Phát hạt đậu giống cho trẻ uống thay vitamin A
Sự việc xảy ra tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, ông Võ Văn Hùng, nhân viên y tế của thôn đã phát cho mỗi cháu bé một viên Vitamin A, có hình dáng rất giống một hạt đậu.
Sau đó, một số bậc phụ huynh thì cho con uống ngay, một số còn lại thì lo lắng, chưa dám cho uống vì nghi ngờ viên Vitamin A này là hạt đậu. Tuy nhiên, khi hỏi lại ông Võ Văn Hùng, thì ông này vẫn khẳng định đây là Vitamin A thật, và là Vitamin A ngoại nên rất cứng. Tuy nhiên, sau đó một số bậc phụ huynh đã gọi điện cho chính quyền địa phương và Trạm Y tế xã Cẩm Trung. Sau khi kiểm tra, đã phát hiện ra viên Vitamin A mà ông Hùng phát chính xác là hạt đậu, nên đã tạm dừng việc uống Vitamin A.
|
Dù vitamin và hạt đậu rất khác nhau nhưng nhân viên y tế vẫn nhầm lẫn khi phát thuốc.
|
Ngay sau sự việc xảy ra, Sở Y tế Hà Tĩnh đã yêu cầu họp kiểm điểm, làm rõ vấn đề trên, rút kinh nghiệm để tránh những vấn đề đáng tiếc có thể xảy ra sau này. “Chúng tôi đang chỉ đạo Phòng y tế huyện Cẩm Xuyên điều tra làm rõ sự việc và sẽ có hình thức xử lý nghiêm túc đối với những cá nhân liên quan”, ông Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Bác sĩ tiêm nhầm thuốc, bệnh nhi chết tức tưởi
Chiều ngày 26/1/2013, gia đình anh Lê Thanh Phong và chị Nguyễn Thị Lài (trú tại xã Phúc Thọ, Nghi Lộc, Nghệ An) đã đưa cháu L.N.P.L được 6 ngày tuổi tới viện vì nghi cháu bị bệnh vàng da.
Tại đây, bác sĩ Trần Kiều Anh (khoa Điều trị tự nguyện) khám cho cháu. Sau khi xét nghiệm máu, chụp X-quang và kết luận cháu L bị mắc đờm và kê đơn cho gia đình trong đó có kê một lọ thuốc Betadine và 1 lọ Chloramphenicol.
Sau khi làm xong thủ tục và kê đơn thuốc, các bác sĩ tiến hành hút đờm, rửa rốn cho bé, bác sĩ Anh đã tiêm cho bé một mũi Chloramphenicol rồi hẹn 3 ngày sau đưa cháu tới rửa rốn.
Khi về tới nhà thì cháu bỏ bú, quấy khóc, mặt mày tím tái và có biểu hiện khó thở. Nhanh chóng gia đình đưa cháu tới bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An cho đến trưa ngày 27/1 thì cháu đã tử vong.
Nguyên nhân dẫn tới cái chết của cháu bé được các bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi xác định do “suy hô hấp, suy tuần hoàn, thiếu máu do dùng thuốc Chloramphenicol 1g x 1 lọ cho trẻ 6 ngày tuổi”. Sau đó bệnh viện đã làm việc với gia đình, thừa nhận sai sót và hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân.
Viêm Amydal kê thuốc rối loạn cương dương
Ngày 31/3/2013, anh Phùng Văn Sỹ (23 tuổi, trú tại T5, xã KRông, huyện M’Đrắk, Đăk Lăk tới khám tại bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, và bác sĩ Võ Thị Quý chẩn đoán anh Sỹ bị Viêm họng Amydal cấp. Theo đó, bác sĩ Hạnh kê đơn thuốc gồm 4 loại thuốc để anh Sỹ về điều trị tại nhà.
|
Bác sĩ kê nhầm thuốc rối loạn cương dương cho bệnh nhân bị viêm Amydal
|
Theo phản ánh, trong số các loại thuốc mà bác sĩ Quý kê cho anh Sỹ có loại thuốc Levitra không liên quan gì tới việc điều trị Viêm họng Amydal cấp. Qua tìm hiểu, được biết, Levitra là loại thuốc kê đơn - sản phẩm của hãng Bayer (Đức) mới được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để điều trị rối loạn cương dương.
Trả lời nguyên nhân dẫn tới sự sai sót này, lãnh đạo bệnh viện cho biết: Lẽ ra phải kê thuốc Levoquin để điều trị bệnh Viêm Amydal cấp nhưng do trên phần mềm máy tính của bệnh viện, các tên thuốc được đánh theo thứ tự chữ cái từ A – Z. Bác sĩ trong quá trình kê đơn, do bệnh nhân đông nên đánh máy chữ LE và ra tên thuốc Levitra trước, bác sĩ không để ý và in ra đưa cho bệnh nhân nên mới dẫn tới sai sót này.
Tiềm nhầm thuốc …phun sương cho trẻ
Ngày 25/7/2013, cháu Nguyễn Huỳnh Phúc An (7 tháng tuổi, ngụ quận Ôn Môn, TP Cần Thơ) phải nhập viện để điều trị viêm phổi và nhiễm trùng đường tiêu hóa theo phác đồ là tiêm kháng sinh. Tuy nhiên sau đó, An vẫn còn sốt, ho nhiều, tiêu chảy và kết quả cấy phân phát hiện tụ cầu vàng.
Hội chẩn khoa ngày 30/7, đã đổi thuốc, dùng Tienam và Vancomycin truyền qua máy chảy chậm vào cơ thể cháu An từ 30 phút đến 1 giờ. Song song với đó, đối với việc điều trị viêm phổi, bé An được dùng thuốc Ventolin dưới dạng phun sương.
Đến ngày 31/7, người nhà bệnh nhi báo hết thuốc để phun sương. Điều dưỡng Cao Minh Đường đến nơi có đem theo ống kim tiêm chứa thuốc Ventolin nhưng lúc này cháu An được người nhà đưa đi vệ sinh. Vì vậy, điều dưỡng Đường đã để ống kim tiêm trên máy phun và sang phòng bệnh khác.
Khi ba mẹ cháu An vào, đã thấy ống kim tiêm trên máy phun nên đã đặt xuống mâm tiêm. Sau đó, máy truyền báo hết thuốc nên ba cháu An đã ra ngoài gọi bác sĩ. Lúc này, điều dưỡng Trần Thị Kim Anh vào thấy ống kim tiêm chứa thuốc Ventolin lầm tưởng là nước cất nên đã đưa vào máy truyền để đẩy hết thuốc Tienam và Vancomycin vào cơ thể bé An. Việc này đã làm cháu An quấy khóc và da nổi bông tím.
Ông Trần Viết Hào, Phó Giám đốc BV phụ sản quốc tế Phương Châu, cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc BV đã tạm ngưng mọi hoạt động của điều dưỡng tiêm nhầm thuốc cho cháu bé. Sau khi họp hội đồng khoa học chuyên môn, chắc chắn sẽ có hình thức kỷ luật người này”.