Đòn 'tra tấn' của vợ

Google News

Đến đỉnh điểm của “tra tấn”, ông chồng đứng bật dậy tìm lối thoát với câu kết phũ phàng: “Anh với em nói chuyện không hợp, em rống hoài nghe mệt quá!”

“Tôi đã im lặng quá nhiều. Mong anh thay đổi mà anh không đếm xỉa gì tới cảm giác của tôi. Bụng mang dạ chửa, tôi phải ngồi canh cửa cho anh đi nhậu tới khuya. Tôi khuyên nhủ, anh không nghe lại nói tôi “nhai lại”. Anh cho tôi là trâu bò à? Anh cho tôi là trâu bò thì anh là thứ gì?” - Ngọc Ánh ầm ầm mở cổng, bám sát chồng từng bước khi anh ta lếch thếch dắt xe vào nhà, cởi áo khoác, tháo vớ giày. Ông chồng hết than mệt đến bảo vợ im, nói ít thôi, anh đã nghe và đã hiểu, lỡ nhậu bữa nay với mấy anh đồng nghiệp.
Khuôn môi hình… đỉa
“Đài phát thanh… ép anh” vẫn ra rả, khiến “vị thính giả” cũng bắt đầu trở giọng, lên tông. Anh ta chỉ tay về chiếc lọ có dán hai chữ “bình tĩnh”, hất mặt, nói: “Bảo im có nghe không? Càu nhàu suốt, váng hết cả đầu. Hay nổi điên thế mà cứ chưng cái lọ bình tĩnh để làm gì?”. Ngọc Ánh gào lên: “Anh thôi đi. Tôi đập nát chiếc lọ đó bây giờ. Bình tĩnh gì nổi hả trời? Với hạng chồng như anh, tôi có câm cũng phải hét lên”.
Đó là chiếc lọ thủy tinh trong suốt, bên trong chứa nước, kim tuyến lấp lánh. Trông nó khá đẹp và ấn tượng. Ấn tượng hơn nữa là ở sứ mệnh của nó: giúp cơn giận của khổ chủ lắng xuống bằng cách hễ nổi đóa, miệng mồm sắp mất kiểm soát thì ta xoay đầu lọ xuống, nhìn những bọt kim tuyến, những ngôi sao ngũ sắc bên trong lộn nhào rồi đồng loạt từ từ chìm lắng, cơn giận kia cũng lặn xuống đáy lòng, chỉ còn lại mặt nước phẳng lặng, êm ả.
Tham gia lớp học tiền hôn nhân, Ngọc Ánh và ý trung nhân rất tâm đắc chiếc lọ “bình tĩnh”. Nó là “bảo bối” cho cuộc sống chung êm đẹp, nhẹ nhàng chứ không inh ỏi, xào xáo bởi hơn thua, chì chiết… như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác. Vậy mà chỉ bảy tháng sau ngày cưới, ba tháng từ ngày Ngọc Ánh cấn bầu, những trận đấu khẩu dai dẳng, cãi vã liên tục xảy ra khiến mặt nước trong chiếc lọ “bình tĩnh” nhiều phen xáo động.
Thời gian ngắn chung sống, vợ chồng Ngọc Ánh có nhận xét ban đầu về nhau. Vợ cho rằng đã cưới lầm, chồng chả được điểm nào; còn chồng lại nói vợ mọi điều đều tốt, chỉ cái tật nói nhiều, nói dai như đỉa, lời lẽ thì toàn nhức óc đinh tai.
Ảnh minh họa: Internet 
Giao tiếp bằng lời ở tất cả mối quan hệ nói chung, ở vợ chồng nói riêng sẽ rất hiệu quả trong bối cảnh thuận lợi, vui vẻ. Nhưng nhiều người vợ thường tấn công đánh úp chồng ở những hoàn cảnh bất lợi: chồng đi nhậu về, lúc chồng vừa làm gì đấy sai lè lè, cả hai cùng mệt mỏi, có người ngoài hiện diện...
