Đu đủ là cây hữu ích với mọi nhà, ngoài là rau ăn thì loại quả này còn có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, nếu biết sử dụng, đu đủ còn mang lại nhiều lợi ích trong việc làm thuốc chữa bệnh.
Theo y học cổ truyền, đu đủ có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ dưỡng, kiện tỳ, nhuận tràng, thanh nhiệt, lợi thấp. Chữa bụng đầy chậm tiêu, táo bón, phong thấp nhức mỏi, chống oxy hoá...
Thành phần dinh dưỡng trong 100g phần quả đu đủ chín ăn được có chứa: Chất đạm (0,34g), chất béo (0,9g), chất xơ (1,3g), canxi (40mg), sắt (0,78mg), magiê (10mg), phốt pho (20mg), kali (257mg), natri (3mg), kẽm (0,07mg), đồng (0,16mg), mangan (0,011mg), betacaroten (0,014UI) và vitamin... B1 (0,36mg), B2 (0,58mg), B3 (0,5mg), B5 (0,218mg), B6 (0,019mg), vitamin C (71mg)... trong 100g đu đủ chín cung cấp 44 - 55 calo. Dưới đây là một số tác dụng chính của đu đủ.
Đu đủ phòng bệnh quáng gà: Trong 100g đu đủ chín chứa 2.100mcg beta caroten, là chất tiền vitamin A nên có tác dụng rất tốt với người già, trẻ nhỏ trong việc giúp bổ sung vitamin A cho mắt, phòng bệnh quáng gà, giúp mắt sáng hơn.
Bổ máu, nâng sức đề kháng: Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các axit gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm. Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu. Mặt khác nó còn chứa nhiều sinh tố C hơn cả chanh nên có tác dụng chống oxy hoá, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Tốt cho hệ tim mạch, người cao huyết áp: Đu đủ chín chứa tới 70% là nước, nhưng lượng đương không quá cao. Vitamin E và C có trong đu đủ có thể kết hợp để tạo thành enzym ức chế quá trình oxy hóa tạo ra các cholesterol xấu (LDL) điều này rất tốt cho hệ tim mạch và tốt cho người bệnh cao huyết áp.
Phòng đầy hơi, táo bón: Nếu bị đầy hơi, ăn vài miếng đu đủ sẽ giúp kích thích tiêu hóa, chất xơ có trong đu đủ giúp phòng bệnh táo bón.
Trị giun kim: Ăn 100 - 150g đu đủ chín vào sáng sớm lúc bụng đói, mỗi đợt dùng 5 - 7 ngày.
Chữa sỏi mật, sỏi thận: Đu đủ gần chín để cả quả luộc thật chín bỏ hạt ăn phần thịt cho thêm ít muối lấy thìa xúc ăn ngày 2 lần.
Giúp lợi sữa: Phụ nữ sau sinh ít sữa có thể dùng đu đủ xanh hầm với chân chó ăn tuần vài lần.
Lưu ý, ăn đu đủ chín nhiều ngày có thể khiến lòng bàn tay chân hơi vàng, do một loại trong số 19 carotenoid ở đu đủ đào thải chậm và chưa hết gây vàng da, khi không dùng hiện tượng vàng da tự hết. Đu đủ xanh có tác dụng tiêu mạnh, ăn lúc đói hay bị xót ruột. Phụ nữ mới có thai không nên ăn đu đủ xanh nhiều dễ gây xảy thai.