Giao nộp hết lương nhưng vợ chỉ luôn nói một câu đau lòng

Google News

Cô ấy đem tôi, một tay phó phòng đi làm thuê đặt cạnh những người làm giám đốc doanh nghiệp, hay trưởng phòng của các cơ quan Nhà nước…

Chiều nay, tôi được nghỉ làm sớm nên tạt qua trường mầm non gần nhà đón con. Hai bố con đi chợ và cùng chuẩn bị một bữa cơm ấm cùng chờ bà xã về. Vợ vừa dắt xe vào cổng, tôi đã tất tưởi chạy lên gác, cầm phong bì tiền lương “giao nộp” nguyên đai nguyên kiện.
Tháng này, tôi cùng anh em trong phòng hoàn thành dự án vượt tiến độ nên được sếp thưởng cho mỗi người 2 triệu đồng, cộng với 20 triệu đồng tiền lương nữa là 22 triệu. Tôi hồ hởi khoe rồi đưa cho vợ nguyên cả xấp.
Giao nop het luong nhung vo chi luon noi mot cau dau long
Hình minh họa. 
Tôi tưởng sẽ được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt trái xoan xinh xắn của nàng. Ai ngờ, nàng cầm tiền rồi thở dài thườn thượt: “Bòn nhặt cả tháng cũng được hơn hai chục, chả bằng ông Tiến, chồng cái Xuân, một tháng ký vài hợp đồng đã được cả trăm củ (ý nói trăm triệu đồng). Thế này thì bao giờ mới giàu được?”. Câu nói của vợ chạm vào lòng tự ái, khiến tôi mất hết cả hứng. Lâu nay, tôi vẫn bị vợ đem ra so sánh như thế. Không biết, đến khi nào cô ấy mới hết so sánh tôi với chồng người khác?
Tôi lập gia đình cách đây 10 năm. Ngày ấy, ra trường với tấm bằng cử nhân công nghệ thông tin, tôi may mắn thi đỗ vào một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất nước. Túi tôi rỗng tuếch nhưng có lẽ vì sở hữu vẻ ngoài đẹp trai, hiền lành, tôi nhanh chóng tán đổ cô gái xinh đẹp của công ty đối tác chính là vợ tôi bây giờ.
Ngày còn yêu, chúng tôi bị bố mẹ hai bên ngăn cấm. Bố mẹ cô ấy thì cho rằng nhà tôi nghèo, không có của, con gái lấy về sẽ vất vả, còn bố mẹ tôi thì tự ti về hoàn cảnh gia đình, hai nhà lại cách xa nhau, đi về nội ngoại không thuận tiện. Thế nhưng, chúng tôi quyết định không bỏ cuộc. Cả hai cùng thuyết phục gia đình đôi bên. Hạnh phúc rạng ngời trong ngày tôi nắm tay vợ sánh tiến vào hôn trường và lồng vào tay cô ấy chiếc nhẫn cưới.
Thấm thoắt cũng đã ngần ấy năm qua đi. Bây giờ, chúng tôi đã có với nhau hai đứa con, cuộc sống tuy vẫn còn vất vả, nhưng vợ chồng tôi đã có nhà riêng, công việc ổn định, thu nhập không cao nhưng mỗi tháng hai vợ chồng cũng kiếm được gần 40 triệu đồng, trừ ăn tiêu đi, còn giữ lại được khoảng 15 triệu đồng. Tôi thấy như vậy là quá ổn.
Vợ tôi thì lại khác. Càng ngày cô ấy càng tỏ ra không hài lòng về tôi. Khi thu nhập của tôi được 10 triệu đồng một tháng cô ấy so sánh với người được 15, 20 triệu đồng mỗi tháng và giờ thu nhập của tôi được con số vợ từng mơ ước thì cô ấy lại so sánh tôi với người kiếm cả trăm triệu mỗi tháng.
Cô ấy đem tôi, một tay phó phòng đi làm thuê đặt cạnh những người làm giám đốc doanh nghiệp, hay trưởng phòng của các cơ quan Nhà nước. Mỗi lần ra ngoài tụ tập hoặc đi họp lớp cũ về là vợ tôi lại trầm ngâm cả ngày chẳng nói chẳng rằng. Tôi hỏi vợ chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Cô ấy không nói ra lý do nhưng qua câu chuyện cô ấy kể về cô A được chồng tặng chiếc ví LV có giá bằng một con xe tay ga, hay chị B được chồng đưa đi du lịch Paris... là tôi biết cô ấy đang ghen tỵ, đố kỵ với người ta.
Thấy con người ta học trường quốc tế, vợ tôi cũng đay nghiến “giá như anh được một phần của anh Long” thì em cũng cho con học ở trường ấy cho bằng bạn bằng bè. Đằng này, cứ quanh quẩn ở cái trường công của phường thì bao giờ mới giỏi được.
Không chỉ có vậy, khi thấy thiên hạ lên mạng xã hội khoe chồng hôm nay nấu cơm ngon, vợ cũng mở cho tôi xem rồi đay nghiến tôi. Bi hài hơn, thấy anh nhà báo làm thơ tặng vợ, cô ấy cũng lại sưng xỉa lên với tôi, tại sao anh không lãng mạn như họ, tại sao anh khô khan và buồn tẻ thế?
Thú thật, thời gian đầu nghe vợ phàn nàn, so sánh, tôi cũng cảm thấy mình là người đàn ông kém cỏi khiến vợ phải chịu thiệt thòi, vì thế tôi luôn cố gắng chăm chỉ làm việc, hoàn thiện bản thân hơn. Nhưng công sức của tôi chưa bao giờ được vợ công nhận. Cứ đà này, tôi sẽ không còn đủ kiên nhẫn và chẳng biết sẽ đẩy cuộc sống gia đình đi tới đâu?
Theo Nhị Hà/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)