thể bị coi là "độc hại". Cô biết mình nên chấm dứt việc "rình mò" người cũ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cô cũng e ngại về khả năng từ bỏ thói quen.
"Tôi rất đau lòng, khó chịu khi phát hiện người yêu cũ có tình mới. Tôi đã cố xóa tài khoản giả nhiều lần nhưng không thể nhớ nổi mật khẩu để hủy kích hoạt. Vì vậy, thay vào đó, tôi cứ đăng nhập mỗi ngày như một thói quen xấu khó bỏ", Alice chia sẻ.
Quan hệ với người yêu cũ kết thúc vì nhiều lý do khác nhau và bạn không thể làm gì để thay đổi điều đó. Thay vì vướng mắc trong quá khứ, bạn có thể cố gắng tập trung vào mối quan hệ mới và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn.