Johnson & Johnson “giấu” thông tin phấn rôm của hãng nhiễm chất ung thư?
Hãng tin Reuters trích dẫn các tài liệu nội bộ như các bản ghi nhớ của công ty, báo cáo nội bộ và nhiều tài liệu mật khác liên quan tới vụ kiện của các nguyên đơn cáo buộc sản phẩm của (J & J) gây bệnh ung thư buồng trứng.
Ngoài ra, hãng tin này cũng phanh phui chuyện J&J đã chi trả cho các nghiên cứu được thực hiện với chuỗi sản phẩm phấn rôm trẻ em Baby Powder của Johnson & Johnson rồi thuê người viết lại thành bài báo đăng trên tạp chí nghiên cứu.
|
Johnson & Johnson bị tố đã biết phấn rôm trẻ em chứa chất gây ung thư từ lâu. Ảnh: Reuters. |
Theo đó, Reuters cho biết những tài liệu đã chỉ ra các phòng thí nghiệm tư vấn cho J&J ngay từ đầu những năm 1957 và 1958 đã phát hiện chất amiăng, một chất gây ung thư, có trong bột phấn rôm trẻ em của J&J. Tuy nhiên, hãng này đã không công khai thông tin này.
Năm 1976, hãng J&J khẳng định với Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) của Mỹ không có chất amiăng trong "bất cứ mẫu sản phẩm" phấn rôm trẻ em nào thuộc giai đoạn từ tháng 12/1972 đến tháng 10/1973.
Tuy nhiên đã có ít nhất 3 thí nghiệm của 3 đơn vị thực hiện khác nhau trong giai đoạn 1972-1975 tìm thấy chất amiăng trong bột phấn trẻ em của J&J.
Các thông báo của chính công ty này và các phòng thí nghiệm bên ngoài khác cũng đã cho thấy các phát hiện tương tự này trong suốt giai đoạn đầu những năm 2000.
Trước thông tin của Reuters, hãng J&J phản đối dữ dội, nói thông tin của Reuters là "một chiều, sai trái và có tính kích động". Công ty cũng khẳng định phấn rôm của họ hoàn toàn không có chất amiăng và sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm sản phẩm của họ an toàn.
Hàng nghìn vụ kiện hãng Johnson & Johnson
Hàng ngàn vụ kiện cáo buộc phấn rôm chứa chất gây ung thư nhằm vào J&J trong những năm qua, dù công ty này vẫn khăng khăng về độ an toàn của sản phẩm của mình.
Hãng tin Reuters dẫn trường hợp bà Darlene Coker (52 tuổi) biết mình sắp chết do bị u trung biểu mô (Mesothelioma), căn bệnh ung thư lớp mô phủ bên trong lồng ngực hoặc ổ bụng. Đây là ung thư hiếm gặp và rất nguy hiểm có nguyên nhân chủ yếu do tiếp xúc với amiăng. Căn bệnh ung thư này chủ yếu gặp ở đa số nam giới hít bụi amiăng trong ngành mỏ hay các ngành công nghiệp như đóng tàu.
Sau thời gian chiến đấu với mọi đau đớn, bà Coker đã thuê luật sư Herschel Hobson tìm hiểu và họ phát hiện nguyên nhân có thể là loại phấn rôm trẻ em của hãng Johnson & Johnson mà bà Coker sử dụng cho các con và chính mình nhiều năm qua. Luật sư Hobson biết bột phấn cho trẻ em làm từ đá talc, loại khoáng sản tự nhiên đôi khi có chứa chất gây ung thư amiăng. Từ đây, bà Coker đã kiện công ty J&J vì sản phẩm phấn rôm "chết người" của công ty đã gây ung thư cho bà.
|
Hàng ngàn vụ kiện cáo buộc phấn rôm chứa chất gây ung thư nhằm vào J&J trong những năm qua. Ảnh: NBC. |
Đáp lại, J&J đã phủ nhận cáo buộc này. Họ khẳng định sản phẩm Baby Powder không có amiăng. Khi vụ án được tiến hành vào năm 1999, J&J đã tránh được việc bàn giao kết quả kiểm tra bột talc, do tòa án bác bỏ yêu cầu mà phía luật sư của bà Coker đưa ra.
Theo đài Aljazeera, cho tới nay J&J đã và đang đối mặt với hơn 10.000 vụ kiện cáo buộc sản phẩm phấn rôm trẻ em (Baby Powder) và sữa tắm (Shower to Shower) của họ gây ung thư buồng trứng.
Hồi tháng 7 qua, một bồi thẩm đoàn ở bang Missouri - Mỹ buộc J&J bồi thường gần 4,7 tỉ USD cho một nhóm 22 phụ nữ khẳng định họ bị ung thư buồng trứng do amiăng trong phấn rôm của J&J.
Amiăng nguy hiểm ra sao
Amiăng là một chất gây hại cho sức khỏe, thậm chí là mầm mống của bệnh ung thư. Khi hít amiăng vào phổi, nó sẽ nằm lại trong đó rất lâu mà không bị phân hủy, tạo thành khối u rồi sau thời gian từ 10 đến 20 năm, khối u này sẽ chuyển thành ung thư.
Chính vì thế, có 55 quốc gia hiện đang cấm dùng amiăng trong mọi lĩnh vực.
Phơi nhiễm amiăng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bụi phổi (tình trạng viêm ở phổi có thể gây khó thở, ho và tổn thương phổi vĩnh viễn) và các rối loạn phổi và màng phổi khác nhưng nguy hiểm nhất vẫn là ung thư phổi, ung thư trung biểu mô…