Sau vụ hơn 500.000 đơn vị thuốc hết hạn sử dụng (HSD) bị tẩy xóa, sửa HSD để bán cho người bệnh được phát hiện ở Hà Nội tuần qua, dư luận hết sức lo lắng về chất lượng tân dược tại các nhà thuốc.
Coi thường tính mạng người bệnh
Trong số hơn 500.000 đơn vị thuốc hết HSD vừa bị phát hiện tại 3 cửa hàng ở Hà Nội, có đủ cả thuốc kháng sinh, thần kinh, cai nghiện...
|
Thuốc là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và những sai phạm trong lĩnh vực này khiến người dân rất lo lắng. (Ảnh minh họa: Ngọc Dung) |
Thủ đoạn “tân trang” các loại thuốc này hết sức đơn giản: Loại đóng trong hộp giấy được tẩy xóa rồi in HSD mới hoặc sửa HSD; dạng viên nén đóng bao phim in HSD bằng dấu chìm được cắt góc vỉ để qua mắt người mua, khiến người dùng không thể biết còn HSD hay không... Khoảng 70 chủng loại tân dược khác nhau - trong đó có cả các thuốc đặc trị như thuốc thần kinh, dạ dày, cai nghiện ma túy, chữa bệnh tiểu đường, hen xuyễn, an thần, hạ sốt trẻ em, bổ sung sắt cho phụ nữ có thai... - cũng được “phù phép” theo cách này.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong thực tế, tình trạng thuốc bị tẩy xóa HSD, thuốc sai về hàm lượng, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc... đã tồn tại từ lâu trên thị trường dược phẩm. Trong vòng 1 năm qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm chức năng quy mô lớn.
Đơn cử, vào tháng 9/2015, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện một nhà thuốc ở TP An Giang kinh doanh 38 kg tân dược hết HSD trà trộn với thuốc còn hạn dùng. Cũng trong năm 2015, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng phát hiện gần 200 kg thuốc hết HSD tại một quầy kinh doanh tân dược ở huyện Như Xuân. Các loại thuốc này đã hết HSD từ các năm 2011, 2012, 2013...
Với người dân, việc mua phải những loại thuốc bị tẩy xóa HSD là khá phổ biến. Cách đây ít ngày, chị Hoàng Thị Hà (ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) tá hỏa khi lỡ uống 2 viên Spasmaverine (giảm đau bụng) rồi mới phát hiện vỉ thuốc chị mua không có ngày tháng sử dụng. “Vỉ thuốc giá chỉ vài ngàn đồng, không hiểu sao nhà thuốc lại có thể coi thường tính mạng người bệnh đến như vậy” - chị Hà bức xúc.
Dễ “đánh lận con đen”
Với kinh nghiệm gần 20 năm kinh doanh tân dược, chị Vũ Thị Thanh (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho rằng chuyện bán thuốc hết HSD không có gì lạ. Việc này diễn ra hằng ngày, thậm chí là “miếng cơm manh áo” của không ít nhà thuốc, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ.
“Nhiều người khi đến nhà thuốc vừa báo bệnh xong, nhân viên lập tức đưa cho những túi thuốc được chia liều theo từng lần uống. Chính việc lập lờ khi xé lẻ và chia liều thuốc có thể khiến người bệnh vô tình mua phải những loại tân dược cận HSD hoặc hết hạn mà không biết” - chị Thanh lo ngại.
Theo chị Thanh, việc xóa bỏ HSD phổ biến và dễ dàng nhất vẫn là cắt đầu vỉ thuốc có in HSD. “Người ta sẽ cố gắng cắt để đường viền mới của vỉ thuốc trông như thật. Nếu tinh ý, người mua có thể dễ dàng nhận ra đường cắt mới sắc và hơi ráp. Với những thuốc chỉ in số, người bán có thể sẽ sửa số cuối như 2006 thành 2008. Tình trạng “phù phép” HSD thuốc ngày càng tinh vi, đôi khi chính các nhà bán lẻ cũng không thể biết được. Nhiều loại thuốc chỉ cần dùng dụng cụ cạo, kéo, bút tẩy, bút bi hoặc lấy cồn lau HSD là xong nhưng cũng có loại phải dùng máy móc. Người ta sẽ lột đi lớp vỉ bên ngoài và đóng lại. Với những loại này, người trong ngành đôi khi cũng không thể biết được mà cần phải qua thiết bị kiểm tra” - chị cho biết.
Để có lợi nhuận cao, những loại tân dược được “thổi” HSD thường là thuốc ngoại, đắt tiền và nhu cầu sử dụng lớn như: kháng sinh, tim mạch, huyết áp, giảm đau... Theo tiết lộ của một nhân viên có thâm niên hàng chục năm kinh doanh tân dược, các thủ đoạn “nâng đời” cho thuốc hết HSD ở phía Nam còn tinh vi hơn phía Bắc.
Lỗ hổng quản lý
Thuốc là mặt hàng vốn được quản lý chặt chẽ, khắt khe bởi tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Riêng với những loại thuốc cận HSD, theo quy định, các công ty sản xuất, phân phối phải thu hồi và tiêu hủy.
Cũng theo quy trình, việc thu hồi thuốc được thực hiện sau khi hệ thống kiểm nghiệm nhà nước lấy mẫu phân tích, xác định chất lượng rồi gửi kết quả về cơ quan quản lý. Trong quy trình này, sở y tế các địa phương có trách nhiệm thông báo để các cơ sở kinh doanh, sử dụng biết; tiến hành thu hồi, hoàn trả thuốc về nhà cung ứng; kiểm tra, giám sát việc thu hồi, lưu hành thuốc bị thu hồi trên địa bàn. Đồng thời, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải ngừng phân phối thuốc đó; trong thời gian không quá 5 ngày phải thông báo thu hồi đến tất cả cơ sở phân phối, đơn vị sử dụng đã mua thuốc và báo cáo về cơ quan quản lý trong vòng 30 ngày.
