Vùng đất Tây Nam Bộ yên bình, phong phú với sản vật, con người bình dị, gần gũi, ẩm thực địa phương thu hút không ít vị khách. Đặc biệt khi nhắc đến xứ dừa, với hình ảnh đất ngọt trái tốt, dừa xanh um, phản chiếu trên những con kênh nhỏ chứa đầy cá tôm. Bến Tre còn gợi nhớ về vô số món ăn ngon của miền Tây sông nước như cá lóc nướng trui, bánh xèo củ hủ dừa, đuông dừa tắm mắm, ốc gạo cồn Phú Đa, hủ tiếu pate,… và đặc biệt là tô bánh canh bột xắt thơm lừng, nóng hổi trứ danh.
Địa chỉ ăn ngon cho khách du lịch ở Bến Tre: Bánh canh bột xắt - hương vị "thôi thúc vị thèm"
Bánh canh bột xắt Bến Tre là món ăn chiếm trọn trái tim người thưởng thức trong hành trình khám phá ẩm thực miền Tây Nam Bộ. (Ảnh: Bánh Canh Bột Xắt Bến Tre - Ngoại Tôi)
Là một trong những món ăn miền Tây có hương vị đậm đà, mê hoặc cả người dân địa phương và du khách gần xa, món bánh canh bột xắt có nguồn gốc từ Bến Tre và Tiền Giang. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì khi chế biến, bột bánh canh được cán mỏng và sau đó xắt thành từng sợi nhỏ bằng tay sao cho vừa ăn, cho vào nồi nước luộc sôi cho chín, nhìn rất bắt mắt và vui tai.
Món ăn đặc sản này được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo. Để có sợi bánh canh bột xắt Bến Tre chuẩn vị, người ta thường chọn loại gạo không quá dẻo. Gạo sau khi được ngâm mềm sẽ mang đi xay thành bột, nhồi khối lớn rồi dùng chai thủy tinh cán ra lớp mỏng để cắt thành từng sợi bánh canh. Tuy yêu cầu sự khéo léo là thế nhưng nhìn chung so với các món chế biến từ nấm mối hay dừa Bến Tre thì bánh canh bột xắt không quá khó làm.
Dừng chân du lịch tỉnh thành thuộc miền Tây sông nước, ai ai cũng muốn thưởng thức ngay tô bánh canh thơm lừng, nóng hổi này. (Ảnh: Bánh Canh Bột Xắt Bến Tre - Ngoại Tôi)
Điểm khác biệt của bánh canh bột xắt Bến Tre chính là nước dùng sền sệt chứ không loãng như bánh canh bột lọc và có màu trắng đục bởi chất nhờn từ bột gạo tiết ra. Để nước dùng trong hơn, sau khi luộc chín, sợi bánh sẽ được vớt ra và ngâm trong nước lạnh khoảng 5, 10 phút. Làm như vậy sẽ mất đi chất đục và sệt đặc trưng của bánh canh bột xắt, không còn vị ngon "đúng điệu" kiểu truyền thống của món ăn.
Nước dùng chủ yếu được nấu từ thịt vịt xiêm hoặc vịt mái tơ cỡ 2kg/con. Những người sành ăn thường ưa vịt xiêm hơn vì thịt mềm, da giòn căng, ít mỡ và không bị hôi. Nếu muốn ngon nữa thì chọn loại vịt nuôi tại nhà hoặc vịt thả đồng, ngoài ăn thóc lúa, ốc thì vịt còn được bơi tắm thoải mái. Trước khi nấu, vịt sẽ được ướp gia vị như hành, tiêu, muối, đợi thịt ngấm thì đem xào săn rồi mới cho vào nồi nấu nước dùng. Tùy theo khẩu vị và cách nấu mà thịt vịt có thể nấu riêng hoặc cho luôn vào nồi bánh canh khi bột xắt được khoảng một phần ba nồi.
Khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận được sự hài hòa giữa những vị chua, ngọt, mặn, béo trong từng thìa canh. (Ảnh: Bánh Canh Bột Xắt Bến Tre - Ngoại Tôi)
Ngoài những gia vị quen thuộc như đường, muối thì bánh canh bột xắt có vị béo hơn nhờ cho thêm nước cốt dừa vào bột và nước dùng. Bánh canh bột xắt nấu cùng thịt vịt đặc sắc hơn bánh canh giò heo. Huyết vịt được nấu cùng nếp dẻo tạo thành món huyết nếp rất đặc trưng, ăn ngon và lạ miệng.
