|
Phim “Sống chung với mẹ chồng” phản ánh các mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu.
|
1. Không độc lập về kinh tế
Thanh trong phim Sống chung với mẹ chồng là một cậu công tử con nhà khá giả và đến tuổi lấy vợ, anh vẫn được mẹ chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ. Vì không độc lập về kinh tế nên Thanh cũng không có tiếng nói trong gia đình. Mỗi khi cần chi tiêu, từ việc chuẩn bị đám cưới hay mua ôtô, Thanh đều phải ngửa tay xin tiền mẹ.
Độc lập tài chính trong đời sống vợ chồng là một điều cần thiết. Cuộc sống vật chất khó khăn, tiền bạc thiếu trước hụt sau... là nguyên nhân tan vỡ của không ít gia đình, có thể khiến cho một tình yêu rất đẹp đẽ, mãnh liệt cũng không chống cự nổi. Những mối lo cơm áo gạo tiền khiến con người ta dễ bực bội, nổi cáu dẫn đến xích mích gây gổ nói chi đến chuyện quan tâm, chăm sóc nhau. Vì tiền hay nói đúng hơn là vì thiếu tiền, hoặc vì chuyện phân phối tiền không công bằng theo quan điểm của vợ hoặc chồng dẫn đến các cặp vợ chồng hay chia tay nhau.
2. Không khéo léo dung hòa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu
Chẳng những không biết dung hòa, Thanh còn nhiều lần vô tình khắc sâu vào nỗi bất hòa giữa bà Phương và Minh Vân. Thanh thường nói thẳng với mẹ về những điều vợ không thích để bà Phương thêm khó chịu với Vân. Mỗi lúc mẹ và vợ có mâu thuẫn, anh chỉ biết khuyên Vân nhẫn nhịn, cam chịu.
Người chồng trong mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu đóng vị trí rất quan trọng. Sự có mặt kịp thời hay cách ứng xử cứng rắn mà tế nhị, không thể hiện mình nghiêng về phía nào sẽ giúp xoa dịu những tình huống đối đầu giữa mẹ chồng nàng dâu.
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để hóa giải những căng thẳng là ngay lúc xảy ra mâu thuẫn hãy hướng cả mẹ chồng và nàng dâu đến một mối quan tâm chung. Ví dụ khi họ đang cãi nhau, hãy nói rằng "để khi khác nói chuyện vì to tiếng với nhau sẽ ảnh hưởng đến con trẻ". Ngay lập tức họ sẽ dừng cuộc cãi vã vì con trẻ chính là mối quan tâm chung của cả mẹ chồng và nàng dâu. Trong trường hợp nhà chưa có trẻ con, bạn có thể hướng mối quan tâm của họ đến chính bản thân mình. Ví như "mẹ và vợ cứ căng thẳng làm cơn đau đầu của con đang lên đây này, con đau đầu quá". Với cách này đảm bảo họ sẽ dừng "mặt trận đấu tranh" tạm thời. Về lâu dài, là người chồng, là người con luôn phải đối xử công bằng và phân minh nhất có thể. Điều này đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người đàn ông trong gia đình.
3. Không ngăn cản sự can thiệp quá đà của mẹ vào cuộc sống riêng
Cuộc sống chung của đôi vợ chồng trẻ Thanh và Vân đã chịu sự can thiệp thô bạo của mẹ chồng ngay từ khi chưa cưới. Từ lúc chuẩn bị đồ cưới cho đến suốt quá trình chung sống, không một chi tiết nào trong cuộc sống riêng của Thanh và Vân không có sự can thiệp của mẹ chồng. Đây chính là mấu chốt khiến cuộc hôn nhân non trẻ vừa mới bắt đầu đã thật nhiều nước mắt.
Trong thực tế, sự can thiệp của bà con, họ hàng, bạn hữu của chồng (hoặc vợ) đôi khi rất tai hại đối với quan hệ vợ chồng. Nếu bản thân cặp vợ chồng đó hoà thuận thì bạn có thể chống lại được ảnh hưởng từ bên ngoài. Chẳng hạn, các bạn bỏ nhau vì mẹ chồng (mẹ vợ), em chồng (em vợ)... can thiệp vào gia đình bạn chứ không phải vì “người thứ ba”, thì phải xem lại quan hệ của chính vợ chồng bạn. Và kết quả là bạn yếu lòng, dao động trước một đối tượng khác, lại là nguyên nhân đưa đẩy bạn tới ngoại tình.
4. Ghen tuông vô cớ
Không chỉ nhu nhược, Thanh còn là một người chồng ghen tuông vô cớ. Mới chỉ nghe lời mẹ nói về việc có số điện thoại lạ gọi cho vợ, vợ đi gặp người yêu cũ hay việc vợ nhận được hoa từ người khác tặng, Thanh đã nổi giận với Vân. Anh lên cơn ghen điên cuồng mặc kệ sự giải thích từ vợ. Ngoài đời không thiếu gì những ông chồng như thế. Ghen tuông vô cớ là một trạng thái tâm lý tiêu cực xảy ra đối với những người đang yêu kể cả đàn ông lẫn phụ nữ… khi mà người đó cảm thấy bất an, lo sợ về mối quan hệ của mình với đối phương. Có nhiều trường hợp người chồng thấy vợ càng ngày càng xinh đẹp, ăn mặc trau chuốt hơn xưa thì nghi ngờ vợ có nhân tình.
Theo chuyên gia tâm lý thì ghen tuông là yêu bản thân mình chứ không phải yêu người khác và tình trạng này cứ kéo dài sẽ dẫn đến những rạn nứt, tan vỡ trong hôn nhân. Vì vậy, mỗi một thành viên trong gia đình phải biết kiểm soát suy nghĩ và hành động của bản thân, sáng suốt phân biệt đúng sai và điều quan trọng là phải biết tin tưởng một cách hợp lý người bạn đời của mình. Bởi mái ấm gia đình là tạo nên từ sự thoải mái, yên ấm từ bên trong tâm lý mỗi thành viên, chứ không phải từ sự mệt mỏi, nặng nề, chán chường mỗi khi bước chân về nhà.
5. Vũ phu
Là một người chồng vũ phu, Thanh đã từng bị chính bố đẻ của mình chỉ trích về chuyện này. Với Thanh, bất kể khi nào không kiểm soát được cảm xúc, Thanh đều dùng đến bạo lực. Đã không ít lần Minh Vân phải chịu cảnh bị chồng đánh: Khi thì ghen vô cớ, khi thì to tiếng với chồng, khi thì cãi nhau với mẹ chồng... Cũng chính vì điểm này mà cuộc hôn nhân của Thanh đang trên bờ vực thẳm.
Ngoài cuộc sống, từ cách xả giận của mỗi người đàn ông mà người ta có thể nhận ra được nguồn gốc và bản chất của anh ta. Nóng tính và vũ phu là hai phạm trù khác hẳn nhau. Tuy nhiên người vũ phu thì thường nóng tính, còn người nóng tính thì chưa chắc đã vũ phu. Người đàn ông khi nóng giận vì vợ quá lời có thể giơ tay tát vợ một cái khác với người đàn ông vừa đánh vừa chửi vợ. Trong thực tế, một cuộc hôn nhân với người chồng vũ phu, luôn dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, thì kết thúc luôn là ly hôn, dù sớm hay muộn.