Nhiều lần được xem cảnh đội tang lễ đánh “phá quàn” xua đuổi tà ma, phun lửa lúc động quan, Tr. tỏ ra rất thích thú. Sau đó, cậu ta về nhà bắt chước. Trong một lần cha mẹ vắng nhà, Tr. ngậm xăng trong miệng rồi dùng lá dừa châm lửa giơ lên để phun xăng ra. Kết quả, cậu bé này phải cấp cứu vì bỏng nặng.
Nhập viện vì bắt chước trò nguy hiểm
Thông tin về một cháu bé tại Vĩnh Long bỏng nặng vì ngậm xăng phun lửa, do học theo một tục trong đám hiếu đang khiến dư luận xôn xao. Đặc biệt trên các diễn đàn mạng, không ít tài khoản chia sẻ thông tin này để cảnh báo những đứa trẻ tò mò khi xem tục “phá quàn”.
Ngày 18/5, anh Nguyễn Văn Rịa (SN 1983, ngụ ấp Mương Điều, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) thông tin với báo ĐS&PL, hiện con trai út của anh là Nguyễn Văn Tr. (SN 2009, học sinh lớp 2) vẫn đang điều trị bỏng tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Tr. phải nhập viện vì ngậm xăng phun lửa. Bé Tr. được xác định bị bỏng độ 3, khoảng 15% bao gồm toàn bộ vùng mặt, đầu và hai tay. Ê - kíp cấp cứu đã tiến hành xử lý vết bỏng, truyền dịch bù nước, tiêm kháng sinh, giảm đau cho Tr..
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Mót (70 tuổi, bà nội Tr.) cho biết: “Ba ngày trước, cháu tôi ở nhà một mình. Nó tự lấy lá dừa châm lửa giơ lên miệng phun xăng. Sở dĩ Tr. làm như vậy là bắt chước đội tang lễ đánh “phá quàn” phun lửa xua đuổi tà ma lúc động quan mà cháu từng được xem gần hai tháng trước”.
Cũng theo bà Mót, trước đó vài ngày, Tr. hay đóng giả quỷ dữ xua đuổi tà ma phun nước thì bị gia đình la mắng. Nào ngờ, khi ở nhà một mình, cậu bé đã lén lấy xăng trong can nhựa để ở góc nhà rồi tự tập phun lửa và gặp nạn. Bà Hồ Thị Yêm (SN 1959, hàng xóm nhà bé Tr.) – người chứng kiến vụ việc nhớ lại: “Lúc đó khoảng 16h, tôi đang nằm nghỉ ở nhà thì nghe tiếng kêu cứu thất thanh phát ra từ nhà láng giềng.
Lập tức, tôi chạy sang thì tá hỏa phát hiện cháu Tr. đang nhảy vào trong lu chứa nước để dập lửa, miệng hét lớn: “Cứu con với bà ơi, con bị bỏng, người nóng quá, mau chở con đi bệnh viện cấp cứu...”. Ngay sau đó, tôi tri hô và cùng mọi người đưa cháu đến bệnh viện”.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Võ Minh Em – Trưởng ấp Mương Điều (xã Tích Thiện) cho rằng, sự việc xảy ra, cháu Tr. phải nhập viện cấp cứu khiến địa phương rất lấy làm tiếc.
Hộ gia đình của cháu Tr. thuộc diện nghèo tại địa phương, không có đất sản xuất. Cha mẹ cháu chủ yếu làm thuê để kiếm sống, nuôi con ăn học. Tr. đang học lớp 2, còn chị gái đang học lớp 5 tại một trường tiểu học gần nhà. Từ vụ việc hi hữu này, các gia đình cần cẩn trọng hơn, nhất là khi cho các cháu xem các trò diễn xiếc nguy hiểm, hay phim siêu nhân,... Bởi tính hiếu động nên các cháu dễ làm theo, gây hậu quả khó lường.
