Khi giáo dục con cái, nhiều người được khuyên rằng "không nên đánh con", "đánh đòn sẽ gây ra các vấn đề tâm lý cho trẻ", "chỉ có cha mẹ bất tài mới dùng đòn roi"… Mặc dù chúng ta không thể phủ nhận rằng, giáo dục đòn roi là phương pháp phản khoa học. Thế nhưng trên thực tế, có một số thói quen xấu của trẻ vượt qua giới hạn cho phép, việc đánh đòn lúc này có thể là điều nên làm.
Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư nổi tiếng ở Trung Quốc, bà Lý Mai Cẩn chia sẻ rằng, có những hành vi của trẻ bố mẹ cần nghiêm khắc trừng phạt, tuyệt đối không khoan nhượng, cần thiết nên sử dụng đòn roi để trẻ sửa đổi.
Giáo sư Lý Mai Cẩn còn đề cập rằng, hiện nay không khó để thấy nhiều thanh thiếu niên sa vào con đường phạm tội khi tuổi còn rất nhỏ. Những đứa trẻ này sống thiếu kỷ luật, thích gì làm nấy, không coi ai ra gì, không biết vâng lời bố mẹ, vô phép vô tắc.
Để "chặn đứng" hành vi sai trái của con cái, ngay từ nhỏ nếu bố mẹ thấy con mình có những biểu hiện sau này, nhất định phải kỷ luật thật nghiêm khắc.
4 thói quen xấu của trẻ nhất định cần trừng phạt thật nghiêm khắc
Khi nhận thấy con cái có những hành vi sau đây, bố mẹ không nên xuề xòa bỏ qua, cần phải trừng phạt thật nghiêm khắc nếu không sẽ hỏng cả tương lai đứa trẻ.
1. Trẻ dùng mọi cách để đe dọa bố mẹ đáp ứng nhu cầu của mình
Trên thực tế, trẻ nhỏ đã có thể hiểu được bố mẹ đang nghĩ gì, rất giỏi quan sát và tùy theo từng người chúng sẽ áp dụng những cách khác nhau, buộc người lớn phải đáp ứng nhu cầu của mình. Cách phổ biến nhất trẻ hay áp dụng chính là khóc lóc, ăn vạ, mất bình tĩnh để đe dọa bố mẹ.
Ví dụ, khi trẻ muốn mua món đồ nào đó, chúng trẻ khóc lóc, lăn ra đất, một số bố mẹ cảm thấy xấu hổ hoặc mềm lòng nên đáp ứng ngay lập tức. Kể từ đó, trẻ hiểu được nếu mình làm cách này, bố mẹ sẽ đáp ứng yêu cầu ngay. Bố mẹ cần phải tỏ thái độ kiên quyết nói không với thói quen này của trẻ.
Trong tình huống này, nếu trẻ khóc ở nhà, bố mẹ hãy cứ để cho trẻ khóc, miễn là ở bên cạnh để đảm bảo an toàn. Nếu trẻ khóc bên ngoài, bố mẹ hãy đưa trẻ đến một nơi khuất người, để trẻ khóc cho thỏa thích.
Sau một vài lần bố mẹ làm như vậy, trẻ sẽ hiểu rằng việc khóc lóc của mình là vô ích. Bố mẹ sẽ không vì đó đáp ứng những đòi hỏi vô lý. Trẻ sẽ rút kinh nghiệm và không đe dọa bố mẹ sau này nữa.
2. Trẻ ích kỷ, luôn tự cho mình là trung tâm và không biết chia sẻ với người khác
Đây cũng là một thói quen xấu của trẻ bố mẹ không thể bỏ qua. Trẻ con tuy là "báu vật" trong gia đình nhưng không thể tùy tiện chiều chuộng. Nếu được bố mẹ, ông bà chiều chuộng quá mức, trẻ sẽ tin rằng tất cả những gì tốt đẹp nhất đều thuộc về mình. Trẻ nghĩ mọi người cần phải tuân lệnh mình và không bao giờ biết chia sẻ.
Sau một thời gian, những đứa trẻ này thường không thích đi học. Nếu lớn lên vẫn giữ nguyên tính cách này, trẻ sẽ khó hòa đồng với mọi người và không hòa nhập được trong tập thể.
Bố mẹ cần phải kịp thời thay đổi tính ích kỷ của con cái. Khi có đồ ăn ngon, trẻ cần phải biết chia sẻ với người khác, để chúng hiểu rằng mình không phải là trung tâm của gia đình.
3. Trẻ không biết tôn trọng người khác, không có ý thức về những quy tắc
Có không ít những đứa trẻ không biết kính trọng người lớn tuổi, hay quát mắng bố mẹ. Khi đi ra ngoài, chúng cũng không tuân theo những quy tắc bắt buộc, chỉ cần bản thân vui là sẽ mặc kệ tất cả cảm xúc của mọi người.
Bố mẹ không nên bỏ qua cách cư xử này, nếu không khi lên trẻ dễ trở thành người bất hiếu, sống vô phép vô tắc, bị mọi người ghét bỏ.
Đối với những đứa trẻ này, bố mẹ cần dạy chúng phải biết tuân thủ các quy tắc nơi công cộng và phải biết tôn trọng người khác, có như thế mới được mọi người quý mến.
4. Trẻ tức giận thường xuyên ném đồ đạc
Khi trẻ được 2 tuổi, chúng sẽ bước vào thời kỳ nổi loạn đầu tiên. Mỗi khi không hài lòng điều gì đó, chúng sẽ làm một số hành vi nổi loạn như mất bình tĩnh, ném đồ đạc. Điều này được xem là rất bình thường khi trẻ ở độ tuổi nhỏ như vậy. Lúc này, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là ổn định cảm xúc cho trẻ, nói với chúng rằng làm như vậy là sai.
Trong trường hợp khác, trẻ đã lớn, biết ý thức được hành vi của mình, cứ mỗi khi không vừa ý chuyện gì đều đập phá đồ đạc, nhất định bố mẹ cần phải nghiêm khắc trừng phạt.
Trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, bố mẹ cần theo sát, kịp thời uốn nắn, sửa chữa những thói quen xấu của trẻ. Nếu không khi trẻ lớn lên, những hành vi xấu đã hình thành thói quen, rất khó để thay đổi.