1. 3 bé ở Nghệ An tử vong sau khi tiêm chủng
Sau khi tiêm phòng vắc-xin ở trạm y tế xã, 3 cháu bé là các cháu: Vi Trung Kiên (xóm Quang Thịnh), Lô Quang Thịnh (xóm Quang Hương), Vi Hoài Nam ở bản Cù. ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bỗng dưng có biểu hiện sốt, da xanh tái và tử vong.
Các cháu đều 3 tháng tuổi, tiêm phòng 5 trong 1 ở trạm xá xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Ngày 19-12, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Bộ Y tế đang điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 cháu bé ở Quỳ Hợp, Nghệ An sau khi tiêm vắc xin. Mẫu vắc xin tiêm cho 3 cháu đã tử vong là mẫu vắc xin 5 trong 1 (phòng các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và HIB).
Đây là trường hợp đầu tiên xảy ra tình trạng tử vong đồng loạt của nhiều trẻ khi tiêm phòng cùng loại vắc xin.
2. Phát hiện loại virút độc hại gây tiêu chảy trong hải sản
Vi rút gây tiêu chảy được phát hiện trong hải sản khi nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 40 mẫu hải sản các loại tại một số chợ trên địa bàn TPHCM, mỗi loại 5 mẫu, số lượng 300g/mẫu, gồm: nghêu, sò huyết, sò lông, chem chép, sò vẹo, sò đá, móng tay, hàu.
Norovirus (NoVs) được coi là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày ruột cấp tính ở trẻ em và người lớn. Con đường truyền nhiễm chính của loại vi rút này là qua thực phẩm, nước, không khí và lan truyền từ người sang người.
Loại vi rút Norovirus gây tiêu chảy được tìm thấy trong hải sản có khả năng lây nhiễm cho người ở mọi lứa tuổi, lây nhiễm quanh năm. Virus gây dịch trong các môi trường khép kín như nhà dưỡng lão, bệnh viện, du thuyền, doanh trại quân đội, trường học, các khu giải trí (các sự kiện thể thao, hội hè). Norovirus gây nhiễm ở cả người và động vật.
3. Phương pháp mới tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Bằng phương pháp sử dụng vạt cơ dưới móng, các bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy đã tái tạo thành công lưỡi và sàn miệng bị cắt do ung thư cho 7 bệnh nhân. Phương pháp trên mở ra một hướng mới giúp bệnh nhân giữ được chức năng của lưỡi và sàn miệng.
Từ trước đến nay vạt da cơ và vạt tự do là những phương pháp thường dùng để tạo hình sau khi cắt u vùng đầu cổ. Các vạt này có ưu điểm linh động, khả năng thành công cao nhưng chúng có kích thước lớn ảnh hưởng đến chức năng cũng như thẩm mỹ cho người bệnh.
Trước thực trạng này các bác sĩ tại khoa Tai - Mũi - Họng bệnh viện Chợ Rẫy đã bắt tay vào nghiên cứu một phương pháp mới có tính hiệu quả hơn, bệnh nhân được sử dụng vạt da cơ dưới móng để tái tạo lại những u vùng đầu cổ bị cắt.
Nghiên cứu đã được tiến hành trên 7 bệnh nhân điều trị ung thư lưỡi tại khoa Tai - Mũi - Họng bệnh viện Chợ Rẫy trong hai năm qua. Các bệnh nhân sau khi tái tạo lưỡi bằng vạt da cơ dưới móng đều được xạ trị và tái khám định kỳ. Kết quả cho thấy không có trường hợp nào gây hoại tử vạt và tái phát sau mổ. Chức năng nói và nuốt sau tạo hình lưỡi không bị ảnh hưởng nhiều.
4. Ca ghép thận đầu tiên cho trẻ em không cùng huyết thống
Ngày 17/12, TS.BS Trương Quang Định – phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết thông tin trên. Sáng nay, BV Nhi Đồng 2 vừa tiến hành ghép thận cho cháu, Nguyễn Xuân Kh. (9 tuổi, nặng 15kg, ngụ ở tỉnh Lâm Đồng).
