Mía rất giàu đường sucrose, có vị ngọt, mọng nước, thường được ép lấy nước khi còn tươi, có thể uống ngay hoặc nấu cô đặc thành đường. Hầu hết mọi người ăn mía trực tiếp bằng cách gặm, nhai lấy nước và nhả xác. Trên thực tế, chỉ cần làm thêm một bước nữa, mía không những ngọt hơn, thơm và mềm mà còn không gây hại cho tỳ vị, phù hợp với mọi lứa tuổi, đó là mía hấp.
Cách ăn mía theo kiểu hấp
Khi thời tiết hanh khô, bạn nên ăn mía nhiều vì nó có tính hàn, vị ngọt, giúp thanh nhiệt giảm độc, bồi bổ cơ thể, giải khát hiệu quả, dưỡng ẩm.
Khi mua mía, bạn không cần nhờ người bán gọt vỏ vì khi lớp bảo vệ bên ngoài mất đi, nó dễ bị nhiễm khuẩn và rửa không sạch.
Sau khi mua về nhà, bạn cần rửa sạch mía trước, dùng dao gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài, sau đó cắt thành từng đoạn, bày ra đĩa để dùng sau. Vỏ mía khá dày, khi gọt phải dùng dao bếp hoặc dao gọt chuyên dụng, cẩn thận khi thao tác, nếu không rất dễ làm tổn thương tay, tốt nhất nên đeo găng tay.
Mía rửa sạch với nước sau khi gọt vỏ, cho vào xửng hấp trong 10 phút thì tắt bếp, để nguội một chút rồi lấy ra ăn.
Tại sao nên ăn mía theo cách hấp?
Vì mía là loại cây có tính hàn, không thích hợp với những người tỳ vị hư hàn, rất dễ gây đau bụng. Thế nhưng sau khi hấp, tính hàn của mía được loại bỏ, trở thành món ăn có tính nhiệt, ai cũng có thể ăn được.
Ngoài ra, khi hấp chín mía, lượng đường trong mía sẽ cô đặc lại, vị càng ngọt hơn. Chất xơ cũng được làm mềm ở nhiệt độ cao, nó không làm tổn thương răng miệng.
Người già và trẻ em nói chung tỳ vị yếu, khả năng tiêu hóa không tốt, nếu ăn mía tươi sẽ gây khó chịu cho cơ thể, nhưng nếu ăn mía hấp thì không lo vấn đề này. Mía hấp có vị ngọt, mọng nước và có tác dụng dưỡng ẩm rất tốt. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy khô miệng, khô da nên ăn mía hấp thường xuyên.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, lượng calo của mía tuy không cao, khoảng 59 kcal nhưng lượng đường lại cao, khuyến cáo những người có vấn đề về đường huyết trong máu không nên ăn.