Khi đói bụng tâm trạng bạn thế nào? Dễ giận dữ, cáu gắt với người khác, xử lý công việc kém hiệu quả... Điều này hoàn toàn bình thường! Hãy xem các nhà khoa học lý giải hiện tượng “hangry” - kết hợp giữa từ hungry (đói) và angry (tức giận) - như thế nào.
Cơ chế sinh lý học của người đói
Theo các chuyên gia, carbonhydrate, protein và các chất béo trong thực phẩm bạn ăn được tiêu hóa thành các loại đường đơn giản (như glucose), các loại axit amin và các axit béo tự do. Những chất dinh dưỡng này đi vào trong máu của bạn rồi phân phối tới các cơ quan nội tạng, các mô và chuyển hóa thành năng lượng.
Khi thời gian trôi qua sau bữa ăn gần nhất của bạn, các chất dinh dưỡng tuần hoàn trong máu bắt đầu giảm. Nếu nồng độ đường glucose trong máu của bạn giảm quá mức, não bộ sẽ nhận thấy đây là tình huống đe dọa tính mạng. Không giống hầu hết các cơ quan khác và các mô trong cơ thể có thể sử dụng các chất dinh dưỡng để thực hiện chức năng, bộ não của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào glucose để hoạt động. Không khó để nhận ra sự phụ thuộc này: khi bạn khó tập trung và dễ mắc những lỗi ngớ ngẩn, đột nhiên nói nhịu hoặc lẫn lộn là lúc bạn đang đói và lượng glucose giảm.
|
Nồng độ glucose trong máu giảm khiến người đói dễ cáu gắt. |
Ngoài việc giảm nồng độ glucose trong máu, một nguyên nhân khác khiến mọi người dễ cáu gắt khi đói là phản ứng chống biến động glucose. Cụ thể, khi lượng glucose trong máu sụt giảm đến một ngưỡng nhất định, bộ não sẽ gửi các chỉ dẫn tới nhiều cơ quan trong cơ thể để tổng hợp và giải phóng các hormon có tác dụng làm tăng lượng glucose trong máu.
Có 4 hormon chính tham gia quá trình này là: hormon tăng trưởng từ tuyến yên nằm sâu trong não, glucagon từ tuyến tụy, adrenaline (đôi khi gọi là epinephrine) và cortisol - hai hormon này đều từ tuyến thượng thận. Trong đó, hai hormon do các tuyến thượng thận tiết ra là các hormon stress, được giải phóng vào máu trong mọi tình huống căng thẳng.
Thực tế, adrenaline là một hormon then chốt được giải phóng vào máu khi phản ứng “đương đầu hoặc bỏ chạy” trước một nỗi sợ hãi bất chợt, chẳng hạn như khi bạn nghe thấy hay nhìn thấy thứ gì đó đe dọa sự an toàn của bạn. Cũng giống như khi bạn dễ dàng la hét, giận dữ với ai đó trong phản ứng “đương đầu hay bỏ chạy”. Sự giải phóng adrenaline trong phản ứng chống biến động glucose có thể thúc đẩy hành vi tương tự.
Sự kiểm soát của gen
Một lý do nữa cho thấy sự liên quan giữa cơn đói và giận dữ là cả hai đều được kiểm soát bởi các gen. Sản phẩm của một gen như vậy là neuropeptide Y, một hóa chất não tự nhiên được tiết ra trong não bộ của bạn khi đói. Nó kích thích hành vi phàm ăn thông qua kích hoạt nhiều cảm thụ quan trong não bộ, kể cả cảm thụ quan có tên gọi Y1.
Bên cạnh hoạt động trong bộ não để kiểm soát cơn đói, neuropeptide Y và cảm thụ quan Y1 điều chỉnh sự giận dữ hoặc gây hấn. Những người sở hữu lượng neuropeptide Y cao trong dịch não tủy của họ cũng có xu hướng thấy sự dễ nổi giận một cách bất ngờ. Như vậy có thể thấy có nhiều cơ chế sinh học khiến bạn dễ nổi cáu khi đói. Những người “hanger” chắc chắn có một cơ chế sinh tồn có lợi cho cả con người và những động vật khác vì nếu các sinh vật bị đói vẫn giữ được thái độ bình tĩnh và để các cá thể khác ăn chúng trước thì sẽ dễ dẫn đến việc loài của chúng chết dần chết mòn.
Mặc dù nhiều yếu tố thể chất góp phần dẫn đến sự giận dữ, bực bội khi đói nhưng yếu tố tâm lý xã hội cũng có tác động không nhỏ. Chẳng hạn như nền văn hóa ảnh hưởng đến việc bạn bộc lộ sự gây hấn trực tiếp hay gián tiếp.
Cách dễ dàng nhất để tránh rơi vào tình trạng quá đói dẫn đến mất kiểm soát về tâm lý và hành vi đó là lót dạ bằng đồ ăn có đường hay tinh bột như chocolate, khoai tây nhằm kéo lại lượng glucose đang xuống dốc nhanh chóng. Ăn ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy cơn đói. Đặc biệt đối với những người ăn chay trường hoặc đang trong chế độ ăn giảm cân, cần phải được sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng để tránh tình trạng giảm đường huyết trầm trọng trong thời gian dài.