Tôi còn nhớ, 2 vợ chồng tôi lúc đó có chung một bé trai 3 tuổi. Tôi yêu chồng và tin rằng, anh cũng yêu tôi. Nhưng tôi cũng luôn nghĩ đàn ông khó tránh được những giây phút xao lòng, hoặc đi “tìm cảm giác mới” vì bị rủ rê lôi kéo. Tôi chuẩn bị sẵn bao cao su cho vào ví chồng, nhưng đây lại là sai lầm dẫn đến chuyện ly hôn của chúng tôi.
Tôi sinh năm 1983. Tôi ở quê lên Hà Nội làm việc cho một cửa hàng điện thoại di động từ năm 2005. Sau đó tôi gặp chồng mình, khi ấy anh là kỹ sư xây dựng. Công việc của anh đi tỉnh suốt. Chúng tôi yêu nhau được 3 tháng thì làm đám cưới vì tôi có bầu.
|
Ảnh minh họa. |
Anh quê ở Vinh còn tôi quê Hưng Yên. Hai vợ chồng sau khi cưới đã phải thuê nhà ở Hà Nội để tôi tiện nơi làm việc. Cuộc sống của chúng tôi không có gì đặc biệt. Sau này, tôi bàn với anh mở tiệm cắt tóc gội đầu để kiếm thêm thu nhập. Nói là làm, tôi đi học nghề và về tự mở cửa hàng cho mình. Tiệm của tôi cũng là nơi trú chân của cả nhà.
Chồng tôi đi công tác xa triền miên. Trong khi đó, khách hàng của quán đa phần là chị em phụ nữ và đôi khi họ đến cửa hàng cũng chỉ để có nơi... tám chuyện. Một trong những chủ đề của các nữ khách hàng chính là chuyện "bóc bánh trả tiền", đàn ông đi tìm của lạ.
Rồi các chị em mách nhau phải làm gì để giữ chồng, bảo vệ sức khỏe của cả nhà. Tôi nghe có lý và tôi bắt đầu... làm theo họ, dù tôi cũng không quá tin vào những phương pháp ấy.
Tôi bắt đầu bỏ vào ví của chồng 2 hoặc 3 cái bao cao su mỗi khi anh về qua nhà. Tôi nói với chồng: Em biết đàn ông các anh khó tránh khỏi chuyện này nên anh cứ đi, nhưng cố gắng giữ gìn để không ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ con em.
Chồng nghe tôi nói thế nhưng anh không nói gì. Lần đầu tiên đi về sau đợt ấy, tôi thấy những chiếc bao cao su mình nhét vào ví anh còn nguyên vẹn. Tôi như thầm cảm ơn chồng mình không có tính lăng nhăng và rằng anh rất yêu tôi.
Cứ như thế, vợ chồng tôi không bao giờ nhắc lại chuyện này, nhưng chuyến công tác nào của anh như một thói quen tôi đều bỏ vào vali anh hoặc ví vài chiếc bao cao su. Và dĩ nhiên, anh đều sử dụng chúng, còn tôi chỉ nghĩ anh "bóc bánh trả tiền" nên âu cũng... cam chịu.
Bởi tôi cứ nghĩ, mình làm như vậy là người vợ hiểu chồng, văn minh. Tuy nhiên, tôi không ngờ rằng đó chính là mâu thuẫn ngầm của vợ chồng tôi. Năm 2011, sau 4 năm sống chung chồng tôi về tuyên bố ly thân. Anh nói rằng anh không còn yêu tôi và muốn có cuộc sống riêng.
Tôi hỏi ra mới biết, chồng tôi âm thầm có người thứ ba. Anh nói anh làm thế vì tôi không tin tưởng anh. Hành động tôi nhét bao cao su vào ví của anh mỗi chuyến công tác đã khiến anh nghĩ rằng, tôi và anh không có sự tin tưởng nào.
Tôi cay đắng nhận ra rằng mình đã sai khi nghĩ nhét bao cao su vào ví chồng là khôn khéo để giữ chồng. Ai đó từng nói với tôi rằng, mỗi lần chồng ra khỏi cửa, các chị đừng quên cất vào ví ông ấy chiếc bao cao su, đó mới là cách giữ chồng tốt nhất của một người phụ nữ thông minh. Nhưng với tôi, đó là lý do tôi mất chồng.
Sau này, tôi tái giá, anh cũng lập gia đình mới với người thứ ba anh yêu lúc đó. Chúng tôi là bố mẹ chung của con trai. Lúc đó tôi mới hiểu ra rằng, khi tình yêu không phải là đích đến của hôn nhân thì những chiếc bao cao su cũng chẳng có giá trị.
Có lần, anh cười bảo cô vợ hiện tại của anh cũng hay nhét bao cao su vào ví của anh mỗi khi anh đi công tác ở đâu đó. Tuy nhiên, anh không bao giờ dùng đến. Trong một lần ngồi cafe cùng nhau anh chia sẻ, đàn bà cứ nghĩ đàn ông hư và họ chọn cách bảo vệ gia đình như thế. Còn với anh, vì tình yêu giữa anh và tôi chưa đủ sâu đậm, nên chiếc bao cao su cũng chỉ là tác nhân cộng hưởng dẫn tới hôn nhân tan vỡ mà thôi.
Sau này, khi quen với chồng hiện tại, tôi có kể về câu chuyện mình nhét bao cao su vào ví chồng cũ. Anh ấy đã cười và nói, để bao cao su vào ví chồng không phải là khuyến khích ông ấy hãy lên giường với một cô nào đó mà chiếc bao cao su như lời nhắc nhở anh ta ở phía sau còn cả một gia đình.
"Việc làm này của phụ nữ không sai, ở góc độ nào đó còn là sự "tuyệt vời" của phái yếu. Tuy nhiên, nếu đàn ông yêu thương vợ con, họ sẽ có cách tự bảo vệ gia đình của mình", chồng mới nói với tôi.