Tình trạng viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ tăng nhanh chóng mặt như đã đề cập ở trên khiến cho cả phụ huynh và các thày thuốc đều “chóng mặt”.
Mưa bão, nắng nóng thất thường là nguyên nhân gia tăng bệnh
Nguyên nhân của thực trạng này được cho là do thời tiết tuần qua có nhiều thay đổi, mưa bão thường xuyên, thời tiết thay đổi khiến cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển và không ngừng lây lan. Những ca thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm, cảm lạnh. Tuy nhiên có nhiều trường hợp, bệnh nhi đến viện trong tình trạng biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây nguy hiểm.
Thống kê số bệnh nhân đến khám trong tuần qua tại một số bệnh viện trọng điểm như sau: Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.000 ca, đáng chú ý là số bệnh nhân chuyển nặng phải thở máy, thở oxy tăng gần 220 bệnh nhân; tỷ lệ bệnh nhân tới khám tại khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai cũng tăng từ 20 – 25%; bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có khoảng 300 – 400 bệnh nhi tới khám mỗi ngày (tăng khoảng 20%), với khoảng 200 bệnh nhi hiện đang nằm điều trị tại viện….
Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ có nguy hiểm?
|
Bệnh viêm đường hô hấp gồm viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới |
Viêm đường hô hấp là một loại bệnh thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa đông và mùa hanh khô, khi thời tiết thay đổi. Bệnh này thường xảy ra với trẻ nhỏ, do hệ thống miễn dịch cơ thể của các bé còn yếu. Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, viêm đường hô hấp dễ bị tái lại và có thể gây hậu quả xấu.
Tuỳ vào vị trí tổn thương, viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại. Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi - họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.
Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang. Với bệnh này, trẻ thường bắt đầu với các triệu chứng như: ho, sốt, chảy mũi, ngạt mũi, đau rát họng, hàn tiếng…
Viêm đường hô hấp trên đa phần sẽ tự khỏi sau 5, 6 ngày đến khỏi hẳn sau 2 tuần. Mặc dù các bệnh này có mức độ lâm sàng trung bình nhưng lại khiến trẻ mệt mỏi, gián đoạn vui chơi, học tập. Bệnh có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi và gây nhiều biến thể nghiêm trọng, đặc biệt là tử vong do đồng nhiễm với viêm đường hô hấp dưới, hay là biến chứng viêm đường hô hấp dưới nếu viêm đường hô hấp trên không được xử trí đúng và kịp thời. Do đó, với một bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông lại rất dễ đưa đến viêm phổi ở trẻ em. Ngoài những biến chứng này thì viêm đường hô hấp trên thể nặng, thể do vi khuẩn dễ gây ra những biến chứng cơ thể khác như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp.
Làm sao để hạn chế bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ?
Dự phòng là phương pháp phòng tránh hữu hiệu nhất đối với bệnh viêm đường hô hấp. Các bậc phụ huynh nên thường xuyên thực hiện các biện pháp sau để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cho con em mình:
• Thường xuyên rửa sạch tay cho trẻ bằng xà phòng sát khuẩn
• Mặc cho trẻ phù hợp với thời tiết, tránh môi trường nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh
• Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người và đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường
• Tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân
• Tránh các tác nhân gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ, như: khói, bụi, khói thuốc lá…
• Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để tăng cường sức đề kháng
• Có thể chích ngừa thêm cho trẻ một số loại vaccin cần thiết khác theo tư vấn của bác sĩ bên cạnh chương trình tiêm chủng quốc gia
• Khi trẻ bị viêm đường hô hấp, cần xác định rõ loại bệnh và dùng thuốc theo ý kiến của bác sĩ khi cần thiết. Nếu các triệu chứng bệnh không cải thiện và ngày càng xấu đi, trẻ cần được theo dõi và điều trị tích cực hoặc phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu thấy trẻ mệt hơn, thở nhanh hơn, khó thở hơn, bú kém hoặc không ăn uống được.
Mời độc giả xem video: Cách chữa bệnh chàm hiệu quả:
Nguồn video: Lâm Đồng TV.