Chiều 29/7, Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã tiến hành cuộc Hội chẩn quốc gia lần thứ 4 cho 6 bệnh nhân COVID-19 nặng.
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia cho biết, ngoài hai ca bệnh nặng trước đó là BN 416 và 418, Việt Nam có thêm các ca nặng là BN 436, BN 438, BN 437, BN 433. Đây đều là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm. Theo nghiên cứu trung bình một người cao tuổi có từ 5-6 bệnh lý đi kèm.
Đối với bệnh nhân 416 đang có xu hướng nhiễm trùng tăng. Các chuyên gia đề nghị bệnh viện xem xét kiểm soát huyết động, huyết khối, cố gắng cai dần ECMO.
Bệnh nhân 418 có tình trạng nhiễm nấm, các xét nghiệm liện quan hô hấp cải thiện nhưng vẫn còn tình trạng nhiễm nấm. Bệnh nhân được xem xét chuyển đến BV Trung ương Huế.
Bệnh nhân 437, 61 tuổi, tiên lượng nặng với nhiều bệnh nền như suy thận mãn, viêm phổi, bệnh nhân sử dụng ECMO từ ngày 29/7. Theo các chuyên gia, bệnh nhân đã nặng lên nhiều, nhiễm trùng nên bệnh nhân cần sử dụng thuốc chống nấm, cần theo dõi các chỉ số huyết động. Đây là bệnh nhân nặng, nhiều bệnh lý đi kèm, do đó cần đặc biệt chú ý trong điều chỉnh các thông số. Bệnh viện Đà Nẵng cần khẩn trương bổ sung thuốc để đáp ứng điều trị bệnh nhận nặng như BN 437.
|
Các chuyên gia và các điểm cầu tham gia buổi hội chẩn quốc gia lần 4. Ảnh: SK&ĐS. |
Tại buổi hội chẩn các chuyên gia đã nghe BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam báo cáo về tình hình bệnh BN 433, 67 tuổi. Hiện tình hình sức khỏe bệnh nhân có diễn biến nặng hơn, khó khăn trong điều trị.
Trong đó hai BN 436 và BN 438 chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng sang Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để điều trị.
Bệnh nhân 436 là nam, 66 tuổi, có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, được lọc máu 5 lần. Ngày 29/6, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chảy máu mũi, miệng nên đến khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.
Một tuần sau, bệnh nhân xuất hiện lại các triệu chứng của suy thận nên chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng ngày 6/7. Ngày 27/7, bệnh nhân được xác định mắc COVID-19 và chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Hiện bệnh nhân phải thở máy qua nội khí quản, hút đờm giải, vỗ rung, tiếp tục duy trì an thần.
Bệnh nhân 438 là nam, 56 tuổi, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân có tiền sử bị COPD và u ác niệu quản đã phẫu thuật cách đây hai năm. Ngày 10/6, bệnh nhân nhập viện tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển khoa Nội Tim mạch điều trị đến ngày 30/6 được xuất viện. Ngày 1/7, bệnh nhân mệt nhiều, sốt, ho đờm, khó thở nên đến tái khám tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Hiện, bệnh nhân 438 tỉnh, bóp bóng hỗ trợ qua ống khai khí quản, đờm rỉ sắt nhiều khi hút nội khí quản. Tuy nhiên, bệnh nhân thể trạng suy kiệt, COPD, ung thư nên cần tăng cường vỗ dung, hút đàm, dinh dưỡng và dùng thuốc chống đông.
Ngày 30/7, bảy chuyên gia BV Bạch Mai sẽ vào hội chẩn và xem xét thiết lập Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời cân nhắc việc có chuyển bệnh nhân đi hay không.
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đề nghị khi vận chuyển cần liên lạc trước, kèm theo hồ sơ bệnh án để bệnh viện tiếp nhận có sự chuẩn bị và căn cứ điều trị theo diễn biến ca bệnh. Đây là những ca bệnh nặng, có diễn biến phức tạp nên các bệnh viện phải theo dõi sát các chỉ số lâm sàng, đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhiễm trùng, nhiễm nấm vì đa số bệnh nhân cao tuổi, suy giảm hệ miễn dịch.
Cũng trong buổi hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh lưu ý: "Cuộc chiến phòng chống COVID-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức nên đầu tiên chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để còn có người điều trị cho bệnh nhân.Do đó, các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19, bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, không để có bệnh nhân tử vong”.