Giám đốc Bệnh viện Quân y 103: Tôi từng nghẹt thở khi làm ghép tạng

Google News

(Kiến Thức) - Khó mà không làm thì sẽ không bao giờ làm được, nên PGS.TS Hoàng Mạnh An đã liều, thức trắng biết bao đêm với ca ghép tạng đầu tiên.

PGS.TS Hoàng Mạnh An trăn trở, nhận thức về hiến tạng ở người Việt Nam vẫn chưa đầy đủ, việc thuyết phục để hiến tạng là việc vô cùng khó khăn và là trở ngại lớn nhất của công việc này. Ghép tạng đã khó, ghép đa tạng lại khó gấp chục lần. Nhưng khó mà không làm thì sẽ không bao giờ làm được, nên ông đã liều, căng sức mình để làm, nghẹt thở, thức trắng biết bao đêm với ca ghép tạng đầu tiên.
Từ trường hợp hy hữu
Việt Nam bắt đầu ghép tạng từ khi nào thưa ông?
Sự nghiệp ghép tạng ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1992 xuất phát từ trường hợp hy hữu một nữ bệnh nhân được chẩn đoán có một khối u trong ổ bụng phải nhập viện để mổ. Khi tiến hành mổ xong thì các bác sỹ mới bàng hoàng phát hiện ra đây là một quả thận duy nhất bị lạc chỗ. Vậy là bệnh nhân vô niệu, buộc phải chạy thận nhân tạo. Khi đó Bộ Y tế chỉ đạo không thể để như thế được, làm thế nào để “đền bù” cứu sống người bệnh. Học viện Quân y khi đó nhận nhiệm vụ đưa bệnh nhân sang Cu Ba để ghép thận, đồng thời cử một kíp cán bộ đi theo để học về ghép thận.
Kết quả ghép thận của bệnh nhân đó thế nào ạ?
Bệnh nhân được ghép thận nhưng không thành công và đã tử vong ở Cu Ba. Sau khi kíp bác sỹ đi học về được 1 năm thì chúng ta tiến hành bắt đầu ghép thận. Viện 103 là đơn vị đầu tiên của ngành y tế nhận nhiệm vụ này.
Những ngày đầu đó chắc hẳn nhiều khó khăn?
Hồi đó, cả ngành y vào cuộc với một hội đồng chuyên môn ghép thận, nên thành tựu ghép thận là của cả ngành, sau đó một vài bệnh viện khác cũng vào cuộc ghép. Việc hình thành một chuyên ngành là vô cùng vất vả vì chúng ta gần như mò mẫm hoàn toàn. Nên trong suốt 10 năm đầu, ngành này khá ì ạch. Dù được các nước bạn giúp đỡ nhưng cơ sở vật chất kém, nguồn ghép thận hiếm hoi, việc vận động người nhà cho thận là không dễ dàng gì. Những ca ghép đầu tiên đa phần đều là những người miền Nam. Còn tâm lý chung là đa phần con cái có làm sao thì đẻ đứa khác, chứ hiếm khi người bố người mẹ cho thận.
Sau ghép thận thì đến ghép gì ạ?
Sự nghiệp ghép tạng có thêm một cuộc cách mạng mới là ghép gan. Năm 2004 thì ca ghép gan đầu tiên đã thành công, rồi đến 2010 là ghép tim và đến 2014 là ghép đa tạng (tụy thận) và tôi là người làm trực tiếp ca ghép đầu tiên này.
Ghép tạng cho lợn để thử nghiệm
Ở Việt Nam số người có nhu cầu ghép tạng có nhiều không ạ?
Việt Nam có nhiều người bị tiểu đường, điều trị ngoại khoa đến một giai đoạn nào đó thì thuốc dần còn ít tác dụng. Và những người đó thường là sẽ bị suy thận. Hàng nghìn người được ghép thận do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nhiều, do điều kiện sinh hoạt ăn uống nên xuất hiện bệnh lý về tụy, đái tháo đường. Nhu cầu ghép thận khá lớn. Tuy nhiên việc ghép đa tạng là vấn đề hoàn toàn mới, cho dù thế giới họ đã làm rồi. Vậy là tôi làm chủ đề tài trọng điểm cấp nhà nước KC10 về nghiên cứu triển khai ghép đồng thời tụy thận từ người cho chết não.
Rõ ràng đó là một nhiệm vụ đầy rủi ro?
Đúng thế, rủi ro đến nghẹn thở, toát mồ hôi.
Vậy sao ông nhận làm?
Nếu không làm thì không biết đến bao giờ mới làm được, và nếu không làm thì không bao giờ có được nên khi đó tôi tự nhủ với bản thân mình, phải làm thôi.
Giam doc Benh vien Quan y 103: Toi tung nghet tho khi lam ghep tang
PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103. 
Ca ghép đa tạng hẳn vẫn còn nóng hổi trong ký ức của ông?
Đúng thế, tôi không quên một chi tiết nào. Lúc đó nhiệm vụ nặng nề, chúng ta chưa hề có kinh nghiệm nào trong việc ghép 2 tạng nên tôi phải cử người đến các trung tâm ghép lớn để học tập rồi sưu tầm tài liệu, rồi mổ hơn 40 cặp lợn, lấy tụy và thận của con này để ghép sang con khác. Nhưng đó hoàn toàn là cơ học thôi, còn khi làm trên người, ghép tạng từ người sang người còn khác xa, nhưng ít nhất phải học được về kỹ thuật đó.
Sau đó, làm thế nào để ông tìm được người cho và người ghép?
Trong tay chúng tôi có hồ sơ của mấy chục bệnh nhân ở các bệnh viện có nhu cầu ghép tụy thận. Nhưng vận động được người hiến tạng cực khó, hơn chục năm mà có 30 ca chết não gia đình đồng ý cho tạng. Hôm đó chúng tôi vận động được một trường hợp bị tai nạn giao thông bị chết não. Trong khoảng thời gian tối đa 18 tiếng thì tạng đủ điều kiện sử dụng để ghép. Xem trên danh sách bệnh nhân cần ghép thì tôi thấy có một bệnh nhân là quân nhân ở Tỉnh đội Sơn La.

