Éo le đàn bà làm trụ cột gia đình: Sống đối phó, khó bình yên

Google News

Cái khổ của việc làm trụ cột đã như một gánh nặng trên đôi vai mềm yếu của người vợ trong gia đình. 

Nhưng như thế vẫn chưa xong, khi người vợ trong gia đình vẫn phải căng mình để đối phó, cư xử sao cho không làm tổn thương sự nhạy cảm, tính sĩ diện của người chồng.
Ảnh minh họa. 
Nói thật bị cho là lên mặt, nói dối lại bị quy là chửi đểu
Một buổi sáng, chị tìm đến gặp tôi với mong muốn nhờ tôi viết hộ câu chuyện của mình để mong lý giải phần nào những nỗi oan uổng của đời mình…
Chị tên Thủy, 45 tuổi (ở Hà Nội) gặp tôi để xin được tư vấn trong tình trạng một bên mắt bầm tím sưng húp vì bị chồng đánh tối hôm qua. Chị Thủy xinh đẹp, cao ráo nhưng không giấu nổi ánh mắt mệt mỏi trũng sâu vì những đêm mất ngủ. Chị học giỏi, là đứa con ngoan của một gia đình giàu có và nề nếp. Tuổi thơ của chị được bố mẹ yêu chiều “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Nhưng kể từ ngày lấy chồng, cuộc sống của chị chuyển sang một cuộc đời hoàn toàn khác.
Gia đình anh Thường nghèo khó, anh đi nghĩa vụ quân sự về, không có gì ngoài hai bàn tay trắng. Chị Thủy và anh Thường lấy nhau về rồi tự thân lập nghiệp. Từ hoàn cảnh khó khăn, chị Thủy đã tìm ra nhiều ý tưởng làm giàu. Mặc dù trong tay không có bằng cấp nghề gì ngoài làm nông, nhưng vợ chồng chị Thủy đã xoay đủ nghề. Từ buôn thúng bán bưng, gánh từng gánh cà chua từ Gia Lâm sang chợ Mơ bán. Từ buôn bán quần áo cho đến chăn nuôi, làm lò gạch… chị Thủy không nề hà bất cứ thứ gì. Cũng may gia đình bố mẹ chị khấm khá, lại có truyền thống buôn bán kinh doanh từ lâu đời nên chị Thủy cũng được thừa hưởng máu kinh doanh và sự nhanh nhạy trong làm ăn. Sau khi xoay đủ nghề kiếm sống, cuối cùng vợ chồng chị trụ lại với khối siêu thị mini và giàu lên từ đó.
Vợ chồng chị Thủy có hai cô con gái, cháu đầu đã có gia đình, cháu thứ hai đang học cuối cấp hai. Kinh tế gia đình khá giả, các con chị ngoan và ăn học đàng hoàng. Ngoài khối siêu thị mini làm ăn khấm khá, vào những năm 90 chị buôn bán bất động sản nên tài chính gia đình là điều mà chị chưa bao giờ phải lo nghĩ.
Vậy nhưng cũng vì biết cách làm giàu, biết cách kiếm tiền mà điều đó lại làm khổ chị Thủy. Mặc dù một tay tạo nên cơ đồ nhưng không bao giờ chị Thủy dám lên mặt hơn chồng, tranh hơn thua với chồng. Lúc nào cũng một điều dạ, hai điều dạ. Chồng nói gì cũng đúng, chẳng bao giờ cãi lại anh một câu. Con cái có hỏi xin gì mẹ thì lúc nào chị cũng bảo “bố có đồng ý thì mẹ mới cho phép”…
Lúc nào chị Thủy cũng lo lắng sợ làm điều gì đó làm tổn thương chồng. Nhưng khổ nỗi người ngoài lại không hiểu cho. Vợ chồng có việc đi đâu cùng nhau, nhiều người cứ săn đón, khen lấy khen để chị mà không để ý gì đến vẻ mặt của anh Thường đang càng lúc càng biến sắc.
Chị Thủy biết chồng mình tự ái nên cứ xua đi “không phải đâu chị ơi, không phải đâu anh ơi. Em có làm được gì đâu. Công của nhà em hết đấy”… Thế nhưng dù có nói như vậy thì những người trong làng, anh em bạn bè, gia đình nội ngoại ai cũng thừa hiểu, tất cả gia thế của gia đình chị hôm nay là nhờ hết vào sự nhanh nhẹn, năng động và cần cù của chị.
