Ca sĩ Tuấn Tú Bolero tiết lộ, anh sớm phát hiện bản thân mình có xu hướng là người đồng tính nam từ khi còn rất nhỏ. Khi còn niên thiếu, Tuấn Tú khá ẻo lả, thích chơi những trò của con gái… nên anh thường xuyên bị hàng xóm, bạn bè đồng trang lứa chọc ghẹo.
|
Ca sĩ Tuấn Tú Bolero tâm sự về tuổi thơ bị kỳ thị. |
Khi lớn hơn một chút, anh cảm thấy xấu hổ khi liên tục bị kỳ thị bởi những người xung quanh. Tuấn Tú từng có suy nghĩ bỏ học, thậm chí tự tử vì những kỳ thị với giới tính của mình. Tuy nhiên, với sự quan tâm và yêu thương của gia đình, anh đã hoàn thành việc học tập, có công việc ổn định trước khi rẽ lối với hoạt động ca hát.
Ca sĩ Tuấn Tú chia sẻ, sau khi có được một chỗ đứng trong showbiz, anh đã cố gắng giúp đỡ nhiều bạn có hoàn cảnh giống như mình để vượt qua mặc cảm. Là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của showbiz công khai là người đồng tính, Tuấn Tú mong muốn góp phần xây dựng cộng đồng lành mạnh và ngày càng có tiếng nói cũng như nhận được sự tôn trọng của xã hội.
Tự thể hiện ca khúc chủ đề của bộ phim “Đường về 2: Lối nào cho yêu thương” – bộ phim ngắn tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam kiêm diễn viên chính của bộ phim ngắn cho biết, anh đã phải vượt qua những khó khăn của bản thân khi nhận vai diễn một người đồng tính bị nhiễm HIV.
Ước tính có khoảng 30,000 người đồng tính nam (MSM) – chuyển giới (TG) trên địa bàn thành phố, chiếm từ 1-3% dân số là người lớn nam, trong đó người chuyển giới chiếm khoảng từ 2,000 đến 3,000 người. Người đồng tính nam và chuyển giới có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại Việt Nam, ước tính tại các khu vực thành thị, tỷ lệ lây nhiễm vào khoảng 16% (MSM) và 18% (TG) .
BS Tiêu Thị Thu Vân - Giám đốc trung tâm phòng chống AIDS TP.HCM cho biết: “Hãy chia sẻ với những người đồng tính nam và chuyển giới, tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS, tích cực khuyến khích mọi người thay đổi quan điểm về người đồng tính nam và chuyển giới nhằm giúp người đồng tính nam và chuyển giới có thể tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả.
Mặt khác cũng khẳng định việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người người đồng tính nam và chuyển giới cũng là một biện pháp phòng chống HIV/AIDS và đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người dân”.
BS Vân khẳng định, thực hiện tốt những điều nêu trên chính là góp phần thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90, tức là phấn đấu đến năm 2017 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định mà Việt Nam đã cam kết với Liên hiệp quốc hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.