Trong thời điểm người dân đang quá lưu tâm đến bệnh sốt xuất huyết như hiện nay, xác suất nhầm lẫn giữa hai căn bệnh có thể sẽ cao hơn.
Khi bị sốt cao và có dấu hiệu phát ban, nhiều người có thể sẽ nghĩ đến sốt xuất huyết nhiều hơn là viêm não mô cầu.
|
Bệnh nhân mắc viêm não mô cầu với những chấm xuất huyết dưới da. |
Theo các bác sĩ Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC (Hà Nội), bệnh nhân bị viêm não mô cầu có thể sốt cao đột ngột giống như bệnh cảnh sốt xuất huyết, song có điểm khác biệt rõ ràng nhất là người bệnh có chấm xuất huyết hoại tử hình sao rất đặc trưng.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có hội chứng màng não (đau đầu, cổ cứng...), trong khi người bệnh sốt xuất huyết chỉ mệt mỏi, lờ đờ... Bệnh nhân bị viêm não mô cầu có thể bị sốc nhiễm khuẩn ngay từ ngày đầu phát bệnh, trong khi bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nặng từ ngày thứ ba trở đi.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo những người có biểu hiện sốt cao, nhức đầu, nôn mửa, cứng cổ… nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để xét nghiệm và phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
Đối tượng lây nhiễm của bệnh viêm màng não mô cầu là tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi và thanh thiếu niên từ 14-20 tuổi.
Thời gian ủ bệnh của viêm màng não mô cầu chỉ từ vài giờ đến vài ngày và diễn biến bệnh rất nhanh nên nếu không kịp thời điều trị, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, bệnh lây qua đường hô hấp nên việc phát hiện muộn còn gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
Tuần qua, Hà Nội đã xuất hiện ca bệnh viêm não mô cầu đầu tiên của năm 2017. Bệnh nhân nữ 18 tuổi ở quận Cầu Giấy. Cùng với việc cách ly điều trị bệnh nhân, ngành y tế dự phòng đã khẩn trương tiến hành xử lý ổ dịch.
Tuy nhiên, trong thời điểm giao mùa, nguy cơ bệnh viêm não mô cầu phát triển trở lại hoàn toàn có thể xảy ra và người dân không nên chủ quan.
|
Lượng người đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu tại Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC đang tăng nhanh. |
Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Ngoài ra, phải thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, giữ môi trường sinh hoạt thông thoáng.
Bên cạnh đó, cần chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Hiện nay, vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm phòng đúng lịch.
Theo thông tin từ Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC, hiện nguồn vắc xin viêm não mô cầu còn đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày. Tuy nhiên rất có thể sẽ lại khan hiếm trong thời gian tới nếu xuất hiện thêm các ca bệnh viêm não mô cầu. Vì vậy các bà mẹ nên có kế hoạch tiêm sớm hoặc đăng ký nhu cầu với các trung tâm tiêm chủng.