Trong những bức thư gửi Hạnh Dung, chị em ít nhất cũng một lần nhắc đến chuyện “tôi đã sai lầm”. Kể ra, chẳng ở đâu mà người ta sai nhiều như trong hôn nhân. Lấy nhau về là đã nhận ra cái sai, sống với nhau một hồi nhận ra vô số cái sai, nhưng có khi sau cuộc ly hôn thành công, lại nhận ra cái sai này mới là… sai to nhất.
|
Ảnh: Internet |
Một bức thư viết: “Bước chân về nhà chồng hơn tháng, tôi đã nhận ra mình chọn lầm người rồi. Lẽ ra, tôi nên lấy người mà tôi yêu ngày trước, dù người ta không có nhà cửa… Biết sai mà đành chịu, đành chôn kín trong lòng, vì đó là tại mình lựa chọn chứ có phải tại ai đâu. Biết sai, mình cam lòng nhịn nhục, cúi đầu mà chịu cảnh làm dâu nhà giàu. Sinh con, nuôi con bao nhiêu năm trời, có lúc cái vất vả bận rộn làm mình quên bớt, nhưng khi con cái trưởng thành, một lần gặp lại người cũ, mình vẫn day dứt phải chi hồi đó mình quyết định đúng hơn…”.
Việc khác mà sai, chỉ có cách xóa bỏ kết quả ấy, làm lại bằng cách khác đúng đắn hơn. Hôn nhân thì có vẻ như ngược lại: phát hiện cái sai mà vẫn phải cùng chung sống với cái sai ấy có khi đến hết đời. Sai lầm của hôn nhân chỉ có thể được sửa chữa bằng cách lấy chính cuộc đời mình làm vật kê cho bằng, làm cái nền cam chịu, vo cho tròn những góc cạnh của cuộc đời để dễ lăn tới mà thôi.
Một bức thư khác viết: “Con trai dẫn bạn gái về nhà giới thiệu, cũng là để xin cưới. Không còn nhiều thời gian, bụng cô bạn gái đã bắt đầu thay đổi. Tôi đã lo ngại: hình như hai đứa không hợp với nhau. Mới mở lời hai ba câu, thằng bé đã bắt thóp mẹ: Mẹ sợ gì? Yêu thì lấy, không yêu nữa thì chia tay, có phải như cái thời của mẹ đâu mà “trăm năm hạnh phúc”!
Tôi gật đầu lo đám cưới, cũng tặc lưỡi ừ thì mình có khi lo lắng quá. Nhưng mà tôi lo đúng chị ạ. Mười tháng sau đám cưới, cháu nội tôi chưa đầy bốn tháng tuổi, chúng đã tự tách cặp ngay trong nhà cha mẹ. Con dâu cho rằng lấy chồng là sai lầm lớn nhất của nó, hết thời gian nghỉ thai sản, nó giao luôn con cho tôi, trở lại phòng tập thể dục, spa để giữ dáng, đẹp da và nói thẳng muốn ly hôn để tìm cơ hội làm lại cuộc đời. Thằng con trai tôi cũng chẳng lấy làm buồn, vẫn cá độ đá banh, chơi game, coi phim như thời chưa vợ. Chỉ khổ hai vợ chồng già bị kẹt cùng đứa cháu… Làm cha mẹ, chẳng lẽ bây giờ bảo con ơi sai rồi, khuyên con nên ly hôn đi?”.
Chị viết thư hỏi Hạnh Dung: làm sao để hàn gắn hai đứa (con trai và con dâu của mình) thành vợ chồng? Hạnh Dung nghĩ y chang như chị: chẳng lẽ bây giờ bảo nên ly hôn đi? Hàn gắn gì nữa khi những người trong cuộc đã nhận ra mình sai rồi? Thời bây giờ, các ông bà già kề miệng lỗ có khi còn ly hôn, huống hồ lớp trẻ. Cân nhắc nhiều thì cũng đến lúc phải sống thật với nhau, chứ chẳng lẽ cứ ở đó mà cân nhắc hoài. Bây giờ bọn trẻ nghĩ về hôn nhân đơn giản hơn: cứ yêu là cưới, không hợp thì chia tay tìm người mới, việc gì phải ngăn cản, việc gì phải kiêng cữ, việc gì phải chờ đợi cân nhắc. Lấy vợ lấy chồng cũng như một phép thử thôi, cứ thử ào đi, sai thì sửa!
Nói vậy mà không dễ sửa, một khi đã sai. Làm sao để biết rằng ly hôn không phải là một cái sai kế tiếp, để chấm dứt chuỗi sai lầm đến lúc đó, và bắt đầu một việc mới đúng đắn hơn? Con trai chị sẽ cưới - đúng - vợ trong lần thứ hai? Chưa chắc. Cháu nội chị sẽ sống tốt hơn khi không có mẹ? Không chắc. Vợ chồng chị sẽ có cô con - dâu - đúng, ngoan hiền hơn? Cũng chưa chắc…
Sai lầm của hôn nhân không thể sửa kiểu đơn giản xóa đi làm lại. Nó cần được sửa như là một hoạt động sống, bởi bản thân sai lầm ấy cũng là một hoạt động sống. Cuộc sống của con người, về bản chất, là một quá trình dài nhầm lẫn và nhận biết sự nhầm lẫn của mình. Ngay cả khi mình khẳng định chuyện này sai rồi, thì rất có thể khẳng định ấy cũng là một sự nhầm lẫn mà thôi. Nghĩ vậy thì biết, hôn nhân cũng không sai nhiều hơn những việc khác trong đời sống của con người…
Nghĩ vậy để biết, mình có khi cũng là sai lầm của chồng con đấy chứ, phải không?