Tuy nhiên, theo một số nhân viên nhà thuốc, trên thực tế, việc thu hồi tân dược cận HSD, kém chất lượng... chậm trễ hơn nhiều. Thậm chí, kể cả khi đã có quyết định thu hồi thì nhà phân phối cũng mặc kệ, vẫn để các nhà thuốc “tự xử” với mớ hàng hết HSD hoặc vi phạm về chất lượng.
“Phụ trách việc theo dõi thuốc bị thu hồi nên tôi thường phải chủ động tìm kiếm nguồn thông tin qua báo đài hoặc trang web của Cục Quản lý dược và một số Sở Y tế. Nhiều loại thuốc tôi biết mười mươi đã có quyết định thu hồi nhưng khi hỏi thông tin từ nhân viên phân phối thì chỉ nhận được câu trả lời “để xem lại”. Thậm chí, với một số thuốc của hãng dược khá lớn mới bị thu hồi cách đây ít tháng, nhân viên hãng này còn khẳng định “vẫn bán bình thường, bữa sau sẽ có quy định gia hạn”. Đáng ngại hơn là ngay trong bệnh viện, vẫn có những đơn thuốc được bác sĩ kê loại đã bị đình chỉ lưu hành và thu hồi 3-4 tháng trước” - chị Trần Hà Vi, nhân viên một hiệu thuốc ở Hà Nội, tiết lộ.
Theo chị Vi, để “tiêu hủy” số tân dược hết HSD mà nhà phân phối không chịu lấy về, hiệu thuốc của chị chỉ còn cách cho vào túi ni-lông đen rồi ném thẳng vào xe chở rác. “Chúng tôi làm vậy nhằm tránh tình trạng có người nhặt số thuốc hỏng này về bán giá bèo cho các cửa hàng tân dược, rồi chúng bị tẩy xóa HSD để bán cho người bệnh” - chị giải thích.
Phạt tiền thôi, chưa đủ
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết các vụ vi phạm lớn về hành nghề y dược tư nhân bị phát hiện thời gian qua chủ yếu là nhờ các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành y tế và sự hỗ trợ của lực lượng công an, QLTT. “Nếu chỉ phạt tiền cơ sở vi phạm thì chắc chắn không đủ sức răn đe. Ngay đến biện pháp tước giấy phép hành nghề tạm thời cũng chưa đủ mạnh vì chỉ khoảng 5-6 tháng sau là cơ sở được hoạt động trở lại” - ông băn khoăn.
Theo ông Yên, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo phòng y tế các quận - huyện lên kế hoạch rà soát lại toàn bộ các nhà thuốc, cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc, không chỉ phạt tiền mà còn đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hành nghề. Thậm chí, tùy mức độ vi phạm, nếu thấy nghiêm trọng sẽ đề nghị khởi tố hình sự” - ông nhấn mạnh.
Theo quy định, hành vi làm thay đổi HSD tân dược bị xử phạt đến 40 triệu đồng; kèm theo đó là tước giấy chứng nhận đủ điểu kiện kinh doanh không thời hạn đối với cơ sở kinh doanh, hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc không thời hạn; buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc vi phạm. “Cần phải tăng nặng mức chế tài đối với những hành vi này, nếu sự việc có tính chất nghiêm trọng thì còn phải xử lý hình sự và phạt tù để răn đe” - nhiều bác sĩ kiến nghị
Phạt như gãi ngứa
Năm 2015, Cục Quản lý dược không ít lần áp dụng mức xử phạt cao nhất với các công ty dược có sai phạm trong việc sản xuất, kinh doanh thuốc. Đơn cử, Công ty Austin Pharma Specialties Company (Hồng Kông) và Công ty CSPC Innovation Pharmaceutical Company (Trung Quốc) bị xử phạt vi phạm hành chính 160 triệu đồng, buộc nộp lại 30.625 USD có được do kinh doanh nguyên liệu omeprazol, pantoprazol không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cục Quản lý dược còn quyết định rút toàn bộ số thuốc do Công ty Austin Pharma Specialties Company đứng tên đăng ký ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp dược khác cũng bị phạt 50-80 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động do những vi phạm về chất lượng thuốc
Tẩy sửa hạn sử dụng: Sản xuất thuốc giả
PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học của Bộ Y tế, lưu ý rằng HSD của thuốc chính là “ngưỡng thời gian mà trước đó thuốc vẫn bảo đảm chất lượng và hiệu quả điều trị”.
Theo ông Truyền, sử dụng thuốc hết HSD làm cho việc điều trị không đạt được kết quả như mong muốn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh nếu đó là các “thuốc cứu mạng” trong những bệnh hiểm nghèo. Thuốc kháng sinh quá HSD có thể gây hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc (lờn thuốc) do thuốc không còn đủ hiệu lực tiêu diệt vi khuẩn. Trong một số trường hợp khi thuốc quá HSD, các dược chất có thể phân hủy, tạo ra những chất độc cho cơ thể hoặc các chất gây dị ứng, sốc phản vệ (với thuốc tiêm)...
“Luật Dược coi việc thay đổi, sửa chữa thông tin về HSD ghi trên nhãn mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi sản xuất thuốc giả” - PGS Truyền nhấn mạnh.