Dịp nghỉ Tết Nguyên Đán là dịp nghỉ dài ngày nhất trong năm, bởi vậy nhiều người luôn háo hức chờ đợi dịp này để về quê thăm gia đình, họ hàng và đón một cái Tết cổ truyền ấm cúng ở nhà. Tuy nhiên, về quê không phải với ai cũng thấy sung sướng, đặc biệt là với một số nàng dâu. Thủy là một trong những số đó.
Chiều 27 Tết, tranh thủ ngày làm việc cuối cùng của năm, cuối cùng Ngân cũng hẹn gặp được Thủy để ngồi hàn huyên một chút trước khi chia tay nhau về quê. Cùng 30 tuổi, nhưng trong lúc Thủy đã có 2 con thì Ngân vẫn độc thân "vui tính". Cô không hẳn là ế bởi Ngân có một thân hình gợi cảm, khuôn mặt xinh xắn và còn kiếm ra tiền, nhưng cô chưa thấy ai hợp với mình.
Chơi thân nhiều năm nay, Ngân biết Thủy cứ đến 28, 29 Tết là tất bật mua sắm để về quê chồng ăn Tết. Nhà ngoại ở Hà Nội cả năm rồi nên cứ đến dịp này là chồng Thủy lại bắt về quê nội. Bởi vậy, muốn gặp Thủy chỉ có ngày hôm nay.
|
Mâm cúng ngày Tết trở thành nỗi ám ảnh của nhiều chị em khi về quê chồng ăn Tết. Ảnh minh họa
|
Vừa ngồi xuống hỏi xem Thủy mua sắm đến đâu rồi, Ngân lại được nghe bài ca mấy năm nay vẫn nghe về nỗi ám ảnh ăn Tết nhà chồng của Thủy.
Thủy kể: "Đây là cái Tết thứ 5 tớ đón ở nhà chồng nhưng tớ vẫn không thể nào quen được cậu ạ. Cứ nghĩ đón Tết ở quê đơn giản hơn thành phố nhưng hoàn toàn ngược lại ấy.
Năm nào cứ bắt đầu nghỉ làm cái là tớ lại lao vào công cuộc mua sắm để đưa về nhà nội. Mẹ chồng tớ đã gọi điện lên cách đây mấy hôm hỏi lúc nào về, rồi ráo trước là ở nhà mẹ chưa mua sắm gì đâu, ý là để tớ liệu liệu là sắm sửa.
Tớ thì lại không quen chợ dưới quê, mấy lần về tìm được chỗ mua cũng vất nên đành mua đồ hết trên này rồi chất lên xe mang về. Nào thì từ con gà cúng làm sẵn, bánh chưng, giò chả, bánh kẹo, bia rượu... cho đến cả quà tết biếu họ hàng tớ cũng phải sắm tất. Mỗi lần đi về cái xe ô tô nhà tớ chẳng khác nào xe hàng. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều ám ảnh nhất.
Tớ sợ nhất là chuyện làm mâm cỗ. Lẽ càng ngày người ta càng giản lược đi để Tết cho con cháu nghỉ ngơi, đây nhà chồng tớ vẫn ngày ba bữa cơm cúng. Ngày 30 Tết ở nhà chồng, sáng tớ phải dậy sớm đi chợ quê để mua thêm những thứ rau, hành còn thiếu và bắt đầu công cuộc bếp núc với bữa cơm tất niên và chuẩn bị đồ cúng cho đêm giao thừa… mãi đến khoảng 2 giờ sáng mới được lên giường ngủ chợp mắt.
Mùng 1 Tết, mệt vẫn phải bật dậy sớm lo làm mâm cơm cúng. Sau khi ăn uống, dọn dẹp, rửa bát xong lại vội vàng sửa soạn cùng gia đình đi chúc Tết khắp họ hàng, làng xóm…
Xong đến gần trưa lại vội vàng về dọn mâm cơm cúng trưa. Cơm trưa xong, bố mẹ chồng, các con vào ngủ, một mình tớ loay hoay dọn dẹp, rửa đống bát đĩa xong thì mọi người dậy lại đi chúc Tết cho hết đằng nội. Tối đến lại một mâm cúng tối nữa. Qua ngày mùng 1 là tớ mệt bã người, không còn muốn động đậy gì luôn.
Sang ngày mùng 2, tớ cố ngủ thêm cũng khó. Chưa đến 6h30 sáng, mẹ chồng tớ cứ đi qua đi lại đầu giường, kéo cửa liên tục rồi kêu các cháu dậy đi muộn rồi, thử hỏi như vậy cậu có dám nằm ngủ nữa không? Tớ lại bật dậy và tiếp tục làm mấy mâm cơm vì theo thường lệ đây là ngày các anh chị nhà chồng đến tụ họp. Sau đó, lại điệp khúc ăn uống, rửa bát dọn dẹp rồi tiếp tục đi chúc Tết họ hàng nhà ngoại của mẹ chồng tớ.
Đến ngày mùng 3, tớ phải dặn chồng xin phép bố mẹ từ sáng để chiều lên Hà Nội để còn tới nhà ngoại mà vẫn bị mẹ chồng tớ tỏ ra kém hài lòng khi buông câu: Đi gì sớm thế? Mà kiêng, ai đi mùng 3….
Tớ thật chẳng hiểu nổi vì sao những ngày Tết mẹ chồng tớ lại khoán trắng cho con dâu, không hề động tay chân vào việc bếp núc.
Cả năm đi làm, mang tiếng ngày Tết được nghỉ làm nhưng tớ còn thấy mệt, thấy vất vả hơn, cậu ạ."
Nghe chuyện của Thủy xong Ngân cũng thở dài ngao ngán cảm giác càng sợ lấy chồng. Lấy phải nhà nào hiện đại, ít thủ tục thì còn đỡ, chứ mà giống như nhà chồng Thủy thì chắc Ngân cũng "chạy mất dép".
Câu chuyện của Thủy cũng là nỗi niềm của nhiều chị em trong ngày Tết. Và nỗi sợ đeo đẳng mỗi năm khi nghĩ đến Tết, Tết thì có gì vui với các chị em lấy chồng quê?