Có những chị em sợ chồng như sợ cọp nên mất hết cả sự minh mẫn cần có, khiến cho cuộc đời của họ bị chồng kéo lê trên đường đời bất hạnh.
Nuốt nước mắt, chấp nhận chung chồng
Việc chia sẻ hạnh phúc gia đình là điều không thể của bất người phụ nữ nào. Nhưng với bà Nguyễn Thị Th. (SN 1965), trú tại phường Trang Hạ, Từ Sơn, Bắc Ninh thì ngược lại. Bi kịch hôn nhân này đã diễn ra hàng chục năm nay với người đàn bà bất hạnh đến tột cùng này.
Có lẽ rất may mắn khi chúng tôi đến gặp vào đúng ngày mà bà Th. được nghỉ làm và đang ở nhà một mình. Khi được hỏi về hoàn cảnh, số phận của mình, mới đầu bà Th. chỉ cúi mặt, lắc đầu không nói. Từ những lời hỏi han, động viên của chúng tôi bà Th. mới mở lòng chia sẻ về những cay đắng mà mình gặp phải. Câu đầu tiên bà Th. nói đến để bắt đầu cho câu chuyện là: “Chỉ tại tôi không sinh được con trai”.
Như lời bà kể thì bà cũng từng là một người phụ nữ đẹp nhưng cuộc sống hôn nhân của bà đúng như người ta nói “hồng nhan lắm nỗi truân chuyên”. Vốn đã “qua một lần đò” vì cuộc hôn nhân thứ nhất gặp nhiều trắc trở. Một thời gian dài sống thân một mình, thì bà mới dám nghĩ đến hạnh phúc khi gặp người chồng thứ hai cũng có cùng hoàn cảnh là cũng ly hôn. Cả hai thông thông cảm chia sẻ với nhau nên đã về sống chung dưới một mái nhà.
|
Chuyên gia tâm lý đang tư vấn cho những phụ nữ gặp cảnh đời bất hạnh. |
Hai vợ chồng bà Th. chăm chỉ làm ăn, kinh tế cũng khấm khá. Rồi lần lượt ba đứa con chào đời, nhưng hiềm một nỗi là cả ba đều là con gái. Chồng bà lại là một người gia trưởng nên muốn có một đứa con trai để nối dõi tông đường. Tất cả tấn bi kịch với cuộc hôn nhân thứ hai của bà Th. bắt đầu từ đây. Vì không sinh được con trai cho gia đình nhà chồng chồng nên chồng bà đã quay ra hắt hủi vợ. Nghĩ mình sinh con một bề là... có tội, bà đành cắn răng chịu đựng người chồng gia trưởng đó. Nhưng càng ngày càng ông chồng càng quá đáng, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mỗi khi cay cú vợ. Không muốn đánh mất gia đình, vì những đứa con còn nhỏ dại, bà gắng gượng nhẫn nhịn.
Gã chồng ngày một giở thói vũ phu nhiều hơn. Người ta thường thấy bà thâm tím mặt mày, vì xấu hổ bị chồng đánh nên nhiều lúc ra đường bà Th. phải bịt khăn đội nón sùm sụp để che đi những vết thương từ đòn roi của chồng. Rồi để kiếm cho bằng được thằng con trai, chồng bà bắt đầu đi lăng nhăng bên ngoài. Mọi chuyện được giấu kín đến khi bồ ông ta sinh được một cậu con trai như ý muốn.
Nhưng dường như những gì mà bà Th. chịu đựng vẫn chưa phải là đã hết. Ngoài nỗi đau thể xác bà còn phải chịu đựng sự hành hạ về tinh thần khi sống cảnh “chồng chung” hàng chục năm nay. Tiếng là vợ nhưng ông ta không sống với bà mà ngang nhiên chung sống với cô bồ, bỏ mặc mẹ con bà.
Lúc này thì tấn bi kịch thực sự đổ lên đầu mấy mẹ con của bà. Ông ta ôm tất cả số tiền được đền bù dự án trên phần ruộng của hai vợ chồng, cùng số tài sản mà hai vợ chồng làm lụng tích cóp được chuyển đến sống với bồ. Bỏ mặc bà Th. phải làm thuê mướn nuôi con riêng của chồng cùng mấy đứa con của mình. Không những thế thỉnh thoảng ông ta quay về đánh đập dã man bà để đuổi mấy mẹ con ra đi độc chiếm căn chiếm căn nhà.
Nhiều người xui bà đi kiện ông ta vì vi phạm pháp luật quy định một vợ một chồng nhưng bà mặc kệ. Bà biết nếu kiện ông ta thì mẹ con bà chẳng có đường mà sống nữa nên chỉ đành trốn chạy, những lúc nhìn thấy chồng trở về nhà giở thói vũ phu, trốn không kịp thì giương mình chịu trận. Cũng vì bị đánh đập nhiều mà cho tới giờ bà bị ảnh hưởng tới thần kinh, rối loạn tiền đình mỗi khi trái nắng trở trời, đau ốm không lao động được.
