Cuối tháng 6/2020, Sanne de Jong bị buồn nôn, khó thở, đau cơ và chảy nước mũi. Cô gái 22 tuổi ở Rotterdam, Hà Lan, nghĩ rằng bản thân gặp di chứng từ lần mắc COVID-19 trước.
Ngày 17/4/2020, cô nhiễm virus và có các triệu chứng nhẹ trong khoảng 2 tuần. Đến ngày 2/5/2020, Jong xét nghiệm âm tính và quay trở lại công việc điều dưỡng ở một bệnh viện tại Rotterdam.
Nhưng khi các triệu chứng tái phát, bác sĩ đề nghị Jong nên xét nghiệm COVID-19. Lúc này, triệu chứng của cô đã có thêm mất khứu giác, đau bụng, tiêu chảy.
Cuộc gọi ngày 3/7/2020 khiến De Jong không tin nổi. Cô mắc COVID-19 lần 2. “Cuộc đời trêu đùa tôi sao?” - đó là câu đầu tiên mà Jong có thể thốt lên khi đối diện lần tái nhiễm nCoV.
Thời điểm giữa năm 2020, các ca mắc COVID-19 lần 2 tương đối hiểm và gây bất ngờ với giới chuyên gia. Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua, tần suất người mắc COVID-19 nhiều lần ngày càng phổ biến hơn.
Xu hướng bệnh nhẹ hơn
Những mũi tiêm bổ sung, nhắc lại và tần suất tái mắc COVID-19 đang có xu hướng rút ngắn lại khiến các nhà khoa học nhận thấy một sự thật rất rõ ràng. Đó là khả năng miễn dịch chống lại COVID-19 có thể suy yếu tương đối nhanh.
“Câu hỏi mà nhân loại đặt ra đó là lần mắc thứ 2 có nghiêm trọng hơn không và tái nhiễm dạy chúng ta điều gì về khả năng miễn dịch trước COVID-19 nói chung”, nhà nghiên cứu Derek Cummings, Đại học Florida, Mỹ, chia sẻ với tạp chí Science.
|
Sanne de Jong mắc COVID-19 lần thứ 2 vào tháng 7/2020, sau gần 3 tháng khỏi bệnh. Cô là một trong những trường hợp tái nhiễm nCoV sớm của thế giới. Ảnh: Science.
|
Tháng 4/2020, các nhà khoa học Hàn Quốc báo cáo F0 đầu tiên tái nhiễm nCoV. Song, phải đến ngày 24/8/2020, một trường hợp mới chính thức được xác nhận.
Đó là người đàn ông 33 tuổi, được điều trị ở Bệnh viện Hong Kong (Trung Quốc), từng có triệu chứng nhẹ vào tháng 3. Sau đó, ngày 15/8/2020, ông phát hiện dương tính với nCoV khi làm xét nghiệm nhập cảnh vào Tây Ban Nha.
Ở lần nhiễm virus thứ 2, tình trạng bệnh của F0 này nhẹ hơn. Thời điểm năm 2020, các nhà khoa học giải thích lần mắc COVID-19 đầu tiên đã tạo ra miễn dịch, giúp bảo vệ người đàn ông ở Hong Kong khi bị virus tấn công lần 2.
Năm 2020, một nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Trung tâm Y tế Thụy Điển, Seattle, Mỹ, mô tả một trường hợp nhiễm bệnh vào tháng 3 cùng năm. Sau đó, người này tái nhiễm sau 4 tháng.
Loại virus thứ 2 mà người này mắc có đột biến ở châu Âu, gây ra thay đổi nhỏ trong protein gai của nCoV, giúp nó xâm nhập tế bào người tốt hơn. Triệu chứng ở lần mắc thứ 2 lại nhẹ hơn, song, các kháng thể do lần mắc đầu tiên tạo ra hoạt động khá kém trước chủng virus mới.
Trên The Conversation, Giáo sư Paul Hunter, Đại học East Anglia, Anh, cũng nhận định lần mắc COVID-19 thứ 2 thường ít nghiêm trọng hơn ở nhóm chưa được tiêm chủng. Đây là lý do tỷ lệ nhập viện thấp, có thể kết luận xu hướng tái mắc COVID-19 thường là bệnh nhẹ.