Ca ghép đa tạng tủy thận đầu tiên là bài học để những ca sau dù có gặp những biểu hiện như thế này chúng tôi cũng không thấy sợ nữa. Bây giờ tất cả các tạng của người cho chết não đều có thể thực hiện cấy ghép tại Việt Nam. Tiến tới có thể xẻ gan của người cho để ghép cho 2 đến 3 người cần ghép. Khi đã ghép được 2 tạng cho một người bệnh thì việc ghép nhiều tạng khác cũng không phải là vấn đề gì lớn.

Quả là tình huống rất gấp gáp?
4h chiều ngày 28/2/2014 gia đình nạn nhân đồng ý cho hiến tạng, tôi gọi điện cho bệnh nhân ở Sơn La xuống Hà Nội, nhưng người đó nói sáng mai mới xuống được do không có xe. Tạng người chết não không thể giữ được lâu như thế, tôi liền nhờ đồng chí tỉnh đội trưởng cho xe đi hỏa tốc đưa bệnh nhân về Hà Nội. 11h đêm bệnh nhân về đến nơi, chúng tôi chỉ kịp làm các xét nghiệm cơ bản nhất , 4h sáng hôm sau tôi quyết định ghép tạng, về kỹ thuật thì thành công ngay.
5 tháng nghẹt thở
Có thể nói cho đến thời điểm ghép xong là mọi việc khá suôn sẻ?
Đúng thế, nhưng sau khi ghép đến ngày thứ 4 thì mới xuất hiện vấn đề khiến tôi đau đầu là vấn đề thải ghép của tạng. Ngày thứ 5, vết mổ đùn dịch ra rất nhiều. Đến tuần thứ 2 thì tràn dịch đa màng, màng phổi, màng tim, ổ bụng lúc nào cũng đầy dịch, chục hút hàng lít. Thế là chúng tôi biết rằng tụy này có vấn đề rồi, vừa được tái tưới máu trở lại nhưng chắc chắn là bị viêm rồi. Một mặt điều trị tích cực, rồi gọi điện sang các trung tâm của Mỹ, Nhật để hỏi kinh nghiệm. Khi dẫn lưu dịch ra thì bệnh nhân đỡ hơn một chút thì đến tháng thứ 4, từ vết mổ, dịch trào ra như suối. Tôi biết là xì mất rồi.
Lúc này là bao nhiêu hy vọng của ông đều tiêu tan?
Tôi sợ là miệng nối của tụy với thành tá tràng và bàng quang bị xì, nhưng soi bàng quang ngược dòng thì thấy miệng nối liền tốt, hóa ra đầu vít lại của nó bị xì ra ngoài. Thế là tôi kệ, dịch cứ trào vẫn cứ yên tâm. Đến tháng thứ 5 chúng tôi mở nhỏ ổ bụng để khâu đóng bít đầu tá tràng thì bệnh nhân hoàn toàn bình phục. Đến giờ bệnh nhân đi làm bình thường, không phải dùng thuốc điều trị tiểu đường, suy thận nữa, chỉ dùng thuốc ức chế miễn dịch theo quy trình chung của người ghép tạng.
Vì sao sợ đến nghẹt thở như vậy mà ông vẫn tin sẽ thành công?
Trong các ca thực nghiệm trên lợn chúng tôi cũng đã lường trước được, khi đưa tạng lạ vào cơ thể thì luôn có khả năng tạng bị thải loại ra bên ngoài. Rồi khi ghép mà không cẩn thận thì dễ bị bục xì các miệng nối tĩnh mạch, động mạch. Tôi lo lắng một phần vì nếu ca đầu tiên mà thất bại thì lâu lắm sau đó mới dám làm lại.
Ông có bao nhiêu đêm mất ngủ khi thực hiện ca ghép?
Tôi cũng không nhớ rõ, chỉ biết là suốt 5 tháng đó trực chiến ở bệnh viện, không về nhà.
Có lúc nào ông nghĩ sẽ thất bại?
Có chứ, lúc dẫn lưu cả hai khoang màng phổi vì dịch ra nhiều quá là tôi sợ.
Rủi ro vậy mà ông vẫn làm?
Vì nhu cầu của người bệnh, nếu mình không làm thì đến bao giờ mới làm được? Hơn nữa đã trót nhận làm đề tài rồi nên quyết tâm làm thôi (cười).
Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa!

Vận động người cho chết não rất khó vì liên quan đến quá nhiều người, có trường hợp đồng ý hiến tạng, các bác sỹ chuẩn bị hết để ghép rồi thì đến phút cuối người nhà lại thay đổi. Nhiều khi gia đình đồng ý hết thì cô vợ không đồng ý, đến khi về tận quê thuyết phục được cô vợ thì anh công an lại không đồng ý vì nó liên quan đến tai nạn giao thông. Rồi nhiều khi thuyết phục xong hết rồi quay trở lại thì tạng của nạn nhân đã bị hỏng không sử dụng được nữa.

Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa và trăn trở của thầy thuốc (nguồn VTV):
Tô Hội

Bình luận(0)