Đức hi sinh của người phụ nữ hay chiếc gông cùm nặng ngàn cân

Google News

Hãy ngừng ca ngợi, ngừng cổ vũ sự hi sinh của người phụ nữ! Bởi quan điểm ấy chỉ khiến những người phụ nữ khổ muôn đời.

Trong hầu hết những cuộc thi hoa hậu "truyền thống", luôn có một câu hỏi mà người ta nghe đến thuộc: "Theo bạn, đâu là đức tính đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam?". Và rồi 100 cô thì cũng phải đến 99 cô trả lời rằng đó là "đức hi sinh".
Khán giả vỗ tay, giám khảo gật gù, cô đạt vương miện. Thế là cái "đức hi sinh" cứ như thế biến thành chiếc gông cùm ngàn cân đặt lên vai những người mẹ, người vợ Việt Nam.
Ảnh minh họa. 
Không ai biết từ bao giờ mà "đức hi sinh" được người ta tôn vinh thành vẻ đẹp quý giá nhất của những người phụ nữ Việt Nam. Từ thơ ca cho đến nhạc họa, họ đẹp một vẻ đẹp hi sinh mà chẳng phụ nữ ở một nơi nào khác ngoài cái mảnh đất cần lao này có được. Hi sinh cho cha mẹ, hi sinh cho chồng con, hi sinh vì điều này, điều kia... Phụ nữ có gì "siêu nhiên" hơn đàn ông mà phải hi sinh nhiều đến vậy?
Có một thực tế vẫn đang diễn ra, khi con gái lên xe hoa về nhà chồng, người mẹ thường ôm con vào lòng và dặn con rằng: “Hãy trở thành người vợ ngoan, con dâu hiếu thảo con nhé”, “Nếu chồng có nóng, con hãy nhẫn nhịn nhé”, “Cơm sôi thì bớt lửa”,…
Cứ thế, những lời dặn của người mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức của người con gái. Và chính họ xem rằng đó là trách nhiệm của riêng họ.
Vì thế, trong cuộc sống thường ngày, người phụ nữ luôn cố gắng nhẫn nhịn vì họ nghĩ “một điều nhịn, chín điều lành”.
Khi cuộc sống có xung đột, mâu thuẫn họ luôn là người biết cách dừng lại đúng lúc nhất để mọi việc êm xuôi.
Không chỉ dừng lại ở nhẫn nhịn trong cuộc sống thường ngày. Có những người vợ khi phát hiện chồng ngoại tình vẫn chấp nhận tha thứ vì con cái.
Thậm chí, có người còn giả vờ không biết gì cũng vì cái mác gia đình hạnh phúc, họ không muốn con cái bị tổn thương.
Thế nhưng, trong thời đại nay sự hy sinh ấy có cần phải được biểu dương mãi không? Không. Tôi quả quyết ngàn lần không. Nghĩ cho cùng khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục “hy sinh”, đó chỉ là sự ích kỷ của phái mạnh những muốn đè nặng âu lo trên vai em gầy guộc nhỏ” mà thôi.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Đời cua, cua máy; đời cáy, cáy đào”. Sao cứ phải buộc người chị, người mẹ trong gia đình phải đứng ra gánh vác hết tất tần tần mọi chuyện? Vô lý quá. Tại sao người vợ phải lo cho chồng con rất mực thủy chung, đầu tắt mặt tối đến nỗi không còn lấy giây phút nào dành cho riêng mình? Như thế chồng sẽ yêu hơn, sẽ cưng hơn, sẽ chìu chuộng hơn và cũng sẽ “biết ơn” nhiều hơn? Nhầm. Đàn ông chỉ là cậu trẻ con lớn xác dù thông minh, dù tài năng, dù gì đi nữa thì họ cũng có một khiếm khuyết “đáng yêu” là ưa cái “lạ”. “Của lạ bằng một tạ đường phèn”. Cái lạ ấy chắc gì đã hơn vợ mình, nhưng nó lại thơm tho hơn, chưng diện hơn, nhan sắc hơn, trẻ hơn, “Trắng da vì bởi phấn dồi” nên có thể trong phút chốc nào đó họ quên béng đi hình ảnh tảo tần của vợ: Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa
Cho dù người đàn ông không lăng nhăng đi nữa, theo tôi, sự hy sinh ấy cũng không cần thiết. Khi người đàn bà quá chu toàn, lập tức người đàn ông sẽ trở nên ỷ lại và nuôi dưỡng một suy nghĩ hết sức gia trưởng: đã là vợ thì phải có trách nhiệm lo cho chồng, nhà chồng! Nếu người vợ vừa há mồm ra: “Cả đời tôi hy sinh cho anh…”. Chưa kịp nói hết câu đã nghe tiếng cười mỉa mai đến trơ trẽn và tàn nhẫn: “Ai buộc cô phải hy sinh?”. Nghe mà đau. Mà xót.
Nhưng, “xưa rồi Diễm”.
Quan niệm lỗi thời ấy đã đến lúc cần phải thay đổi. Thật sự, không phải ở thời đại computer này mà từ thời khai thiên lập địa, người đàn bà cũng đã có những nhu cầu đòi hỏi như đàn ông. Mẫu số chung nhu cầu của hai giới tính, chung quy lại vẫn là thời gian sống cho chính mình. Khi đó họ mới thật sự tận hưởng giá trị sống mà mọi con người, mọi giới tính khi sinh ra đã bình đẳng. Sự bình đẳng không thể bắt đầu bằng sự hy sinh một phía của người đàn bà. Chẳng lẽ khi có chồng là người đàn bà kết thúc mọi ước mơ trong đời? Tôi cực lực phản đối. Nhưng phải thay đổi từ đâu? Từ chính người đàn bà. Vâng, họ phải tự ý thức sự tự do cá nhân khi song hành cùng người đàn ông trên trái đất này. Đừng bao giờ mong đợi sự thay đổi ấy từ các đấng “râu hùm, hàm én, mày ngài”. Phải chính người phụ nữ, tự họ “giải phóng” thân phận mình. Đừng quên, sự tự do không đi cùng yếu đuối.
Theo Hạnh Lê/Khỏe & Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)