Chung nhau 1 con ngõ nhỏ trên một phố nhỏ ở quận trung tâm Thủ đô, không ồn ào náo nhiệt như những phố lớn có kinh doanh buôn bán hay nhà hàng bia đông người nhậu nhẹt, bà Thu thấy nhà mình cùng với 5 gia đình khác cùng ngõ này là quá may mắn. Thế nhưng ông Bùi chồng bà gần đây lại trở chứng tức tối nhà hàng xóm. Mà ông Bùi tức tối toàn những chuyện rất... buồn cười.
Nhà ấy có cô con gái học đại học trong TP HCM, đi làm trong đó khá lâu, bỗng lại chuyển ra ở cùng bố mẹ. Cô cũng là tuýp thanh nữ hiện đại nhưng bà Thu thấy cô gặp ai cũng chào hỏi lễ phép, có vẻ cũng là con nhà lành, bố mẹ cô vốn cũng công chức hiền lành, tử tế đã nghỉ hưu. Cái cục tức khiến ông Bùi bùng nổ là hôm Chủ nhật ông dọn sân thượng, bỗng thấy một cái băng VS đã cũ bẩn, nằm chềnh ềnh trên sân thượng nhà ông, ông sồn sồn cho rằng: “Chỉ có cái con hàng xóm ấy vứt qua làm bẩn nhà mình”. Thế là ông Bùi bắt vợ phải “sang nhà nó hỏi cho ra lẽ”. Bà Thu ngại quá, phân tích rằng “có thể chuột nó tha lung tung, ông có bằng chứng gì mà bảo tôi qua nói, người ta lại chả mắng cho ấy chứ!”. Nhưng ông Bùi không chịu. “Bà không thấy từ khi nó về ở đây, túi rác nhà nó cứ vứt chềnh ềnh ở cửa nhà mình à? Lắm hôm tôi phải vứt lại cái túi rác qua phía cửa nhà nó đấy”.
|
Ảnh minh họa |
“Thực ra thì túi rác nhà nào cũng để ra góc tường giao giữa 2 nhà, chờ xe rác đến dọn. Đôi khi thì nó cũng lệch lạc một chút. Ông cứ khó tính thì nghĩ thế chứ, ai người ta để túi rác giữa cửa nhà mình đâu”. “Bà lại còn bênh hàng xóm à? Thế bà không thấy con này láo, có lần tôi đang ngồi uống trà ở phòng khách, nó đi ra cửa nhà mình, nó cúi xuống chổng mông vào nhà mình, thế là chổng mông vào cái mặt tôi còn gì? Bà biết nó làm gì không? Nó giả vờ cài quai dép xăng đan! Thế sao nó không cài từ bên cổng nhà nó? Sao nó không chổng mông vào cửa nhà nó!”. Bà Thu chán quá, chả muốn đôi co. Ông Bùi cứ thế tức tối, tuôn ra hết việc tức này đến việc tức khác. Bà bảo chồng “Hay là ông giả vờ qua chơi, uống nước với ông bà bên đó, họ nghỉ hưu rồi cũng nhàn chứ không phải đang đi làm như tôi với ông. Ông thử qua thăm dò, nói chuyện với họ, xem có phải họ tức tối gì nhà mình mà làm thế. Hay chỉ là vô tình”. “Vô tình cái gì? Có mà nó gây sự với tôi. Tôi chả việc gì phải qua nhà nó”...
Chủ nhật tuần trước đã tức như cục hạch thế. Chủ nhật tuần này, cô hàng xóm lại đem về mấy chậu cây cảnh, đặt ở trước cổng nhà cô. Ông Bùi thấy mấy chậu cây liền vào gọi vợ ra: “Bà xem, nó lại đặt chềnh ềnh ở cửa nhà mình thế này. Vướng mắt quá đi mất. Bà qua bảo nó dẹp đi cho tôi nhờ”. “Ông cho qua đi. Nó đặt ở cửa nhà nó đấy chứ, nhưng đất chật nó có xòe cái tán qua tường ngoài cổng nhà mình chút cũng có sao. Tôi thấy hoa cũng đẹp mà”. Bà Thu nói xoa dịu chồng rồi vào nhà dọn cơm ăn trưa. Nhưng ông Bùi không chịu. Ông cằn nhằn suốt bữa ăn. May là 2 con đi học thêm học nếm suốt, chứ ở nhà nghe bố chúng trở chứng thế này thì không ăn nổi, nói chi đến học.