Theo chị Trần Thị Ngọc (hàng xóm của bà Th.) thở dài kể: “Thấy cảnh bà Th. phải chịu những tủi nhục như vậy mọi người cũng lấy làm bất bình lắm. Không ít lần bà con lối xóm đã khuyên can nhưng ông chồng bà Th. còn thách thức, quát mắng nên không ai dám can thiệp vào. Có lần, ông ta còn khóa cửa toàn bộ căn nhà lại, ngắt hết nguồn điện chỉ cho mấy mẹ con ở căn nhà bếp... Chuyện hành hạ vợ con như vậy chẳng khác nào cơm bữa”.
Trao đổi với PV báo HN&PL, một đại diện chính quyền cho biết, đã nhiều lần các cơ quan đoàn thể đã phải vào cuộc để hòa giải, xử lý những hành vi bạo lực của chồng bà Th. "Tuy nhiên được một thời gian thì chúng tôi lại nhận được những thông tin bà Th. bị chồng bạo hành. Chúng tôi cũng chỉ có thể can thiệp phần nào thôi, khi nào bà Th. tố cáo hoặc việc bạo hành gây thương tích thì cơ quan chức năng mới vào cuộc được. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã gọi chồng bà Th. để khuyên giải những hành vi sai trái của ông này. Hy vọng, ông ta sớm nhận ra sai lầm mà quay về với vợ con xây dựng lại cuộc sống gia đình", vị cán bộ này cho hay
Cay đắng vì bị chồng và bồ "xỏ mũi"
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Hằng, 26 tuổi (Tây Hồ, HN) khi nhớ tới quãng ngày bị chồng và nhân tình của chồng dối trá, chị vẫn không khỏi rùng mình.
Cưới nhau mới 1,5 năm nhưng Hằng hiện giờ đã phải bồng con về ngoại ở vì không chịu nổi sự phản bội trắng trợn của chồng. Yêu nhau 9 tháng nồng say, chồng giục cưới mãi Hằng mới chịu lên xe hoa. Vậy mà phải một năm sau cuộc hôn nhân của mình, Hằng mới biết bị chồng và nhân tình xỏ mũi ngay trước mặt từ khi 2 người sắp làm đám cưới.
Hằng cay đắng kể: “Trước ngày cưới của em một tuần, vì 2 vợ chồng đã đăng ký kết hôn, chồng lại có nhà riêng nên hai đứa em sống như vợ chồng em. Thế nhưng ngày ấy, em và cũng chồng cũng ngủ chung một giường mấy đêm liền với em nhân tình của chồng đấy. Lúc ấy, nhân tình của chồng mới đi nạo phá thai nên không dám về nhà. Chồng em cũng ngon ngọt bảo với vợ rằng, em ấy là em thằng bạn thân nên có ý cho nó ở nhờ nhà em vài hôm. Anh không muốn để em ấy về nhà bây giờ vì mẹ em ấy lại biết sẽ buồn lòng. Sau đó, chồng còn bảo vợ gọi điện cho mẹ của em ấy, xin phép cho em ấy ở nhà 2 vợ chồng chơi vài hôm".
Tất nhiên, vì chẳng nghi ngờ gì nên Hằng răm rắp làm theo. Ngày cưới Hằng, em ấy còn cùng vợ chồng Hằng đi make-up, chụp ảnh cưới. Thậm chí, lúc chờ Hằng make-up, chồng Hằng và em ấy còn đi ra ngoài chút việc. "Thế mà khi ấy, em vẫn tin, chẳng mảy may nghi ngờ gì. Mãi sau em mới biết, hôm ấy 2 người đó tranh thủ đưa nhau vào nhà nghỉ hú hí với nhau cũng nên”.
Bi kịch của những người phụ nữ khi bị chồng “xỏ mũi”
Theo như Hằng kể, ban đầu cô chẳng hoài nghi chút nào. Bởi sau khi vợ chồng Hằng cưới xong, em ấy vẫn thường xuyên liên lạc với cả 2 vợ chồng Hằng. Có thời điểm, em còn dẫn một người đàn ông khác đến nhà Hằng chơi bảo là người yêu. Những lúc như thế, dù bận, Hằng vẫn tất bật làm các món ngon tiếp đãi khách.
Cho đến một ngày, chồng Hằng thông báo đi công tác đột xuất trong thành phố Hồ Chí Minh 2 tuần. Hằng vẫn không nghi ngờ gì mà ngược lại chuẩn bị sắp xếp quần áo cho chồng đi. Nhưng chồng vừa đi được 2 ngày, một hôm tranh thủ đi làm về sớm, Hằng đi mua sắm thì bất ngờ bắt gặp chồng đèo em ấy tay nắm tay rất tình cảm.
Chưa kịp gọi điện tra hỏi chồng thì trong điện thoại của Hằng tối ấy cũng bị một kẻ lạ mặt nhắn tin. Kẻ lạ mặt này nhắn chửi rủa Hằng đủ điều vì chiều nay đã "thả rông" chồng ngủ với bạn gái anh ta.
