Thông tin từ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết. Đây là ca tử vong thứ hai do bệnh này tại Hà Nội, trong vòng một tháng qua.
Cụ thể, bệnh nhân 57 tuổi, trú ở phố Nguyễn Thiện Thuật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân đã sốt 5 ngày, tự mua thuốc về điều trị.
Tại thời điểm nhập viện và phát hiện sốt xuất huyết, người bệnh đã suy gan thận. Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành lọc máu, hồi sức tích cực. Tuy nhiên bệnh nhân không qua khỏi do tình trạng quá nặng. Chẩn đoán khi tử vong: sốc nhiễm khuẩn/rối loạn đông máu-sốc Dengue/Ngộ độc paracetamol.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay, như vậy, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, Hà Nội đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, cả 2 trường hợp đều đến bệnh viện muộn với tình trạng nặng, đã suy đa tạng.
Hồi đầu tháng 8/2020, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nam bệnh nhân 17 tuổi (ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) mắc sốt xuất huyết, bị ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã có 2 lần hồi sức tim thành công và được áp dụng kỹ thuật ECMO - tim phổi nhân tạo), tuy nhiên sau đó không qua khỏi do tình trạng quá nặng.
|
Chỉ trong 1 tháng trở lại đây, Hà Nội đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Ảnh minh họa. |
Các chuyên gia Y tế cho biết: Biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là: sốt cao, đau mỏi người, đặc biệt là đau đầu, nhức hốc mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, từ khoảng ngày thứ 5 trở đi, bệnh nhân sẽ bắt đầu có dấu hiệu nặng như tụt huyết áp, xuất huyết, cô đặc máu, suy đa tạng, có thể dẫn đến tử vong.
Biểu hiện bệnh những ngày đầu của sốt xuất huyết Dengue thường giống với sốt virus thông thường nên người dân rất dễ chủ quan, chỉ uống thuốc hạ sốt tại nhà. Trong khi đó, đây là bệnh có diễn tiến rất nhanh, tới những ngày thứ 4, thứ 5 rất dễ chuyển nặng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.
Trong mùa dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân có biểu hiện sốt cao nên đến bệnh viện thăm khám, xét nghiệm sàng lọc ngay từ những ngày đầu tiên để điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.
Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà
Trước thực tế có 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội, các bác sĩ cảnh báo: Khi có triệu chứng của sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế tránh những biến chứng nguy hiểm, không tự ý điều trị bệnh tại nhà.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
|
Khi có triệu chứng của sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế tránh những biến chứng nguy hiểm, không tự ý điều trị bệnh tại nhà. Ảnh minh họa. |
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.
Mời độc giả theo dõi video "Singapore mở trại nuôi muỗi chống sốt xuất huyết". Nguồn: THDT.
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường trung gian là muỗi vằn, chính vì thế, biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ nhỏ hiệu quả nhất chính là:
Vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ.
Không nên trữ nước trong nhà.
Tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.
Phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ biến chứng rất cao, do vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu thì mỗi người hãy chủ động tìm hiểu về căn bệnh này và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.