Bà Thu cũng tưởng là ông Bùi cứ tức tối, cằn nhằn thế với vợ thôi. Ai ngờ chiều nay đi làm về, bà thấy có 2 vị đứng đợi ở cửa nhà bà. Hóa ra họ là người ở cơ quan cô hàng xóm. Họ lễ phép xin vào gặp vợ chồng bà thưa chuyện. Sau khi họ chìa cái đơn ông Bùi viết “tố” cô gái hàng xóm, bà Thu thật sự ngượng quá. Chuyện có đáng gì đâu, mà cô gái cũng chả làm gì sai trái, vài cái vụn vặt hàng xóm với nhau, mà nhà họ cũng chưa bao giờ to tiếng, nặng lời gì với nhà bà, thế mà ông Bùi lại viết đơn đến cơ quan “tố” cô gái. Bà Thu giải thích với mấy vị đi xác minh đơn thư, rằng theo bà thì cô ấy chả có gì sai, chả có gì xấu, cô sống khá lễ phép, chỉ tại ông Bùi chồng bà khó tính, gần đây bị sao đó mà lại thêm khó tính hơn, nên mới “có ý kiến đến cơ quan”, thôi thì mong các vị bỏ qua. Mấy vị xin bà ký cho cái xác nhận như nội dung bà vừa trao đổi, xong họ về. Bà Thu nghĩ “Chả biết cái đơn dở hơi của ông Bùi gửi đến có làm khó gì cho cô ở cơ quan không. Nếu cô ấy biết có cái đơn này thì 2 nhà rồi khó mà sống cạnh nhau cho hòa thuận”.
Tối đó, sau bữa cơm, bà Thu nhẹ nhàng thông báo cho chồng biết chiều nay có mấy vị đến xác minh đơn như thế. Ông Bùi bực quả vợ “Vì sao bà lại bênh nó? Bà phải nói họ chờ tôi về. Tôi tố thêm cho nó chứ!”. “Ông này, ông đừng làm khó người ta. Tôi thấy cháu nó cũng ngoan, nó chả làm gì ảnh hưởng đến ông cả. Ông gửi đơn thế là làm ảnh hưởng đường công danh của nó, tôi sợ lại to chuyện thành hàng xóm cãi nhau thì chả ra gì”. Ông Bùi không đồng ý quan điểm của vợ, vẫn còn làu bàu mãi.
Thế rồi, không ngờ cái hậu quả mà bà Thu lo lắng cũng đã đến. Ông Bùi được cơ quan bình xét đề bạt cái chân phó phòng. Không ngờ khi lấy phiếu bầu tín nhiệm, đã có một ý kiến phát biểu làm cho tình thế đảo ngược. Đó là ý kiến một thanh niên trẻ, cậu cho rằng ông Bùi sống hẹp hòi, ích kỷ, hay đơn thư kiện tụng lung tung, vu cáo cả người tốt, như vậy không xứng đáng đề bạt lên quản lý, vì nếu làm quản lý mà ông đánh giá cán bộ theo cách nghĩ hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết bản thân của ông thì cán bộ dưới quyền không thể làm việc và phòng sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cả hội nghị ồn ào một chút, sau đó bỏ phiếu thì ông Bùi trượt. Ông Bùi tức tối ra mặt. Về nhà lôi ngay vợ ra để trút. Theo ông thì cô hàng xóm chắc phải có đơn kiện lại ông ở cơ quan thì mọi người mới biết ông đã từng gửi đơn kiện cô ta chứ. Thế rồi, ông sồn sồn đòi “Bán nhà, mua chỗ khác. Ở đây tôi chán quá rồi. Tôi không thể chịu cờ đến tay lại bị tuột chỉ vì cái con ranh con hàng xóm”. Bà Thu thấy chồng căng thẳng quá, bà xoa dịu, bởi bán nhà không phải muốn là bán được ngay. Mà bán rồi có phải nói muốn mua là mua được ngay đâu. Không khéo cả nhà lại vất vưởng vì cái vụ bán nhà với mua nhà chả vì cái gì chính đáng cả. Bà nhẹ nhàng bàn với chồng “Thôi thì ông qua nhà hàng xóm nói chuyện, thông cảm với họ xem, biết đâu lại hóa giải được”. “Tôi chả việc gì phải qua nhà nó. Bà lại xúi tôi từng này tuổi, đi xin cái con ranh con à?”. “Ông không qua thì tôi qua, nói chuyện với họ cho rõ ra xem, có gì đâu...”. “Tôi cấm bà! Bà không được qua nhà nó!”...
Bà Thu không ngờ ông Bùi lại căng thẳng quá như vậy. Thôi đành từ từ rồi tính. Có lẽ bà cứ “bí mật” qua gặp hàng xóm, hỏi han, trò chuyện, biết đâu hóa giải mọi chuyện cho nhau. Người xưa đã nói “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, chắc chắn phải có cái lý gì chứ!