Bác sỹ Nguyễn Quang Tiến, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ phản ánh, các bác sỹ vẫn theo dõi sát sao sức khỏe của bé Tr.. Đến chiều 16/5, sức khỏe của bệnh nhi đã cải thiện đáng kể, không còn sốt, các vết bỏng thấm dịch.
|
Một cảnh "phá quàn" tại một đám tang. |
May mắn là cháu bé không bị bỏng ở trong miệng nên hiện đã có thể ăn cháo loãng, uống sữa. Tuy nhiên tình trạng sức khỏe vẫn rất phức tạp.
Theo vị bác sỹ này, các trường hợp bị bỏng thì nhiều nhưng nguyên nhân bắt chước tục “phá quàn” trong đám ma là chưa gặp bao giờ. Theo tìm hiểu của PV, tại tỉnh Kiên Giang, em Lê Quang L. (SN 2004, ngụ huyện Tân Hiệp) cũng nhập viện cấp cứu vì bắt chước trò diễn xiếc nguy hiểm.
Theo chị Nguyễn Thị Vân (SN 1979, mẹ của em L.), trước đó, vào ngày 17/5, sau khi xem trên trang mạng cảnh diễn viên xiếc biểu diễn môn nhào lộn trên cao, L. lén ra vườn bắt chước làm thử. Ban đầu chỉ bật người dưới đất, nhưng không hiểu sao, L. lại trèo lên cây rồi tự nhào lộn xuống, hậu quả là em gãy cánh tay trái.
Không có chuyên môn thì không nên “diễn”
Theo anh Nguyễn Văn Long (SN 1970, ngụ TP.Vĩnh Long), một người nhiều năm làm trong đội mai táng ở tỉnh Vĩnh Long, thì kiểu cách đánh, bài bản biến tấu của mỗi địa phương đều khác nhau.
Có nơi, theo như anh Long biết thì chỉ cần một người cầm rọi lửa (cán làm bằng gỗ, đầu cột với vải tẩm dầu hỏa để đốt lửa) đánh từ ngoài sân tiến vào khu vực để quan tài. Đó là cách làm đơn giản và không chuyên nghiệp.
“Còn như ở Vĩnh Long bây giờ, đánh “phá quàn” gần như trở thành tâm điểm của đám tang. Các thành viên trong đội mai táng sẽ “diễn” nhiều màn đánh võ, thi triển võ thuật và cao điểm là lúc “Tôn Ngộ Không” diệt trừ quỷ dữ tới cướp quan tài.
Để làm được những điều này và có “sô” diễn thì các thành viên trong đội phải tập luyện nghiêm túc, tập “tuồng” bài bản, kết hợp với những đòn võ đẹp mắt để thu hút người xem”, anh Long chia sẻ.
Anh Long cho biết, do mỗi lần đánh phá quàn chỉ được 200.000 đồng tiền bồi dưỡng của chủ nhà nên sau này, họ phải “diễn” thật hay để kiếm tiền thưởng của người xem. Chính vì vậy, họ phải nghĩ ra các chiêu làm xiếc như phun lửa để mọi người thích thú và “boa tiền”.
Người này cũng nói thêm, để thuyết phục người xem, anh em trong đội phải tập luyện nghiêm túc. Nhất là các màn “phun lửa” phải tập luyện rất lâu, chuyện bị bỏng nặng cũng không thể nào tránh khỏi. Họ phải ngậm dầu lửa trong miệng và phun ra đầu ngọn đuốc để tạo thành vệt lửa lớn.
Chỉ có thể ngậm dầu để phun, diễn thôi, nếu là thứ khác như xăng thì sẽ gây tai nạn. “Trước mỗi “sô” diễn, chúng tôi đều nói rõ, yêu cầu người xem, nhất là các em nhỏ không tự ý làm theo bất cứ động tác nào vì sẽ rất nguy hiểm. Không ngờ, cháu bé lại học theo và gặp tai nạn vì trò “giả quỷ” đánh “phá quàn” này”, anh Long nói.
Mời quý độc giả xem video Cậu bé bị ô tô đè qua người (nguồn Youtube):