Nhưng giữ kẽ đến mấy cũng có khi chị sơ hở. Có lần có người hỏi chuyện làm ăn, chị Thủy cũng chân thành tư vấn xuất phát từ kinh nghiệm thương trường của mình. Chị không ngờ chồng chị cảm thấy rất khó ở về điều đó. Anh nói hờn, nói mát bảo chị “cô thì giỏi quá rồi, làm sao tôi dám nói chuyện với cô!”.“Từ giờ ra ngoài cô đừng làm trò chửi đểu tôi nữa nhé. Ai chẳng biết cô giỏi, cô tài!”…
Biết tính anh Thường hay tự ái nên một số người rỗi hơi buông lời châm chọc, chế diễu anh khiến cho mọi việc càng trở nên tồi tệ. Những câu như “sống nhờ vợ thấy thế nào hả Thường”, “đêm về có phải đấm bóp cho vợ không”… như dầu đổ thêm vào lửa làm cho anh Thường cảm thấy khó ở vô cùng.
Nhưng thiên hạ phần đông là không cố ý. Họ chỉ thấy sao thì nói vậy. Họ không có ý châm chọc vào hạnh phúc gia đình chị Thủy nhưng những lời nói vô tình đó như mũi tên bắn vào tâm lý vốn mặc cảm vì yếu thế của người chồng. Mặc dù rất ý thức về thái độ đối với chồng nhưng những câu nói vô tình ngợi khen chị trong tiệc rượu, những khi họp mặt, những lúc gia đình có công buổi… đã trở thành mũi tên hòn đạn nhắm vào nỗi mặc cảm tự ti của anh Thường.
Còn đâu giây phút bình yên?
Phân tích về trường hợp của chị Thủy, TS Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, nguyên nhân gốc rễ khiến cho chị Thủy phải chịu nhiều áp lực là chính bởi chị quá tài giỏi. Các cụ ta xưa đã đúc rút rằng “đàn bà chữ tài đi với chữ tai một vần” là như vậy.
Đàn ông vốn thích được khẳng định mình, rằng mình tài giỏi chứ hiếm ai lại thích dựa dẫm vào phụ nữ. Chính vì tâm lý đó nên khi người vợ giỏi giang đã vô tình làm cho anh bị rơi vào thế yếu. Khi ở vào thế yếu hơn, kém hơn vợ thì họ rất dễ mắc phải nỗi mặc cảm tự ti mình là kẻ thấp kém, sống núp váy đàn bà.
Kể cả khi người vợ có khéo léo đến đâu thì chị cũng không bịt miệng được thiên hạ. Những lời nói vô tình của người ngoài khi họ khen rằng “anh sướng thế có vợ giỏi giang”… sẽ khiến cho người đàn ông vốn đang ở thế yếu càng thấy mình kém cỏi hơn. Anh cảm thấy đó không phải lời khen mà là họ đang gián tiếp chê cười mình. Vì thế những lời nói như vậy mặc dù là không cố ý nhưng nó trở thành những hòn tên mũi đạn bắn vào người chồng, hành hạ tâm can anh ta làm cho anh ta đã tự ti càng tự ti hơn. Từ tự ti anh ta chuyển sang tự ái. Tính sĩ diện nổi lên nhưng anh ta không thể thể hiện nỗi bức xúc cho người ngoài được mà chỉ có thể thể hiện nó khi trở về nhà.
Theo cơ chế tâm lý, khi bị người khác hành hạ thì mình sẽ phải hành hạ lại. Anh ta mang cái người ta hành hạ mình đó mang về hành hạ vợ. Trên thực tế người vợ phải làm trụ cột nhưng chị lại không được đàng hoàng công nhận. Nếu người vợ ngang nhiên thể hiện mình là người kiếm tiền nuôi sống cả gia đình này thì điều đó như là một sự phỉ nhổ lên tính sĩ diện của đàn ông. Thế nhưng nếu cứ suốt ngày phải sống nghệ thuật, phải nói dối, phải đóng kịch… thì điều đó quả thật là một nỗi khổ không thể chia sẻ được cùng ai.
Trong hôn nhân, nếu cứ phải luôn dò xét, phải sống đối phó như vậy thì người vợ còn đâu là bình yên?!
Theo cơ chế tâm lý, khi bị người khác hành hạ thì mình sẽ phải hành hạ lại. Anh chồng mang cái người ta hành hạ mình đó mang về hành hạ vợ. Trên thực tế, người vợ phải làm trụ cột nhưng lại không được đàng hoàng công nhận. Thế nhưng nếu cứ suốt ngày phải sống nghệ thuật, phải nói dối, phải đóng kịch… thì điều đó quả thật là một nỗi khổ không thể chia sẻ được cùng ai.
TS Nguyễn Thị Kim Quý
Ngân Khánh/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận(0)