Hỏi đáp vắc xin COVID-19: F0 điều trị tại nhà, cần trữ thuốc gì?

Google News

 Hiện nay, TP HCM đã triển khai phát các túi thuốc cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và có những lưu ý cho người bệnh sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của mình.

Túi thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà bao gồm các thuốc điều trị triệu chứng, thuốc giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch, thuốc phòng và điều trị biến chứng. Trong đó, một số thuốc điều trị COVID-19 cần được dùng đúng thời điểm, dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế, tránh lạm dụng gây ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và điều trị về sau.
Mới đây, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản khẩn gửi đến Chủ tịch UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức; Trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức về việc cấp phát túi thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.
Để đảm bảo bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được tiếp cận túi thuốc điều trị kịp thời, giảm trường hợp chuyển nặng, Sở Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức chỉ đạo Giám đốc Trung tâm y tế các quận, huyện, TP.Thủ Đức, Trưởng Trạm y tế, Trưởng Trạm y tế lưu động khẩn trương rà soát và cấp phát túi thuốc cho bệnh nhân F0 theo hướng dẫn, tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp bệnh nhân F0 điều trị tại nhà bị thiếu thuốc.
Các lưu ý khi dùng các gói thuốc A, B, C
Túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà sẽ bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.
Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Thuốc hạ sốt sẽ được dùng khi người bệnh sốt trên 38,5C, có thể lặp lại mỗi 4 -6 giờ nếu vẫn còn sốt. Các loại vitamin uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên. Gói thuốc này dùng trong 7 ngày.
Hoi dap vac xin COVID-19: F0 dieu tri tai nha, can tru thuoc gi?
Túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà, trong đó có gói thuốc A, B. Ảnh: HCDC. 
Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ.
Đối với thuốc ở gói B, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng trong một số tình huống đặc biệt, có triệu chứng sớm của suy hô hấp như cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%.
Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể tự uống thuốc kháng viêm và thuốc chống đông nhưng không quá 3 ngày. Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.
Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang trong giai đoạn thử nghiệm thuộc chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc hiện chưa được Cục quản lý Dược của Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện Thống Nhất và cho những kết quả khả quan.
Trong chương trình cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà, gói thuốc C được sự chỉ đạo của Bộ Y tế thêm vào túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà và phải có những điều kiện khi sử dụng thuốc. Người bệnh cần phải ký “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ” trước khi được cấp phát và sử dụng.
Gói thuốc C chỉ dành cho F0 đã có kết quả dương tính với SARS-COV-2 sau khi xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR, có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%. Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày. Mỗi ngày uống 4 viên, chia làm 2 lần, mỗi lần 2 viên. Tổng liều là 1.600mg cho 1 ngày. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân sẽ có sự cải thiện rõ rệt, giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nhẹ sau 5 ngày điều trị, nhờ đó giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Những lưu ý khi bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà
Duy trì "5K: Khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tập trung- Khai báo y tế" theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chuẩn bị vật dụng hỗ trợ theo dõi: Nhiệt kế theo dõi nhiệt độ, máy đo phân áp oxy, máy đo huyết áp.
Lưu sẵn các số điện thoại cần phòng khi có tình huống khẩn cấp: Số điện thoại cấp cứu, nhân viên y tế phụ trách địa bàn bệnh nhân sinh sống, nhân viên y tế trong các hội nhóm thiện nguyện.
Theo dõi hàng ngày các triệu chứng: Mệt mỏi; ho, ho có đàm, ho ra máu; ớn lạnh/ gai rét; viêm kết mạc (mắt đỏ); mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy. Thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo. Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ.
Báo ngay với nhân viên y tế khi có biểu hiện tăng nặng của các triệu chứng như: Phân áp oxy dưới 95%; khó thở, tim nhanh, tím môi, tím đầu chi, da xanh, chân tay lạnh; thay đổi ý thức, tâm trạng bất ổn… Với trẻ nhỏ cần lưu ý triệu chứng: Sốt cao, ăn uống kém, nôn, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...
Không dùng thuốc điều trị triệu chứng khi không có triệu chứng.
Thận trọng trong sử dụng thuốc. Không dùng cùng lúc nhiều đơn thuốc, đặc biệt chú ý các biệt dược có cùng một hoạt chất để tránh uống quá liều gây ngộ độc (như các biệt dược cùng chứa paracetamol, các loại thuốc đều là vitamin tổng hợp…).
Hoi dap vac xin COVID-19: F0 dieu tri tai nha, can tru thuoc gi?-Hinh-2
 

Mời độc giả theo dõi video "Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19". Nguồn: VTV4.



Thảo Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)