Chắp nối lại các sự việc, Hằng cay đắng nhận ra, một năm nay Hằng đã bị chồng và nhân tình chơi trò mèo vờn chuột mà không biết. Không còn giữ được bình tĩnh, Hằng làm ầm mọi chuyện lên với cả hai bên nội ngoại và mang đoạn tin nhắn trong điện thoại kia ra làm bằng chứng để vạch mặt chồng.
Chồng Hằng đến nước này quỳ xuống xin Hằng tha thứ. Nhưng tâm hồn Hằng đã bị tổn thương nên người phụ nữ trẻ này không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân phản bội này nữa. Hằng đã bế con về nhà mẹ đẻ ngay trong ngày hôm đó.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn TNCSHCM), có một thực tế, người con gái khi đi lấy chồng thường được bà, mẹ dặn “một điều nhịn, chín điều lành”, rằng “cơm sôi thì bớt lửa”. Bản chất của những “sự nhịn” này giúp ta sống khoan dung, độ lượng trong cuộc sống nhờ đó có thể hóa giải xung đột. Thế nhưng, truyền thống của người Việt Nam lại thường gắn đức tính đó cho phụ nữ, như là đặc quyền và trách nhiệm của riêng họ.
Bởi vậy tâm lý chung của các bà vợ là luôn “nhịn” để sống. Có nhiều người còn biết rõ chồng ngoại tình nhưng vẫn cam chịu, chấp nhận nhìn chồng đi bên người phụ nữ khác, không một câu oán thán. Họ chấp nhận làm kiếp chung chồng như vậy để cho gia đình hòa thuận, con cái được yên vui. Đây là lý do mà các bà vợ thường đưa ra khi chấp nhận những cảnh ngang trái, những nỗi khổ đau mà chồng gây ra cho mình.
Thường người phụ nữ nào ở trong hoàn cảnh đó đều cho rằng, việc họ chấp nhận những sai trái của chồng là “vì con”, vì “để yên cửa yên nhà”. Thế nhưng, sâu xa là vì những người vợ này mắc phải chứng bệnh sợ chồng một cách phi lý. Sợ chồng như ăn vào máu, như là nỗi sợ truyền kiếp của họ. Họ không dám đấu tranh, không dám vùng lên, không dám vì bản thân, vì quyền lợi của mình.
Phụ nữ và trẻ em cần được coi trọng và bảo vệ trong xã hội
Lý giải về nỗi sợ chồng này ở phụ nữ, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, sở dĩ tâm lý chung của phụ nữ là sợ chồng là bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại dai dẳng cho đến tận bây giờ.
Phụ nữ bị “trói buộc” bởi nhiều dây xích từ quan niệm của xã hội như “chồng là nóc nhà”, “chết làm ma nhà chồng”, “xấu chàng hổ ai”, “là phụ nữ thì phải chịu thiệt đi một tí, nhịn đi một tí”, “vợ có làm sao thì chồng mới đi cặp bồ”, “vợ có làm sao thì mới bị chồng đánh”, “có con gái như quả bom nổ chậm trong nhà”, “gái ế”…
Chính bởi những quan niệm phân biệt đối xử như thế, nên phụ nữ bị buộc chặt vào một người đàn ông được gọi là chồng – cho dù người đó cư xử với mình thế nào vẫn cứ phải cắn răng mà chịu đựng.
TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam
Khi nhận thấy chồng cạn tình, cạn nghĩa thì chị em không nên nhẫn nhục chịu đựng. Bởi như vậy phụ nữ sẽ tự giam mình vào địa ngục và tước mất những cơ hội mà mình có thể được người khác yêu thương và mang lại hạnh phúc cho mình. Chị em hãy tự mình bứt phá, cho dù sự bứt phá đó là vô cùng khó khăn.
Để bứt phá và giải phóng mình ra khỏi sự áp bức từ chồng, trước hết phụ nữ cần phải biết yêu thương bản thân mình. Bởi nếu không yêu thương bản thân thì sẽ không có cách lựa chọn đúng. Không yêu thương bản thân thì phụ nữ sẽ không chặt được những dây xích trói buộc mình bấy lâu. Hãy thôi hy sinh khi người đồng hành trong gia đình không còn yêu thương mình, không còn tôn trọng mình, hà hiếp, chà đạp lên nhân phẩm của mình.
Còn chuyên gia tâm lý Linh Anh, Trung tâm tư vấn tâm lý Tâm An lại cho rằng: Về mặt xã hội, để giúp phụ nữ thoát khỏi những chiếc dây xích trói buộc họ, nhà nước nên quan tâm đến phụ nữ như một đối tượng yếu thế cần phải được bảo vệ. Ở nhiều nước phát triển như Mỹ chẳng hạn, phụ nữ và trẻ em được coi là những đối tượng yếu thế trong xã hội. Hệ thống luật pháp của họ rất coi trọng công tác bảo vệ những đối tượng yếu thế này. Họ có hệ thống nhà tạm lánh, nơi để cách ly vợ chồng khi bạo lực xảy ra. Luật được thực thi rất nghiêm minh. Khi được pháp luật, được xã hội bảo vệ, phụ nữ sẽ có được sức mạnh tinh thần để tự mình bứt phá khỏi những sợi dây ràng buộc vốn nặng nghĩa nặng tình của họ.