Do thịt vịt có tính hàn nên bánh canh bột xắt không được ăn cùng nước mắm pha chanh ớt tỏi quen thuộc mà phải chấm với nước mắm gừng chua cay. Khi bánh canh chín múc ra tô, rắc ít hạt tiêu và trang trí chút hành ngò.
Địa chỉ ăn ngon cho khách du lịch ở Bến Tre: Bánh canh bột xắt trở thành "thương hiệu"
Ngoài hương vị độc đáo, bánh canh bột xắt Bến Tre còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho người ăn. (Ảnh: MiA)
Nếu tới miền Tây và tình cờ ghé qua quán bánh canh bột xắt thịt vịt có quầy bếp ngoài trời, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cách xắt bánh canh điêu luyện hoàn toàn thủ công của các cô, chị. Kinh nghiệm càng lâu, cách xắt bột càng nhanh và đều tay, sợi bánh canh cũng trở nên đều đặn, ngắn gọn và hấp dẫn hơn. Họ dùng dao dài bản mỏng hoặc thanh tre thật bén, vừa xắt bột vừa xoay chai để bột rơi xuống nồi thành từng sợi. Đó cũng là lí do khiến sợi bánh canh bột xắt không quá dài mà rất vừa vặn để gắp hay múc ăn.
Người nấu phải đợi nước thật sôi mới thả bột vào để bột không bị nhão mà tan ra trong nước. Thỉnh thoảng dùng đũa khuấy đều để sợi bánh rời ra, không bị dính vào nhau hay dính lại đáy nồi, dễ bị khét. Khi thấy sợi bột nổi lên nghĩa là bánh canh đã chín, có thể thưởng thức cùng nước dùng và các đồ ăn kèm khác.
Điều quan trọng là bột gạo không được quá dẻo, mà phải có độ sệt vừa phải để tạo ra sợi bánh canh có độ dai, không dính, dễ ăn. (Ảnh: MiA)
Không ai biết chính xác món ăn đặc biệt này ra đời từ khi nào, chỉ biết rằng khi đến du lịch Bến Tre hay Tiền Giang, du khách thường được gợi ý nên thử một tô bánh canh bột xắt. Trong khi bánh canh Trảng Bàng ở Tây Ninh hoặc món bánh canh cua ở Sài Gòn thường đi kèm với thịt hoặc giò heo, bánh canh bột xắt Bến Tre lại ưa chuộng thịt vịt. Nguyên liệu này hoàn hảo cho món ăn nổi tiếng này, thậm chí còn được gọi theo tên: bánh canh bột xắt thịt vịt.
Bánh canh bột xắt được coi là "linh hồn" của ẩm thực xứ dừa, phản ánh rõ nét nét đẹp trong lối sống, tập quán ẩm thực của cộng đồng người dân nơi đây. (Ảnh: vntrip)
Người Miền Tây thích vị ngọt, nên nước dùng của bánh canh được tạo ra với hương vị ngọt ngào. Một trải nghiệm thú vị sau một ngày thăm thú vườn trái cây Cái Mơn, ghé thăm cồn Phụng, và thăm khu du lịch Lan Vương là thưởng thức bánh canh bột xắt với sợi bánh dai, mềm, ngon lành kết hợp cùng nước dùng thơm ngon và ngọt tự nhiên. Nhẩn nha múc từng muỗng bánh canh, chấm miếng thịt vịt vàng ươm ngập trong chén nước mắm thơm mùi gừng đặc trưng, cắn miếng huyết nếp mềm dẻo để tận hưởng trọn vẹn vị ngọt đậm đà từ nước dùng, sợi bánh dẻo dai hòa quyện thịt vịt thơm mềm tan dần trong miệng.
Công đoạn xắt bột rất cần sự khéo léo của đôi tay bởi xắt càng nhanh, càng đều tay thì sợi bánh canh trông càng ngon, đều và bắt mắt. (Ảnh: mvvvvp.vom)
Đây chính là món ăn lý tưởng, đáp ứng mọi nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. (Ảnh: VietFun travel)
Giữa "rừng đặc sản" món ngon của xứ dừa như cơm dừa, đuông dừa, gỏi cổ hũ dừa tôm thịt, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc... du khách đừng quên bổ sung món bánh canh bột xắt thịt vịt vào cẩm nang du lịch Bến Tre.