Ngạt khói nguy hiểm như thế nào?
Ngạt khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ… trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.
Khí CO và CO2 là hai loại khí độc, đều không mùi, không màu, không vị nhưng hấp thu nhanh trong cơ thể. Khí này ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy vào máu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, đặc biệt các tế bào có chế độ chuyển hóa hô hấp mạnh như não, tim…
Kỹ năng phòng tránh ngạt khói khi xảy hỏa hoạn. Ảnh minh họa
CO là kẻ sát nhân thầm lặng, ở mức độ nhẹ, người bệnh bị đau đầu, buồn nôn, nôn ói, hoa mắt, khó thở. Ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người...
Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy, do đó nạn nhân chết trong các vụ cháy phần nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn, làm cho ngộ độc ập đến nhanh chóng.
Khí CO từ các đám cháy không chỉ gây nguy hiểm cho các nạn nhân trực tiếp mà còn phát tán ra không khí, ảnh hưởng người xung quanh. Ngoài ra, một số đám cháy còn sinh ra khí HCN, photgen... rất độc với con người. Nếu không phát hiện, khí CO còn ngấm vào máu, gây tổn thương các cơ quan như hủy cơ, suy thận, suy gan.
Dấu hiệu người bị ngạt khói cần sơ cứu
Ho: Màng nhầy trong đường hô hấp tiết ra nhiều hơn khi bị kích thích hít phải khói. Tăng sản xuất chất nhầy và co thắt phế quản sẽ dẫn đến phản xạ ho. Chất nhầy lúc này có thể trong, xám hoặc đen tùy thuộc vào mức độ các hạt bị đốt cháy đọng lại ở khí quản và phổi.
Hụt hơi, thở gấp: Do tổn thương trực tiếp đến đường hô hấp làm giảm cung cấp oxy cho máu khiến bệnh nhân bị hụt hơi thở gấp. Mặt khác, máu cũng giảm khả năng vận chuyển oxy do hóa chất trong khói hoặc tế bào cơ thể không thể sử dụng oxy làm nạn nhân cố gắng thở nhanh để bù trừ cho tình trạng thiếu oxy.
Khàn tiếng: Tổn thương do nhiệt và các hóa chất có trong khói có thể gây co thắt dây thanh quản, viêm và phù nề đường hô hấp trên dẫn đến nói khàn, nói khó…
Da có thể tái nhợt, hơi xanh hoặc đỏ: do nạn nhân thiếu oxy, ngộ độc CO và bị bỏng khi tiếp xúc với lửa trong đám cháy.
Tổn thương ở mắt: Mắt có thể bị đỏ, khó chịu do khói và nguy cơ bỏng giác mạc. Đau đầu, rối loạn ý thức: Trong tất cả các vụ hỏa hoạn, mọi người đều phơi nhiễm với lượng khí CO, CN khác nhau. Bên cạnh đó, nồng độ oxy thấp và hít khí độc có thể gây các triệu chứng như: tim đập nhanh, thở nhanh, khó thở, buồn ngủ, buồn nôn và đau đầu… thậm chí đến rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật và hôn mê…
Thay đổi màu da: Da có thể tái nhợt, hơi xanh hoặc đỏ do thiếu oxy, ngộ độc CO và bị bỏng khi tiếp xúc với lửa trong đám cháy.
Hướng dẫn sơ cứu người bị ngạt khói
Với người còn tỉnh táo và hô hấp được:
Để họ nằm, ngồi nghỉ ở chỗ râm mát, thoáng khí.
Nên cho họ uống nước để giảm nhiệt độ cơ thể, bù lượng nước đã mất.
Với người bất tỉnh nhưng vẫn hô hấp được:
Cho họ nằm nghiêng để đờm dãi không làm bít đường thở.
Trường hợp có bình oxy nên cho họ thở ngay.
Với người bất tỉnh, ngừng thở, thở bất thường:
Hồi sinh tim phổi (ép tim, hà hơi thổi ngạt) trước.
Trước khi thao tác, cần đặt nạn nhân nằm lên bề mặt cứng.
Người sơ cứu lồng hay bàn tay vào nhau và đặt cườm tay ngay giữa lồng ngực (vị trí giữa hai núm vú), sau đó ép xuống nhanh, mạnh.
Mỗi nhịp lồng ngực lún sâu xuống khoảng 5-6 cm.
Sau mỗi 30 lần ép tim thì thực hiện thổi ngạt hai lần.
Khi thổi ngạt, người sơ cứu dùng miệng thổi hơi thở của mình vào miệng của nạn nhân, đồng thời dùng tay để bịt chặt mũi và ngược lại (tức là thổi vào mũi thì bịt chặt miệng), để hơi thở không bị thoát ra ngoài.
Lặp lại các thao tác liên tục cho đến khi nạn nhân có sự sống hoặc được nhân viên cấp cứu chuyên nghiệp đến hỗ trợ.
Nạn nhân có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng, cần móc ra để làm thông thoáng đường thở của họ.
Lưu ý khi sơ cứu bị ngạt khói
Nếu nạn nhân có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng cần lấy ra để thông thoáng đường thở.
Trường hợp nạn nhân bị bỏng, cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng. Tùy mức độ bỏng, thời gian dội có thể từ 10 – 20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy bớt bỏng rát.
Tuyệt đối không được dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm lên người nạn nhân. Do cơ thể nạn nhân đang bị bỏng nóng, da chưa điều tiết về lại nhiệt độ bình thường mà dội ngay đá lạnh sẽ gây bỏng lần 2 dẫn đến bỏng lạnh.