Bị xương cá đâm thủng ruột non
Theo thông tin trên VTC News, Bác sĩ Nguyễn Văn Long - Khoa Ngoại Tiêu hóa và Tổng hợp Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện mới đây tiếp nhận bệnh nhân N.T.K. (56 tuổi, trú tại Khu Đồng Minh - Phường Phương Đông) bị xương cá đâm thủng ruột non.
Trước khi vào viện khoảng 3 ngày, bà có ăn lẩu cá tại nhà, sau đó bà thấy những đau quanh vùng rốn, rồi đau lan ra khắp bụng kèm theo chướng bụng.
|
Mảnh xương cá được lấy ra khỏi ruột non của bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Phát hiện có dị vật trong ruột non, các bác sĩ đã phẫu thuật, gắp bỏ, rửa sạch ổ bụng và khâu lỗ thủng tại ruột non. Dị vật là chiếc xương cá sắc, nhọn dài 4cm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Long, chiếc xương cá đâm thủng ruột non và chui ra ngoài gây viêm phúc mạc. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, tình trạng viêm phúc mạc có nguy cơ trở nên nghiêm trọng, tính mạng bệnh nhân bị đe dọa.
Bác sĩ Long khuyên, nếu không may bị hóc xương cá, hóc dị vật, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được thăm khám và chữa trị; tuyệt đối không nên đưa tay vào móc ra hoặc chữa mẹo, bởi hành động này dễ khiến dị vật chui sâu hơn, ảnh hưởng tới các cơ quan bên trong.
Trước đây, có không ít trường hợp hóc xương cá nguy hiểm khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu.
Nhập viện cấp cứu vì xương cá đâm thủng hạ họng
Chia sẻ trên Tuổi trẻ Thủ đô hồi cuối tháng 5, ThS.BS Trần Hữu Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, bệnh nhân Nguyễn Văn T (52 tuổi, quê ở Tiền Hải, Thái Bình) trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, nhưng khó quay cổ vì đau.
Bệnh nhân T cho biết, cách vào viện một ngày bệnh nhân có ăn cá, sau đó xuất hiện tình trạng nuốt đau, vướng nhưng không đi khám. Đến 14/5, bệnh nhân thấy xuất hiện khối nhọn vùng cổ trái dưới nghi là xương cá đâm thủng da dưới da nên mới đến BV Tai Mũi Họng Trung ương khám.
|
Xương cá đâm thủng hạ họng bệnh nhân. Ảnh: TTTĐ. |
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dị vật vùng hạ họng, hạ họng có nhiều dịch, cổ dưới bên trái có khối nhọn nghi xương cá đâm xuyên xung quanh khối, không sưng đỏ.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ đường ngoài gắp dị vật là một đoạn xương cá dài 2cm ra khỏi cơ thể người bệnh một cách nhanh chóng.
Theo BS Thắng, do xương cá đâm thủng hạ họng nên gây tràn khí, bệnh nhân phải ăn qua sonde dạ dày. May mắn, nhờ được phát hiện và xử trí kịp thời nên không gây hậu quả nghiêm trọng, trường hợp này nếu để lâu có thể gây tràn khí trung thất, nguy hiểm đến tính mạng.
Nguy kịch vì hóc xương mang cá hình lưỡi câu
Hồi tháng 4, bệnh nhân Vũ Thị Q (SN 1947) ở Mộ Lao, Hà Đông được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông cứu sống khỏi dị vật là chiếc xương cá to bản có hình móc câu đâm vào thực quản.
Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, trưa ngày 21/4, bệnh nhân có ăn cơm với canh cá. Sau khi ăn, bệnh nhân cảm thấy nuốt đau ở vùng cổ. Ngay sau đó, bệnh nhân đã đi khám nội soi tai mũi họng nhưng vẫn không phát hiện hóc xương.
Sau khám, bệnh nhân về nhà và tiếp tục thấy đau vùng cổ và đau xương ức, ăn vào lại nôn ra ngay khiến cho bệnh nhân vô cùng khó chịu.
Ngày 23/4, bệnh nhân đi tới bệnh viện khám và đã được nội soi tại phòng nội soi tiêu hóa can thiệp của đơn nguyên Khám chữa bệnh tự nguyện- Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị hóc xương cá trong thực quản.
|
Hình ảnh xương mang cá được gắp ra từ thực quản của bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Trong trường hợp này, việc gắp dị vật từ thực quản ra ngoài luôn sẽ gây xé rách thực quản, nguy cơ chảy máu nhiều.
Do vậy, kíp kỹ thuật đã chọn giải pháp đưa dị vật xuống dạ dày, sau đó gặp dị vật ở đầu có kích thước to bằng dụng cụ chuyên biệt. Giải pháp này đã tránh được chảy máu thực quản và gặp dị vật thành công mà không gây ra tai biến gì.
Mất nửa lá phổi sau 5 năm hóc xương cá
Tháng 7/2018, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận nam bệnh nhân 41 tuổi vào cấp cứu sau 3 ngày sốt cao liên tục, mệt mỏi, ho khạc đàm vàng. Chụp MSCT phổi phát hiện dị vật nằm trong phế quản của thùy dưới phổi phải, gây ra các biến chứng viêm phổi cho bệnh nhân.
Bác sĩ Cao Minh Thông, Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực cho biết bệnh nhân hóc xương cá thường được nội soi để gắp dị vật ra ngoài. Bệnh nhân này vì hóc suốt 5 năm, chiếc xương cá đã ghim sâu vào trong phế quản khiến phổi bị đông đặc và viêm mủ mãn tính, nội soi thông thường không thể gắp được.
|
Dị vật được lấy ra khỏi phổi bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Các bác sĩ đã hội chẩn chọn phương án mổ hở lấy xương cá ra ngoài và cắt phần phổi bị tổn thương. Sau mổ sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt và vừa xuất viện.
Bệnh nhân cho biết cách đây 5 năm vô tình bị sặc xương cá, có nhiều đợt ho kéo dài. Anh đã đến nhiều bệnh viện điều trị, dù có thuyên giảm nhưng ho vẫn tái phát. Lần này sốt cao liên tục nên anh phải nhập viện cấp cứu và được phát hiện dị vật.