Tin tức từ DailyMail cho hay, các bác sĩ đã sốc khi phát hiện hàng trăm con rận mu ký sinh trên mi mắt cậu bé 6 tuổi ở Catania, Italy. Cậu bé được bố mẹ đưa đến gặp bác sĩ khi có triệu chứng đau mắt đỏ và ngứa lâu ngày không khỏi. Ban đầu, các bác sỹ đã chẩn đoán cậu bé mắc bệnh chàm.
|
Những con rận mu bám trên mi mắt cậu bé 6 tuổi qua kính soi da. |
Nhưng khi dùng kính soi da dermoscope soi kỹ trên mi mắt cậu bé, các bác sĩ không khỏi ngạc nhiên và rùng mình khi nhìn thấy hàng trăm con rận mu và trứng màu vàng của chúng bao quanh mắt. Lập tức các bác sĩ cho cậu bé dùng loại kem diệt rận mu, bôi 4 lần mỗi ngày thì các triệu chứng ngứa rát và đỏ mới bắt đầu giảm.
Tờ New England Journal of Medicine đăng tải ý kiến của chuyên gia cho biết lông mi của trẻ em thường là nơi lý tưởng cho rận mu sinh sống nếu không được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
Đây không phải là trường hợp hiếm hoi rận mu bám trên mi mắt. Tháng 7/2015 một người phụ nữ tên Zhang ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã đến bệnh viện Haida, Sơn Đông, Trung Quốc trong tình trạng mí mắt trái bị sưng tấy, chảy mủ.
Ban đầu, bà Zhang chỉ nghĩ mình bị đau mắt bình thường nhưng sau đó người con trai của bà đã phát hiện “những sinh vật nhỏ chuyển động” trên mí mắt của bà.
Thông qua quá trình thăm khám và soi các bác sĩ gắp được 20 con rận mu ký sinh trên mí mắt của bà.
Mới đây, một người đàn ông 56 tuổi ở Nice, Pháp cũng đã phải cầu cứu bác sĩ sau khi phải chịu đựng cơn ngứa khủng khiếp do vô số con rận mu ký sinh ở vùng lông bụng và xương chậu của ông suốt 3 tháng.
Rận mu có tên khoa học học là Pthirus pubis là loại côn trùng ký sinh hút máu sinh sống trên cơ thể người. Chúng thường ký sinh ở các khu vực như lông như lông mu, lông mi, lông nách, tóc… Triệu chứng thường gặp khi bị rận mu tấn công là ngứa dữ dội, khiến nạn nhân phải gãi liên tục, gây nhiễm trùng da…
Loài rận hút máu người này thường lây lan qua đường tình dục, tiếp xúc gần và sống chung với người bệnh. Thông thường loài rận ký sinh này rất khó bị phát hiện vì chúng bám sâu dưới nang lông, do vậy các bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm là bệnh chàm hoặc viêm kết mạc do dị ứng.
Loài ký sinh trùng này đẻ trứng trên thân tóc hoặc lông. Trứng sẽ nở thành ấu trùng sau 10 ngày, sau đó chúng bắt đầu hút máu người để sống. Các vật dụng dùng chung như chăn, khắn tắm, giường, quần áo thường là nơi trú ẩn của rận mu và giúp chúng lây lan sang người khác.
Rận mu trưởng thành có kích thước từ 1,3 - 2mm, không có cánh, thân trắng và sở hữu khả năng đổi màu giống màu da người. Ít ai biết rằng, loài côn trùng này đã xuất hiện trên Trái đất từ cách đây 3,3 triệu năm và từng tàn phá cả châu Âu chỉ với kích thước nhỏ bé của mình.
Bệnh rận mu thường được chẩn đoán bằng cách kiểm tra kỹ lông mu để kiếm trứng, ấu trùng hay rận trưởng thành. Rận và trứng có thể được gắp ra bằng kẹp hoặc dùng kéo cắt vùng lông/tóc bị nhiễm rận (ngoại lệ không thể dùng phương pháp này nếu rận sống ở lông mi). Có thể dùng kính lúp hoặc kính hiển vi để xác định chính xác. Nếu một trong những thành viên trong gia đình bị nhiễm bệnh, toàn bộ gia đình cần phải được kiểm tra và chỉ có những người đang bị nhiễm những con rận còn sống mới cần được điều trị. Khuyến cáo bệnh nhân cũng nên kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.