Có thể người vợ nghĩ phải thể hiện sự phản kháng dữ dội ngay và luôn, cắt phăng điều xấu, việc sai này mới mong chồng không tái phạm. Nhưng đợi mãi mà không thấy chồng chuyển biến, vợ càng nghĩ lời mình chưa đủ, chưa đáng, chưa thấm, lại tăng cường… tuyên truyền.
“Nước thánh” trị bệnh nói nhiều
Có câu chuyện vui rằng bà vợ tìm đến vị thiền sư nhờ cứu giúp làm sao cho ông chồng đừng to tiếng, bực dọc, cáu gắt nữa. Vị thiền sư đưa chai nước cho bà vợ và dặn hễ thấy ông chồng nổi nóng là bà vợ hãy ngậm từng ngụm nhỏ một, từ từ cơn giận của chồng sẽ vơi.
“Nước thánh” quả là thần kỳ, một thời gian sau, vợ chồng đã hòa thuận, vui vầy cùng dắt tay tìm đến tạ ơn vị thiền sư. “Ơ? Nước thánh nào cơ? Chỉ là nước lã thôi. Khi chồng nóng, con ngậm vào cho bơn bớt cái miệng con lại” - vị thiền sư thẳng thừng giải thích.
“Cái miệng vợ xinh thế, chỉ nói điều… mà chồng thấy hay thôi” - xin mượn câu thơ của Phạm Hổ, họa lại. Chồng thấy hay khi vợ nói lời nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu sắc và phải là thời điểm chồng muốn nghe. Đàn ông cũng yêu bằng tai. Nhiều bà vợ vì quá ức lòng, nói ngay, nói cạn hết suy nghĩ, lại thêm chuyện nọ xọ chuyện kia nên lan man chẳng bến bờ.
Vợ nhắc chuyện chồng lỡ lời thất thố với bên vợ khiến cả họ chê trách; chuyện hùn mua đất mà không nói cho vợ biết, có phải muốn lập quỹ đen; chuyện chồng vô tâm đến nỗi hứa mua gà hầm thuốc bắc tẩm bổ cho vợ bầu mà cả tháng chưa thấy đâu; còn tiền chợ đâu sao đến nay không đưa, toàn đợi nhắc…
Đến đỉnh điểm của “tra tấn”, ông chồng đứng bật dậy tìm lối thoát với câu kết phũ phàng: “Anh với em nói chuyện không hợp, em rống hoài nghe mệt quá!”. “Vậy chứ mấy con kia nói thì anh ghiền nghe chứ gì? Nó nói ngọt cho anh lòi tiền ra thì có, còn tôi là vợ, chẳng lẽ ngồi im nhìn anh xấu, anh sai, anh bỏ bê gia đình? Thuốc đắng dã tật. Anh bảo thủ nên anh không muốn nghe những lời vợ nói hợp tình hợp lý…” - vợ đang xỉa xói ngon trớn bỗng ngưng bặt sau tiếng đề xe của chồng, may mà chưa vào màn trường ca độc thoại.
Nói đi phải nói lại. Vợ cũng đâu ham thích gì nói dài nói dai. Chỉ vì ở vợ chưa có cảm giác an toàn - được tôn trọng, được lắng nghe và đủ yêu thương, quan tâm. Ví như các ông chồng có vắng xa thì cũng phải thể hiện mình vẫn nghĩ đến vợ. Một tin nhắn, một cuộc gọi báo vợ đừng chờ cơm, báo mình bận việc không rước con được… khiến vợ có cảm nhận đôi ta dù không thấy mặt nhưng vẫn chung “vùng phủ sóng”.
Đừng để vợ nhìn điện thoại nhiều lần, trông hoài không thấy hồi âm tin nhắn, thậm chí còn ò í e, bảo sao vợ không âu lo, suy đoán và chỉ trông “người trong mộng” về là mặc tình trút xả. Thay vì bảo vợ “im mồm”, quý ông thử bớt trao cơ hội khiến vợ cuồn cuộn bão lòng…
Theo Tô Diệu Hiền/Báo Phụ Nữ

>> xem thêm

Bình luận(0)