Cháu Kh. bị thiểu sản thận bẩm sinh 2 bên. Bắt đầu đưa đến suy thận mãn giai đoạn cuối vào năm 2011, sau đó cháu được điều trị bằng cách thẩm phân phúc mạc cho đến ngày ghép. Cha mẹ của cháu Khánh rất muốn tặng thận cho con, nhưng không thể thực hiện được vì bất đồng nhóm máu. Nhưng may mắn đã mỉm cười với cháu vì đã có một nữ tu giàu lòng nhân ái hiến tặng cho cháu một quả thận.
TS.BS Quang Định cho biết thêm, đây là trường hợp ghép thận lần thứ 10 cho trẻ em tại BV Nhi Đồng 2 và là trường hợp ghép thận không đồng huyết thống đầu tiên cho trẻ em tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Cháu Kh. đã được phẫu thuật trong 3 giờ, và đến 15h thì ca mổ hoàn tất.
5. Phẫu thuật thành công hai bé gái dính nhau
Ngày 19/12, hai bé gái song sinh dính nhau quê ở Hà Tĩnh sẽ được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Viện Tim TP HCM phẫu thuật tách rời, sau gần 4 tháng nhập viện để được theo dõi và chăm sóc.
Chào đời cuối tháng 8, hai bé gái có đầu, tay chân riêng biệt. Mỗi bé có một cột sống, trong đó một bé bị vẹo cột sống do tư thế dính nhau gây nên. Ngoài ra, hai bé còn dính nhau phức tạp ở gan và tim. May mắn các mạch máu lớn gần tim tách biệt nhau.
Cũng theo bác sĩ Định, vị trí dính nhau ở tim là khó khăn lớn nhất của ca phẫu thuật. Chính vì thế êkip mổ ngoài các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn có sự hỗ trợ của các bác sĩ đến từ Viện Tim TP HCM.
Hiện sức khỏe của hai bé ổn định, cân nặng hiện tại là 9,5 kg, tăng 6 kg so với lúc nhập viện.
6. Bộ Y tế VN đề nghị WHO kiểm định lại tính an toàn của văcxin
Bộ Y tế chiều 20/12 đề nghị Tổ chức Y tế thế giới và nhà sản xuất kiểm định lại tính an toàn của văcxin Quinvaxem và bại liệt, khi 3 em bé ở Nghệ An tử vong sau tiêm chủng.
Văcxin "5 trong 1" hiện có 2 loại. Một loại có tên Quinvaxem của Hàn Quốc, ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi. Đây là văcxin được dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra còn có văcxin "5 trong 1" của Pháp là Pentaxim, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib.
Sự khác biệt của hai văcxin này là ở thành phần ho gà. Loại của Pháp ít phản ứng phụ sau tiêm hơn vì là thành phần ho gà vô bào, trong khi văcxin Hàn Quốc là tế bào.
7. Y tế Việt Nam được tài trợ 10 triệu euro
Ngày 18/12, Liên minh châu Âu đã quyết định giải ngân 10 triệu euro tài trợ không hoàn lại qua ngân sách cho ngành Y tế Việt Nam.
Đây là khoản đầu tiên của một chương trình có thời hạn 3 năm với tổng ngân sách là 39,25 triệu euro. Các khoản giải ngân tiếp theo dự tính sẽ được thực hiện trong năm 2013 và 2014 nếu các điều kiện được đáp ứng.
Khoản tài trợ này được chuyển trực tiếp vào ngân khố của Việt Nam nhằm tăng hiệu quả và bình đẳng cho hệ thống y tế công của Việt Nam. Cải thiện trong các lĩnh vực cụ thể cũng được mong đợi đó là tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi và số ca sinh được chăm sóc y tế.
Một số chỉ số này đang được giám sát trực tiếp tại 9 tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Gia Lai, Kon Tum, Bắc Kạn, Yên Bái, Vĩnh Long và Kiên Giang.