Ông Nguyễn Văn Thành, 56 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội vốn có tiền sử khoẻ mạnh. Trước khi vào viện vài tháng, ông thấy cân nặng sụt nhanh, ăn ít ngon miệng. Ban đầu, ông thấy khó nuốt, sau hay nghẹn khi ăn, ngay cả khi ăn đồ mềm.
Khi đến Bệnh viện K kiểm tra, bác sĩ kết luận ông mắc ung thư thực quản giai đoạn 3 có di căn. Do khối u lớn chưa thể phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ định điều trị tia xạ, hoá chất trước khi mổ.
ThS.BS Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa Ngoại bụng 2, Bệnh viện K cho biết, với các bệnh nhân ung thư thực quản thông thường, bác sĩ có thể lấy đại tràng làm thực quản. Tuy nhiên bệnh nhân nói trên đã di căn vào dạ dày, trước khi xạ trị đã được mở thông dạ dày để nuôi dưỡng nên dạ dày co ngắn lại.
Do đó, nếu muốn phẫu thuật, bác sĩ sẽ phải cắt cùng lúc cả thực quản và dạ dày, sau đó lấy đại tràng (ruột già) để tạo hình, thay thế. Đây là kĩ thuật chưa từng được thực hiện tại Bệnh viện K.
Bác sĩ tái khám lại cho bệnh nhân trước khi xuất viện
“Phẫu thuật thực quản thông thường đã khó, giờ mổ bằng phương pháp tạo hình đại tràng khó và phức tạp hơn nhiều”, BS Tú chia sẻ.
Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt thực quản cùng toàn bộ dày dày kèm theo vét hạch rộng rãi, sau đó giải phóng đại tràng trái đưa lên để nối với thực quản cổ, do vậy sẽ phải thực hiện nhiều miệng nối tiêu hoá, thời gian phẫu thuật dài hơn, nguy cơ biến chứng lớn hơn.
Tuy nhiên, ưu điểm của tạo hình bằng đại tràng là đại tràng sẽ được đưa lên rất thoải mái, nếu ca mổ thành công, bệnh nhân sẽ hồi phục tốt, ăn uống không gặp trở ngại như bị đầy bụng hay ợ hơi; thuận tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày và quá trình điều trị hóa chất kế tiếp.
Ngày 11/8, BS Tú cùng ekip phẫu thuật cho bệnh nhân. Ca mổ thành công sau 4 giờ căng thẳng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, không gặp biến chứng viêm phổi.
“Giờ tôi có thể ăn uống thoải mái rồi, không bị nghẹn, bị đầy bụng nữa. Bác sĩ bảo 2 tuần nữa tôi có thể quay lại bệnh viện tiếp tục điều trị hoá chất”, ông Thành chia sẻ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, lạm dụng rượu, bia và thuốc lá là những tác nhân hàng đầu gây ung thư thực quản, làm tăng nguy cơ gấp 8-10 lần so với người bình thường. Nếu vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu mạnh, sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
Các biểu hiện của bệnh ung thư thực quản
- Nuốt nghẹn: Là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân ung thư thực quản. Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt với thức ăn rắn nhưng không cảm thấy đau. Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau, ngay cả khi ăn thức ăn lỏng, mềm, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau và khó thực hiện.
- Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở mùi hôi khó chịu, ợ hơi, sặc khi ăn uống.
- Sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần là suy kiệt do không ăn và nuốt được.
- Thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.
- Có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu.
- Thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn. - Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng...
Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh như nuốt nghẹn, khó nuốt là chưa đủ để kết luận mắc ung thư thực quản.
Việc chẩn đoán ung thư thực quản cần phải dựa thêm vào chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác.
Để chẩn đoán chính xác ung thư thực quản, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết để có thể nhìn thấy hình ảnh bất thường về hình dạng của thực quản cũng như các tổ chức ung thư hoặc các bất thường của tổ chức dẫn đến ung thư hoặc các tổn thương khác.