Ngoài ra, sau khi khỏi COVID-19, người bệnh được tiêm thêm vaccine, điều này giúp nâng cao khả năng miễn dịch, mang đến cho họ khả năng bảo vệ tốt hơn trước sự tấn công của virus.
Khả năng chống lại nguy cơ bị nhiễm virus suy giảm, song, kháng thể từ vaccine và lần mắc COVID-19 trước đó vẫn bảo vệ F0 khỏi bị bệnh nặng, tử vong. Do đó, nhìn chung, mắc COVID-19 lần 2 thường nhẹ hơn, mặc dù số lượng và tần suất triệu chứng có vẻ nhiều lên.
Không có mẫu số chung cho tất cả
Tháng 10/2020, một người đàn ông 25 tuổi ở Nevada, Mỹ, mắc COVID-19 lần 2 với lần sau nghiêm trọng hơn rất nhiều. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, không giống lần đầu, bệnh nhân phải nhập viện và thở oxy vì khó thở, SpO2 thấp mức báo động, kèm theo triệu chứng đau cơ, ho… Mặc dù trước đó, người này không có tiền sử bệnh lý nền, không bị suy giảm hệ miễn dịch.
Nhóm chuyên gia phát hiện nam bệnh nhân nhiễm 2 biến chủng nCoV khác nhau. Các giả thuyết được đưa ra là người này tiếp xúc liều lượng virus cao nên dẫn đến tái nhiễm, lần sau nặng hơn lần trước. Giả thuyết thứ 2 là phiên bản virus sau đó có thể mang độc lực mạnh hơn. Giả thuyết thứ 3 là các kháng thể phản ứng quá mạnh trong lần mắc thứ 2, khiến triệu chứng biểu hiện nghiêm trọng hơn.
|
Một số trường hợp mắc COVID-19 lần 2 nghiêm trọng hơn lần một. Đây là câu hỏi mà các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã. Ảnh: Freepik.
|
Hiện tượng mắc một bệnh nhiều lần không hiếm. Nhiều trường hợp lần 2 nghiêm trọng hơn, đe dọa tính mạng. Trường hợp điển hình là bệnh sốt xuất huyết.
Các kháng thể ở lần nhiễm đầu tiên có thể giúp virus sốt xuất huyết thuộc loại huyết thanh khác xâm nhập vào tế bào, dẫn tới lần mắc sau nghiêm trọng hơn, đôi khi gây tử vong.
Một nghiên cứu khác do các chuyên gia tại Trung Quốc công bố cho thấy F0 bị lần đầu đã nặng cũng dễ tái mắc COVID-19.
Theo GS Paul Hunter, xu hướng tái mắc COVID-19 thường nhẹ hơn nhưng nó không giống nhau cho tất cả bệnh nhân hay biến chủng.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Anh ước tính chỉ 20% người tái nhiễm Alpha có triệu chứng. Trong khi đó, con số này ở Delta là 44% và Omicron là 46%. Dữ liệu cũng cho thấy những người bị tái nhiễm Alpha ít có khả năng gặp triệu chứng nhiều hơn ở lần mắc thứ 2.
Trong khi tái nhiễm Delta có thể gây nhiều triệu chứng và xu hướng nặng hơn so với lần thứ nhất. Với người tái nhiễm Omicron, tỷ lệ gặp các triệu chứng là như nhau giữa nhiễm trùng nguyên phát và người mắc COVID-19 lần 2.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tái nhiễm nCoV đang ngày càng phổ biến, do đó, người có tiền sử mắc COVID-19 nên tiêm phòng vaccine ngay khi có thể.
Khả năng miễn dịch tự nhiên từ COVID-19 có thể thay đổi tùy theo từng bệnh nhân. Một số nghiên cứu chỉ ra thời gian bảo vệ kéo dài khoảng 1-6 tháng hoặc hơn.
Khi chúng ta chưa có cách ngăn chặn điều này, cách duy nhất là tăng cường sức đề kháng, áp dụng các biện pháp phòng dịch như sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV một lần nữa.