Cụ ông N.L (93 tuổi, Nha Trang) nhập viện trong tình trạng đau chói háng trái và bất lực vận động khớp háng do trượt chân ngã đập háng trái xuống nền cứng. Trước đó, năm 2017 cụ ông đã được thay khớp háng trái bán phần có ximăng.
Sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang... các bác sỹ Khoa phẫu thuật khớp chẩn đoán bệnh nhân bị gãy kín 1/3 xương đùi trái, bệnh nhân cũng đã thay khớp háng trái nhân tạo 7 năm. Vì vậy, các bác sỹ đã hội chẩn với ê kíp gây mê để chỉ định phẫu thuật thay khớp háng cho các bệnh nhân.
|
Ảnh minh họa |
Bệnh nhân được các bác sỹ tháo khớp háng nhân tạo và ximăng, thay lại khớp háng chuôi dài bán phần không ximăng. Quá trình phẫu thuật diễn ra khó khăn do bệnh nhân chảy máu nhiều và bệnh nhân tuổi cao, sức yếu.
Bác sỹ Nguyễn Quốc Dũng - Khoa Phẫu thuật khớp, chia sẻ: “Do người cao tuổi thường bị loãng xương nên xương dễ gãy dù chấn thương nhẹ, kèm các bệnh lý huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… tạo nên thách thức lớn với bác sỹ trong phẫu thuật. Về mặt kỹ thuật, nếu bác sỹ phẫu thuật thay khớp háng không khéo sẽ khiến bệnh nhân đau đớn và không đi lại được. Bên cạnh đó, việc thay khớp háng ở người lớn tuổi gần 100 tuổi, vấn đề gây mê hồi sức cũng rất được quan tâm vì có thể xảy ra nguy cơ trên bàn mổ bất cứ lúc nào…”
Hiện tại, cụ ông tiếp xúc tốt, ngồi đọc báo bình thường, tinh thần phấn khởi và có thể chống nạng đứng dậy tại chỗ.
Y văn trước đây rất ít mổ cho những bệnh nhân trên 80 tuổi vì khả năng rủi ro cao, đến 90% bị chết vì tai biến do các bệnh nội khoa. Nhưng ngày nay, y học phát triển, đặc biệt là quy trình mổ được xây dựng nghiêm ngặt nên các bác sỹ có thể mổ và tỷ lệ thành công khá cao.
Theo các chuyên gia y tế, do đặc điểm giải phẫu của cấp máu vùng cổ xương đùi nên khi gãy các mạch máu nuôi vùng cổ và chỏm xương đùi bị tổn thương, dẫn tới mất khả năng cấp máu nuôi dưỡng, nguy cơ không liền xương hoặc tiêu chỏm xương đùi gần như chắc chắn xảy ra. Vì thế người bệnh khó có khả năng đi lại như trước khi gãy và kéo theo một loạt các hệ lụy do phải nằm tại chỗ, bất động như: khó xoay trở, thay đổi tư thế người bệnh trên giường; đau đớn kéo dài do các đầu xương gãy chạm vào nhau.
Việc nằm lâu sẽ khiến các cơ quan như đại tràng, bàng quang không hoạt động sinh lý, dẫn đến đại tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu; loét ở những vùng tì đè, ứ trệ đờm dãi, phản xạ ho kém do nằm lâu, đau đớn sẽ gây ra viêm phổi do bội nhiễm, viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới do người bệnh không hoặc ít vận động…
Phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn; có thể ngồi dậy sớm ngay ngày đầu sau mổ. Theo các bác sĩ, thực tế và kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, mặc dù phẫu thuật thay khớp háng ở người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam đều có tỷ lệ rủi ro và tử vong nhất định, nhưng với những trường hợp thể trạng người bệnh cho phép, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị gây mê và phẫu thuật, thay khớp háng vẫn còn khả năng mang lại hy vọng cho người bệnh.