Ừ, biết là mẹ phải có tiền và nghề nghiệp, việc đó rất rất quan trọng. Nhưng chưa đủ! Khó nhất không phải là cái bụng đói. Dạ dày đói không hành hạ bạn bằng một trái tim đói!
Tôi quen làm việc như trâu, nên nuôi 2 đứa, trả học phí, cơm áo, nhà cửa, xe cộ... không phải là việc khó nhất.Việc khó nhất là sao cho Xu Sim lớn lên cân bằng và không bị cảm giác bất hạnh!
Tôi vẫn nhớ, tháng trước, vừa qua sinh nhật Xu vài ngày, thì tới ngày của Cha. Cả 2 ngày đều vắng ba. Thì tôi bù. Xu Sim vẫn có thể coi tôi là một người cha tốt.
Sếp tôi chat và bảo: “Chị ơi! E nghĩ thế này nha, chị hãy để mấy thằng tụi em mua quà và tặng cho con bé! Phải là con trai nhé, để con bé tin rằng đàn ông vẫn tốt, vẫn biết quan tâm và yêu thương". Hôm đó tôi đã vào wc khóc. Hóa ra, quà của tôi, của nhóm bạn gái tôi dành cho Xu, thì cũng mới chỉ là của 1 nửa thế giới.
“Hãy suy nghĩ thật nhiều trước khi quyết định ly hôn. Dù chồng bạn có thể rất rất tệ, nhưng gửi con cho chồng vẫn yên tâm hơn gửi cho giúp việc hoặc xe ôm hoặc hàng xóm.”
Và rồi, những lúc như hôm mẹ tôi ốm, tôi cần phải về quê gấp, mới thấy thật như húc đầu vào bức tường. Xu Sim không muốn đi ở nhờ. Tôi cũng hiểu tụi nó ở nhà là tiện nhất.
|
Ảnh minh họa. |
Nhưng nơi này quá xa trung tâm, xa anh em họ hàng bạn bè, thật khó có thể nhờ ai tới ngủ cùng tụi nó. Và lịch tham gia các workshop hè thì rắc rối khó nhớ. Tôi không muốn tụi nó bị bỏ học, và bị xáo trộn. Hic hic... đau cả đầu.
Rất rất nhiều năm nay, từ khi có Xu Sim, hầu hết mọi cuộc gặp gỡ, họp hành từ 15h- 16h chiều trở đi là tôi phải từ chối. Dù cơ hội đó rất tốt, dù là mối quan hệ đó rất quan trọng.... nhưng vẫn phải cắn răng, bỏ là bỏ.
Vì đó là giờ tôi chuẩn bị đi đón con, giờ nấu ăn chiều, giờ gà lên chuồng, nhất là khi chuồng chỉ có 1 mẹ. Tôi vẫn ráng để Xu Sim ít nhất cảm giác bơ vơ.
Nếu bạn 1 mình nuôi 2 đứa, nhìn thì cũng chỉ như 1 cặp vợ chồng nuôi 4 đứa. Nhưng khác là bạn sẽ không có quyền trợ giúp, bạn không được nghỉ. Và... khác ở cảm giác của con.
Tôi không biết cách nào là đúng. Một mặt, tôi vẫn ráng cho Xu Sim tới chơi những gia đình hạnh phúc, vợ chồng con cái chăm sóc, yêu thương nhau. Tôi muốn Xu Sim hiểu rằng trên đời này vẫn có những người đàn ông rất tốt, và tình yêu lứa đôi vẫn có thể bền vững.
Nhưng mặt khác tôi lại muốn che hết lại những thứ đủ đầy, để 2 nàng ấy không biết mình đang thiếu.
Tôi không muốn Xu Sim nhìn thấy những người bố ngọt ngào và dịu dàng bên con gái họ. Tôi không muốn giật vai con 1 cái, và nói rằng nhìn kìa, hạnh phúc thực sự là nó phải như thế kìa.
“Đừng vội vã, các bạn ạ. Nhiều khi những cái đang có thì mình lại chẳng nhận ra đâu.”
Hôm ở Úc, lúc nhìn 1 ông bố đạp xe trên triền đồi dọc bờ biển cùng với cô con gái, tôi chụp hình họ mà máy cứ nhòe đi. Thỉnh thoảng, có lúc ngồi trong nhà hàng, có lúc đang đi trên đường, không vì chói mắt đâu, nhưng tôi lấy kính đen ra đeo, để không ai biết bụi lại rơi vào mắt.
Có 1 định nghĩa về cảm giác thoải mái, đó là khi mình quên hẳn nó đi, không cảm thấy nó. Như khi tim, gan, thận mình khỏe, mình không nhớ rằng nó đang ở đó và đang làm việc. Khi túi mình đầy tiền, mình không để ý giá nó tăng hay giảm. Khi ở SG, khí hậu ôn hòa quanh năm, tôi quên luôn việc theo dõi dự báo thời tiết, tôi không nhớ là có bão.
Tôi gặp nhiều bạn 8x, 9x, cảm thấy không hài lòng là ly hôn.
Ừ, có thể sau ly hôn, cuộc sống riêng của bạn sẽ thoải mái hơn. Nhưng liệu con của bạn có thực sự thoải mái không?
Hôm rồi thấy trên FB của a Trương Anh Ngọc, có tấm hình chụp ở 1 sân vận động Mỹ, 5 cái lưng mặc áo cùng team, sát cánh bên nhau, gồm 1 bé con, ngồi vui giữa ba dượng + mẹ đẻ và ba đẻ + mẹ kế.
Thực ra việc ấy ở VN không có nhiều đâu. Tôi nghe hàng trăm trường hợp sau ly hôn ông bố ôm tài sản và hoàn toàn mất tích, để mặc cho một mình mẹ xoay xở, và một mình con đương đầu.
Có lớp học nào dạy chế tạo ra loại thuốc để bố có trách nhiệm với con, sau ly hôn không? Bởi vì, chắc chắn là các bé con chưa biết nói rằng: Ba mẹ ơi, con đói trong tim nè. Tim con đang rất đói.